Chỉ sau 3 ngày ra mắt, bản rap "Sự nghiệp chướng" của nữ rapper Pháo đã lọt vào Top 1 Trending YouTube Việt Nam. Hiện tại, "Sự nghiệp chướng" đạt gần 10 triệu lượt xem và gần 26.000 bình luận, vượt qua cả "Bắc Bling" của Hòa Minzy hay "Dancing in the dark" của SOOBIN.
Khó chấp nhận
Những tưởng đây là một thành tích đáng tự hào nhưng trái lại, nhiều khán giả yêu nhạc lại lo lắng. Dù không chỉ đích danh ai nhưng xuyên suốt bản rap là những lời lẽ sâu cay nhắm tới người đàn ông lăng nhăng, trăng hoa. Hàng loạt gợi ý với những từ khóa như "sự nghiệp", "sorry", "nhân viên"..., cộng đồng mạng cho rằng Pháo đang ám chỉ ViruSs.
Vị trí Top Trending, "Sự nghiệp chướng" đạt mong muốn của Pháo. Nhưng với nhạc Việt, "Sự nghiệp chướng" khó được chấp nhận là một sản phẩm âm nhạc đúng nghĩa.
Như chia sẻ của ca sĩ Hà Anh Tuấn: "Âm nhạc là để truyền cảm hứng, làm cho người nghe thấy tốt hơn, sống tích cực hơn, lạc quan hơn" thì có lẽ "Sự nghiệp chướng" không đạt bất cứ chuẩn mực nào của âm nhạc nói chung. Và khi nằm ngoài những chuẩn mực cần phải có, những sản phẩm này chỉ là nhạc "rác".
Theo những người trong giới, gọi là nhạc "rác" vì các sản phẩm âm nhạc này sử dụng ngôn từ tục tĩu, vô nghĩa hay đầy hình ảnh phản cảm, dung tục. Thậm chí, có những sản phẩm dẫn dắt trào lưu tiêu cực, cổ xúy cho các tệ nạn xã hội, lối sống bất cần, phá phách... Chuyện nhạc "rác" thực tế không mới. Khán giả từng lên án "Censored", "Cypher nhà làm" do Low G, Teddie J, Chí, ResQ phát hành; ca khúc "Mẩy thật mẩy" của BigDaddy có phần lời bị nhiều khán giả cho là ám chỉ cơ thể phụ nữ; bản rap "Tượng" của Rhymastic sử dụng nhiều từ ngữ dung tục hoặc "Sashimi" của Chi Pu…
Từ khi rap/ hip hop trở thành trào lưu được yêu thích ở sân khấu nhạc Việt thì nhạc "rác" cũng xuất hiện nhiều hơn bởi đặc tính "không ngại thể hiện cái tôi cá nhân" của người viết. Cùng với sự phát triển của thời đại, xu hướng viết nhạc "nói thẳng, nói thật", "nói nhanh gọn, không lòng vòng hoa mỹ" của thế hệ người sáng tác trẻ thì ca khúc cũng trở nên trần trụi hơn.
"Dù "thô mà thật" được yêu thích nhưng ở lĩnh vực nghệ thuật, chất thơ vẫn là yếu tố được coi trọng. Bởi lẽ, "nhạc là thơ, nhạc là họa", một tác phẩm ra đời phải mang nét đẹp nhất đến cho người nghe. Đó không phải là đòi hỏi mà là tính chất đặc thù của nghệ thuật" - ca sĩ - nhạc sĩ Huỳnh Lợi khẳng định.
Không thể thả nổi
"Sự nghiệp chướng" của Pháo không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, không ít ca khúc đã từng bị "chế lại" với ngôn ngữ phản cảm nhưng được lan truyền rộng rãi khi được "tái sử dụng" trong các video clip giải trí. Tốc độ lan truyền của những nội dung này thường rất nhanh, bất chấp giá trị thẩm mỹ hay thông điệp văn hóa mà chúng mang lại.
Theo nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, những bài nhạc "rác" như trên vẫn có đất sống bởi vì sự tò mò, bắt trend dễ khiến khán giả trẻ bắt chước. Bằng chứng là sau khi những bản nhạc này ra mắt, nhiều người trẻ đã cover lại hoặc dùng làm âm thanh cho các video của mình trên mạng xã hội. Điều này vô tình khiến nhạc "rác" có sức hút.
"Những chuẩn mực đánh giá dựa trên Top Trending, vị trí xếp hạng ở các nền tảng mạng xã hội, không phải là thước đo cho sự phát triển của thị trường nhạc Việt. Sáng tạo nghệ thuật cần sự tự do nhưng tự do không đồng nghĩa với buông thả" - nhạc sĩ Võ Thiện Thanh nhấn mạnh.

Bản nhạc “Sự nghiệp chướng” của Pháo khiến nhiều khán giả phản ứng. (Ảnh: THÀNH ĐỨC)
Theo ông, với nghệ sĩ, lòng tự trọng không chỉ là danh dự cá nhân mà còn là cam kết đạo đức với công chúng, đặc biệt là người trẻ. Một nghệ sĩ có trách nhiệm luôn biết đặt câu hỏi trước khi phát hành tác phẩm, chẳng hạn: Tôi đang đưa ra điều gì? Ai sẽ nghe? Tác động xã hội của nó ra sao? Việc dễ dãi trong ca từ, chiều theo thị hiếu của công chúng chỉ để câu view không thể được biện minh bằng lý do "muốn thể hiện cá tính". Mỗi câu chữ thiếu trách nhiệm đều có thể gieo mầm lệch lạc cho tâm hồn người nghe.
TS Phạm Việt Long lo lắng hiện tượng nhạc "rác" sẽ tác động tiêu cực đến nhận thức và thị hiếu âm nhạc của công chúng, đặc biệt là những người trẻ đang trong quá trình định hình thẩm mỹ và nhân sinh quan. Nhiều ý kiến cho rằng "phải có cầu ắt có cung", vấn đề không nằm ở người sáng tác mà còn cả người nghe. Nhưng cho đến nay, nhạc Việt vẫn là một thị trường thả nổi - ai thích gì nghe nấy, thấy gì hợp thì đón nhận.
Ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi chia sẻ: "Thẩm mỹ thưởng thức nghệ thuật của khán giả được hình thành từ sự đào tạo chuyên nghiệp. Khi khán giả biết chọn những điều là tinh hoa thì nhạc "rác" sẽ không có chỗ đứng".
Một nhà chuyên môn khẳng định: "Khán giả có thể quên nhanh một bản hit nhưng sẽ nhớ lâu những nghệ sĩ tử tế. Làm nghệ thuật là hành trình dấn thân, cũng là hành trình giữ gìn. Giữa vòng xoáy thị trường, chỉ có lòng tự trọng mới giúp nghệ sĩ đứng vững, giữ cho nghệ thuật không bị biến thành thứ hàng hóa rẻ tiền".
Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, một bản hit được xem như "lệnh bài" cho sự nổi tiếng. Song ở con đường nghệ thuật, sự nghiêm túc và trách nhiệm sẽ là yếu tố đầu tiên quyết định thời hạn hoạt động của một nghệ sĩ tài năng.
Bình luận (0)