DSLR sử dụng cơ chế lấy nét theo pha cho tốc độ đáp ứng cao nhờ module lấy nét được thiết kế độc lập và thuật toán so sánh trùng/lệch pha không quá phức tạp. Trong khi đó các máy mirrorless sử dụng cơ chế lấy nét tương tự trên các máy điện thoại hay máy ảnh compact gọi là lấy theo tương phản. Bộ cảm biến hình ảnh sẽ ghi lại một phần bức hình sau đó kiểm tra độ sắc nét, nếu chưa đạt sẽ lấy nét lại và kiểm tra lần nữa cho đến khi nào đạt độ nét. Rõ ràng lấy nét theo tương phản mất nhiều thời gian hơn và đặc biệt chậm chạp trong điều kiện thiếu sáng cũng như bắt nét các đối tượng chuyển động.
Như vậy nếu bạn có ý định dùng máy ảnh để chụp thể thao hay đơn giản muốn bắt giữ mọi khoảnh khắc trẻ em vui chơi trong nhà thì DSLR là lựa chọn ưu thế. Bên cạnh đó DSLR gần như không có độ trễ màn trập. Các nhà sản xuất mirrorless đã cố gắng cải thiện điều này và nhiều thiết bị gần được nâng cấp cho tốc độ xử lý nhanh, kết hợp cả lấy nét theo pha, lấy nét theo tương phản (thường gọi là lấy nét lai Hybrid AF) trong một cảm biến duy nhất. Nhìn chung DSLR vẫn nổi trội hơn nhưng vấn đề này một lần nữa cũng chỉ ảnh hưởng tới các phóng viên thể thao, phần lớn ở điều kiện chụp hằng ngày bạn sẽ không cần quá phải bận tâm.
Với máy ảnh DSLR bạn sẽ có toàn quyền kiểm soát thiết bị. Điều này cũng có nghĩa là bạn có thể điều chỉnh bất cứ các thông số như mình mong muốn. Đương nhiên nó cũng đòi hỏi am hiểu kiến thức nhất định về những thông số kỹ thuật phức tạp và đây là rào cản không nhỏ đối với người mới chơi ảnh. Không ít người mới dùng thay đổi các thông số kỹ thuật mà không biết tác dụng của nó là gì. Kết quả là một bức hình còn xấu hơn việc chụp bằng smartphone, thậm chí là lấy nét nhầm chủ thể.
Ngay từ đầu đề cập, chuyển từ một thiết bị “fix” cứng sang máy ảnh thay ống kính, vậy vấn đề cần quan tâm sau máy ảnh chính là ống kính. Với sự phát triển hàng trăm năm nay, DSLR sở hữu một kho ống kính và phụ kiện đồ sộ của cả chính hãng đến những bên thứ ba. Rõ ràng bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn, cạnh tranh đồng nghĩa với việc mức giá sắm ống kính, phụ kiện cũng rẻ hơn. Mỗi nhà sản xuất mirrorless lại đưa ra các chuẩn ngàm ống kính khác nhau, bên cạnh đó số lượng ống cho mirrorless còn khá hạn chế.
Cuối cùng, một chiếc máy ảnh DSLR với kính ngắm quang học sẽ giúp kiểm soát chính xác hình ảnh. Thay vì ngắm chụp thông qua màn hình LCD phía sau, kính ngắm quang học thể hiện đầy đủ, chính xác nhất những gì sẽ xuất hiện trong bức hình của bạn. Bên cạnh đó, với thiết kế kính ngắm quang học đòi hỏi người sử dụng phải có một tư thế cầm chuyên nghiệp còn giúp giảm thiểu rung máy trong quá trình thao tác. Đương nhiên mirrorless cũng có kính ngắm điện tử nhưng phải chú ý rằng, tất cả những gì bạn nhìn thấy đều là tái hiện và không đạt được thực tế như kính ngắm quang học.
