Nằm ở phía Nam nước Nhật, Nagasaki là một trong những hải cảng sầm uất nhất xứ sở hoa anh đào và là cửa ngõ du nhập văn hóa phương Tây của Nhật thế kỷ XVI. Nhưng đó cũng là địa danh gắn với nỗi kinh hoàng thế kỷ: Lúc 11 giờ 2 phút ngày 9-8-1945, sau 3 ngày ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Hiroshima, Mỹ tiếp tục khủng bố tinh thần võ sĩ đạo, ý chí samurai quật cường của người Nhật bằng quả bom thứ hai ở Nagasaki, cướp đi 73.884 nhân mạng, làm bị thương 74.909 người, khiến gần 20.000 ngôi nhà bị thiêu rụi, trên 120.000 người trở thành vô gia cư; chưa kể hàng triệu người khác bị ảnh hưởng bởi chất phóng xạ; phải chịu đựng những tổn thất nặng nề về thể chất và tâm lý suốt cuộc đời còn lại.
Quả bom nguyên tử oan nghiệt ấy đã biến Nagasaki thành đống đổ nát; một nghĩa địa khổng lồ không bia mộ. Bằng những hình ảnh trực quan sinh động mà cô đã dày công tìm tòi, bài giảng của cô cứ mãi là nỗi ám ảnh song hành với cuộc sống của tôi suốt ngần ấy năm khi nhắc về tội ác chiến tranh, hủy diệt loài người… 30 năm sau, trong hành trình ngược xuôi xứ sở Phù Tang cùng đoàn nhà báo cả nước do Công ty Vietravel tổ chức, vào một chiều cuối thu, tôi đã đặt chân đến mảnh đất còn nguyên vẹn đến tận cùng nỗi đau mất mát không gì bù đắp nổi!
Nỗi buồn chiến tranh
Đưa chúng tôi tham quan Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki - mở cửa vào tháng 4-1995, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Nagasaki bị ném bom, cậu hướng dẫn viên Tất Tử Khánh Châu của Vietravel giúp chúng tôi hình dung quá khứ kinh hoàng gần 70 năm trước khi chỉ tay vào quả bom mẫu plutonium đang trưng bày trong bảo tàng, có kích thước như quả bom thật đã ném xuống Nagasaki: dài 3,25 m; đường kính 1,52 m; nặng 4,5 tấn; sức tàn phá tương đương 21.000 tấn thuốc nổ, được cấu tạo bởi 50% sức nổ, 35% tia nhiệt và 15% chất phóng xạ.
Nagasaki qua các giai đoạn, trước và sau khi phải hứng chịu đại họa bom nguyên tử
Khánh Châu thuyết minh tiếp bằng giọng trầm buồn: Một định mệnh đắng cay cho Nagasaki là thành phố này thật ra không phải mục tiêu chính để ném quả bom thứ hai mà “đích ngắm” của Mỹ là thành phố kỹ nghệ Kokura, phía đông bắc đảo Kyushu. Nhưng sáng 9-8-1945, khi thiếu tá Charles W. Sweeney - cơ trưởng pháo đài bay B-29 Bockscar mang quả bom nguyên tử "Fat Man" bay đến Kokura những ba lần, bầu trời Kokura quá nhiều mây nên không thể nhìn rõ mục tiêu, vì thế Charles Sweeney quyết định đổi sang Nagasaki. Quả bom "Fat Man" nổ ở độ cao cách mặt đất 469 m, nhiệt độ 3.871°C và sức gió khoảng 1.000 km/giờ, tạo ra đám mây hình nấm khổng lồ trên bầu trời. Khủng khiếp làm sao khi cơn bão lửa dữ dội kéo dài hơn nửa ngày, tàn phá toàn bộ nhà cửa, đường sá, cỏ cây và hủy diệt tất cả trong bán kính 3,2 km. Lúc này, có khoảng 200.000 người trong thành phố; chưa kể những người sống sót từ Hiroshima sơ tán đến Nagasaki! Nạn nhân không chỉ là người Nhật mà còn khoảng 27.000 lính Mỹ, 2.000 lao động các nước tại Nagasaki.
