Tập đoàn vận tải và logistics Maersk, trụ sở tại Đan Mạch, vừa ra mắt tàu vận tải mới sử dụng động cơ đốt 2 nhiên liệu chạy bằng methanol ở Singapore vào cuối tháng 11-2024.
Con tàu mới mang tên A.P. Møller, dài 350 m, được bổ sung vào đội tàu có khả năng chạy bằng cả methanol lẫn nhiên liệu hàng hải truyền thống của Maersk. Số tàu này đang ngày càng tăng, phản ánh nỗ lực riêng của Maersk lẫn cố gắng chung của toàn ngành hàng hải trong việc giảm phát thải khí carbon.
Phát biểu trên chương trình "Squawk Box Asia" của kênh CNBC (Mỹ), ông Ditlev Blicher, Chủ tịch Maersk khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết những con tàu nhiên liệu đôi kể trên đại diện cho công nghệ mới nhất. "Công nghệ này cho phép ngành công nghiệp chuyển từ các nhiên liệu truyền thống hoặc nhiên liệu hóa thạch sang loại nhiên liệu mà chúng tôi gọi là e-methanol, hoặc methanol xanh, giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon của ngành vận tải biển" - ông giải thích.
Theo định nghĩa phổ biến của Maersk, nhiên liệu xanh là những nhiên liệu tạo ra mức giảm ít nhất 65% khí thải nhà kính trong vòng đời sử dụng so với các nhiên liệu hóa thạch tham chiếu. Maersk cho biết các con tàu sử dụng methanol xanh có thể giảm phát thải tối đa khoảng 280 tấn CO2 mỗi ngày, tạo thành bước đi then chốt giúp tập đoàn đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2040.
Methanol xanh cũng có hàm lượng sulfur thấp hơn, giúp giảm phát thải ôxít sulfur - chất góp phần gây ô nhiễm không khí và mưa axít, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ông Blicher cho biết A.P. Møller là tàu nhiên liệu đôi thứ 9 của Maersk trong tổng số 25 chiếc dự kiến được hoàn thành vào năm 2027. Theo Maersk, việc thay thế chỉ 12 tàu thông thường của mình bằng các tàu nhiên liệu đôi lớn sử dụng methanol như A.P. Møller có thể giảm phát thải 1,5 triệu tấn CO2 - gần gấp đôi lượng CO2 mà thủ đô Copenhagen của Đan Mạch thải ra năm 2022.
Maersk là hãng vận chuyển đường biển lớn nhất thế giới, đồng thời là tập đoàn tạo xu hướng quan trọng trong thương mại toàn cầu, giúp thúc đẩy nhiều công ty khác chuyển dần sang sử dụng methanol. Ông Blicher cho biết khoảng 170 tàu nhiên liệu đôi sử dụng methanol đã được đặt hàng trong toàn ngành, từ đó mở rộng đáng kể quy mô sản xuất.
Singapore, với vai trò là cảng tiếp nhiên liệu lớn nhất thế giới, đã dẫn đầu nhiều sáng kiến thúc đẩy vận tải biển bền vững. Cuối tháng 11-2024, Bộ trưởng Bộ Pháp lý và Giao thông Singapore, ông Murali Pillai, tuyên bố sự xuất hiện của A.P. Møller tại nước này đã củng cố cam kết của quốc đảo trong việc giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận (0)