Điều người dùng quan tâm đến mirrorless bên cạnh chất ảnh ấn tượng còn bởi thân hình nhỏ gọn. DSLR trải qua rất nhiều phát triển nhưng do đặc tính kỹ thuật, đây vẫn là một thiết bị cồng kềnh, nặng nề. Ở thời điểm hiện tại, Canon EOS 100D được coi là mẫu DSLR nhỏ gọn nhất thế giới có khối lượng 0,6 kg với ống kính đi kèm, mẫu máy tầm trung như Nikon D7100 nặng 1,2 kg và các máy chuyên nghiệp thường có khối lượng và kích thước lớn hơn khá nhiều. Trong khi đó, mirrorless với cơ chế hoạt động giản lược gương lật giúp máy có thân hình nhỏ gọn. Một mẫu mirrorless tiêu biểu như Fujifilm X-E1 chỉ nặng 350 gam hay như Lumix GM1 nhỏ gọn nhất thế giới nặng 204 gam, ngang các máy compact. Thử tưởng tượng, khi bạn đi máy bay hành trang cho phép khoảng chục kg, vậy mà bạn đã phải dành 2 kg cho máy ảnh và ống kính.
Ngoài ra, với DSLR bạn sẽ dễ gây sự chú ý hơn khi hướng ống kính về đối tượng, Trong khi đó mirrorless nhỏ gọn hơn nhiều và ngày càng thời trang, phong cách. Với các phóng viên hoặc chụp ảnh đời thường, việc dùng một thiết bị không quá nổi bật sẽ giúp bạn dễ dàng ghi lại những khoảnh khắc tự nhiên và quan trọng hơn cả là dễ dàng mang theo.
Xem trực tiếp trên màn hình, mặc dù không đạt yếu tố kỹ thuật cao bằng kính ngắm quang học nhưng nó cũng có những lợi thế nhất định. Bạn sẽ không cần phải thực hiện các thao tác từng bước để ngắm chụp, thậm chí cứ đưa ra và chụp như những gì quen làm với smartphone. Còn nếu bạn muốn có một tư thế ngắm chụp thì mirrorless cũng có kính ngắm điện tử (EVF). Dĩ nhiên tính năng này chỉ được trang bị trên các máy cao cấp hoặc bán dưới dạng phụ kiện và giá thành không rẻ. Cũng phải thừa nhận rằng thành phần tiêu hao năng lượng lớn trên mirrorless xuất phát từ màn hình luôn sáng dẫn đến thời lượng pin thua kém DSLR.
Hệ ống kính trên mirrorless không nhiều không có nghĩa là không đủ. Thực tế với người dùng cơ bản, một ống kính đa dụng bán kèm theo khi mua máy đã đáp ứng trên 80% nhu cầu thông thường. Còn nếu nói giá thành đắt cũng cần thấy ống kính trên mirrorless có chất lượng quang học đều ở mức khá trở lên. Ngoài ra với người dùng mới bắt đầu, việc đứng trước ít lựa chọn sẽ giúp người chơi tập trung hơn vào kỹ thuật thay vì phân tán tư tưởng hay “chạy đua vũ trang”.
Một vấn đề tranh luận chưa có hồi kết là chất lượng hình trên mirrorless. Với sự phát triển nhanh chóng, có thể khẳng định những gì mirrorless làm được ngang ngửa với DSLR entry-level từ việc kiểm soát độ sâu trường ảnh (DOF) hay tạo ra Bokeh đẹp hơn. Kích thước cảm biến chỉ thua các máy DSLR full-frame và mới đây Sony cũng tung ra mẫu mirrorless Alpha A7/A7R với có kích thước này hứa hẹn sẽ đáp ứng nhu cầu ảnh cao hơn.
Nếu bạn có ý định bước theo con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay không ngần ngại việc mang theo túi máy ảnh đồ sộ với ống kính kèm theo thì DSLR là câu trả lời. DSLR sẽ cung cấp cho bạn khả năng kiểm soát hình ảnh tối đa, điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ cần và phải đầu tư học tập một cách chăm chỉ, bài bản. Bên cạnh đó kính ngắm quang học và tư thế cầm sẽ là lợi thế không nhỏ. Trong nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh thể thao, DSLR là lựa chọn tối ưu nhưng trong cuộc sống thường ngày, khoảnh khắc mới là điều quan trọng nhất.
Cuối cùng, hãy cân nhắc kỹ trước nhu cầu sử dụng của bạn. Khoảng cách giữa mirrorless và DSLR ngày càng rút ngắn trong đó mỗi thiết bị lại thể hiện những ưu và nhược điểm riêng. Bên cạnh thiết bị cũng cần nhớ rằng khoảnh khắc, một đôi mắt biết quan sát và kỹ năng chỉnh sửa sau khi chụp sẽ giúp bạn tạo ra một bức ảnh tuyệt vời.
Bình luận (0)