Chiếc đồng hồ quả lắc trưng bày tại bảo tàng
Tại bảo tàng, chúng tôi có dịp mục sở thị những hiện vật còn sót lại từ đống hoang tàn, đổ nát. Mọi thứ đã bị biến dạng, méo mó như đường rầy xe lửa, những chiếc dĩa còn vương đầy thức ăn, ly thủy tinh tan chảy trên bàn của một gia đình, những mẩu xương tay người co quắp dính trong quần áo, nón bảo hiểm… Tội nghiệp những nạn nhân còn sống sót, gương mặt, thân thể bị bỏng, tóc cháy, mắt mù, quần áo tả tơi…. Lòng chúng tôi se thắt khi tận mắt nhìn thấy những chiếc đồng hồ đeo tay và một đồng hồ quả lắc trưng bày tại đây chỉ đúng thời khắc tiền định của đại họa 11 giờ 2 phút… Không xót xa sao được khi chứng kiến những di chứng từ ảnh hưởng nặng nề của hậu chiến tranh: những người mẹ khắc khoải bên đứa con dị tật, những người già luôn thấp thỏm, phát điên khi nhìn thấy lửa…? Không ít thành viên trong đoàn đã rưng rưng nước mắt trước cảnh sắc này; biên tập viên xinh đẹp Kim Ngân của Đài Truyền hình Việt Nam, nói trong đôi mắt ngấn lệ: Thật không thể tưởng tượng đây là sự thật. Rồi cô lại so sánh: Chưa tang thương bằng những gì đã diễn ra tại chiến tranh Việt Nam và khủng khiếp bằng chất độc màu da cam mà dân tộc mình phải gánh chịu qua nhiều thế hệ!
Hai quả bom nguyên tử đã uy hiếp hoàn toàn tinh thần võ sĩ đạo của người Nhật, buộc Thiên hoàng đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh sớm nhiều tháng, cứu sống nhiều sinh mạng vô tội. Cũng từ quyết định sáng suốt này mà từ đó người Nhật “ly khai” với chiến tranh, đứng ngoài cuộc với tội ác; chuyên tâm xây dựng đất nước đổ nát bằng một sức sống mãnh liệt, hồi phục thần kỳ để sau một thời gian ngắn trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới về kinh tế!
Một trong những chứng tích của chiến tranh đau thương tại Bảo tàng Nagasaki
Rời khỏi bảo tàng, những cung bậc tình cảm của chúng tôi như lắng xuống khi các thành viên trong đoàn đặt câu hỏi: Phải chăng chính nỗi đau thương từ hai vụ hủy diệt bằng bom nguyên tử là nguồn cội của sự yêu chuộng hòa bình ở nước Nhật sau chiến tranh?
Khát vọng hòa bình
Hành trình tour của chúng tôi tiếp tục tại Công viên hòa bình Nagasaki. Đây là nơi người Nhật thể hiện khát vọng hòa bình cũng như nguyện cầu cho thảm họa kinh hoàng không lặp lại nữa. Công viên Hòa Bình Nagasaki được xây dựng năm 1955 ở trung tâm nơi bom nguyên tử tàn phá thành phố. Đến nơi này vào thời tiết se lạnh chiều thu, bầu trời xám nghịt càng làm cho không khí thêm u tịch. Đã bao nhiêu năm trôi qua nhưng sao giờ đây đứng trên mảnh đất đau thương này tôi vẫn như cảm nhận đầy đủ không khí tang tóc đến rợn người. Không hãi hùng sao được khi “điểm nhấn” của công viên là hình tượng 2 chiếc quan tài, một lớn một nhỏ màu đen tuyền bóng loáng như nhắc nhở về sự oan khiên của những linh hồn vô tội.
Chiếc quan tài đen tại Công viên Hòa bình Nagasaki
Trong công viên còn có rất nhiều tượng đài; nhưng ấn tượng nhất là tượng đài Hòa bình cao 9,7 m được xem như hiện thân cho ước vọng hòa bình của nhân dân Nagasaki cũng như người dân Nhật. Nhà tạc tượng Seibou Kitamura quê ở Nagasaki đã gởi gắm tình nhân ái và từ bi của Đức Phật vào tượng đài này. Hướng dẫn viên Khánh Châu giải thích: Tay phải tượng giơ lên cao về phía thiên đường thể hiện ý nguyện hòa bình vĩnh cửu; tay trái giơ ngang bằng để ngăn cản, chấm dứt sự đe dọa của vũ khí hạt nhân. Đôi mắt nhắm hờ cầu nguyện cho những nạn nhân của bom nguyên tử. Hằng năm nhân dân Nagasaki đều tổ chức lễ kỷ niệm vụ đánh bom nguyên tử, tưởng niệm hòa bình tại đây. Chắc hẳn người dân Nagasaki rất yêu chuộng hòa bình nên hàng ngày họ đều đến đây cắm hoa tươi trước tượng hòa bình.
Tượng đài của kiến trúc sư Naoki Tominaga tại Công viên Hòa Bình Nagasaki
Một tượng đài khác cũng đầy cảm xúc được kiến trúc sư Naoki Tominaga - người con của Nagasaki - thiết kế nhân kỷ niệm 50 năm ngày Nagasaki bị ném bom. Từ con số 70% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em, vị kiến trúc sư tài năng này đã tạc nên hình ảnh một bà mẹ nâng niu, ôm ấp đứa bé thân yêu trên đôi tay như để chở che, bao bọc lấy con mình trước thảm họa chiến tranh. Hình ảnh đứa bé được kiến trúc sư ví von như nước Nhật lúc bị ném bom, đau khổ và nhỏ bé được bàn tay che chở, bao dung của người mẹ là cả thế giới ôm ấp, giúp đỡ… Gần đó là khu tưởng niệm trẻ em được trang trí bằng những chùm hạc giấy đủ sắc màu được người dân Nhật xếp gấp trong ý niệm thành khẩn cầu mong cho những linh hồn bé thơ mau siêu thoát và hòa bình được vĩnh hằng trên mảnh đất từng nhuốm máu bao sinh linh vô tội.
Thông điệp hòa bình của các quốc gia trên thế giới gửi tặng nước Nhật
Cùng chia sẻ khát vọng hòa bình, phản đối chiến tranh với nhân dân đất nước mặt trời mọc là những bức tượng thể hiện sự đồng điệu do các quốc gia trên thế giới hiến tặng theo lời kêu gọi của chính quyền Nagasaki từ năm 1978! Mỗi quốc gia thể hiện một hình ảnh khác biệt, nhưng tất cả đều tựu trung vào thông điệp yêu chuộng hòa bình. Rải rác đây đó trong công viên là hình ảnh những nạn nhân bom nguyên tử bị thiêu cháy hết quần áo, đau đớn, quằn quại trong tật nguyền... nhưng vượt lên nỗi đau để vươn tới một thế giới không còn tang thương, chết chóc.
Tác giả tại đài phun nước Hòa bình ở Nagasaki
Gần một giờ tha thẩn trong công viên với tâm trạng ngổn ngang, tôi bất chợt tìm được một hình ảnh đẹp tại đây là Đài phun nước hòa bình, được xây dựng tháng 8-1969 như lời nguyện cầu cho sự yên nghỉ của các linh hồn những nạn nhân của bom nguyên tử đã chết vì khát. Đài phun nước mang hình tượng đôi cánh bồ câu biểu tượng cho hòa bình, đường kính 18 m; cao 6 m; là nơi thu hút nhiều khách tham quan chụp hình lưu niệm khi đặt chân đến đây. Thương quá đi thôi câu nói của bé gái 9 tuổi tên Sachiko Yamaguchi khi quả bom kinh hoàng ném xuống Nagasaki được tạc trước đài nước: Cháu đã khát quá sức chịu đựng, nên khi nhìn thấy dòng nước đầy dầu trên bề mặt cháu đành uống thôi!
Tạm biệt Nagasaki, tôi nhớ mãi những cánh hạc hòa bình và luôn nguyện ước cho một thế giới không có chiến tranh, không còn những nỗi đau se thắt tâm hồn từ Nagasaki... Hãy chấm dứt chiến tranh, bởi chiến tranh đâu phải trò đùa... nhất là trên thân phận con người!
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel:
Những năm gần đây, lượng khách Nhật đến Việt Nam đã gia tăng đáng kể; đạt con số 600.000 lượt trong năm 2013. 9 tháng đầu năm 2014, lượng khách Việt Nam sang Nhật cũng đạt trên 90.000 khách, hơn cả toàn năm 2013. Thời gian tới, hai nước đang nỗ lực với mục tiêu đưa 1 triệu du khách Nhật sang Việt Nam và 200.000 khách Việt đến Nhật. Chỉ tính riêng tại Vietravel, đến tháng 10-2014, lượng khách Việt đến Nhật tăng 180% so với cùng kỳ. Nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hiện Vietravel đã tổ chức nhiều đường tour đến Nhật; trong đó vùng Kyushu là điểm đến mới, hứa hẹn nhiều sự hấp dẫn. Với khí hậu ôn hòa, nơi đây hội tụ rất nhiều tiềm năng du lịch thiên nhiên như suối nước nóng, núi lửa, lâu đài cổ, làng cổ, chùa chiền, bảo tàng bom nguyên tử, công viên hòa bình ở Nagasaki… Với đường bay thẳng từ Việt Nam sang Fukuoka - một thành phố đầy sức sống của vùng Kyushu - chắc chắn tour du lịch này sẽ thu hút rất nhiều du khách khi Vietravel là đơn vị tiên phong đưa vào khai thác với mức giá ưu đãi cạnh tranh nhất.
Bình luận (0)