Bạn đã quyết định mua một chiếc máy ảnh giá rẻ dành cho việc chụp hình lưu niệm gia đình bạn bè và những chuyến đi du lịch. Và với tầm giá dưới 2,5 triệu, tha hồ cho mượn, quăng quật, không sợ mất mát thông tin riêng tư như điện thoại chụp hình... Vậy thì mua ở đâu và mua loại gì?
Chúng ta vẫn biết những cửa hàng bán chuyên máy ảnh thường không bán những chiếc quá rẻ bởi những chiếc này phải bán số lượng nhiều mới có lãi. Và vì vậy, nơi mua chúng là các siêu thị điện máy.
Nghe đến đây chắc các bạn chuẩn bị mặc đồ lao ra siêu thị gần nhất, mua ngay một cái. Khả năng tới 80% là các bạn nhắm mắt cũng sẽ mua được một chiếc tốt trong tầm giá bởi nhìn chung những máy ảnh bây giờ khá tốt, tuy nhiên vì đã mất công online tìm hiểu rồi thì ta sẽ nên nghiên cứu đôi chút về những thông số kỹ thuật cơ bản, cho dù là chưa có hiểu biết gì nhiều về máy ảnh.
Tìm thông tin trên internet
Chúng ta biết rằng các siêu thị điện máy lớn đều có websites riêng của mình. Vì thế việc làm tiếp theo của bạn là vào trang web siêu thị điện máy bạn chọn và bắt đầu tham khảo ở khu vực liên quan, chẳng hạn như Kỹ thuật số - máy ảnh kỹ thuật số, máy ảnh du lịch....
Các website đều cho chúng ta công cụ lọc theo giá, và ta sẽ lọc trong tầm giá 1tr-2,5tr sau đó tạm thời lựa chọn thương hiệu ưa thích cũng như kiểu dáng, màu sắc trong hình. Nhìn chung ở tầm giá này đều có một vài model của những thương hiệu lớn như Canon, Nikon, Sony, Panasonic, Fujifilm, Olympus ...
Bấm vào 1 chiếc máy ảnh cụ thể, chọn mục Thông số kỹ thuật/chi tiết kỹ thuật và lưu ý một số điểm dưới đây:
1. Nhóm thông số ít nhiều liên quan tới chất lượng hình (hoặc tưởng liên quan lắm mà không phải)
• Số Mê (megapixel - độ phân giải): quên ngay cái này, 6M là đủ, trên 10M là thênh thang, số Mê giờ đây chẳng có ý nghĩa gì - nhắc lại một lần nữa: BỎ QUA SỐ MÊ
• Tầm zoom: 4x 8x... là khả năng kéo gần lại chủ thể, càng nhiều x thì càng kéo gần lại nhiều hơn. Thực tế trong đa số cảnh sinh hoạt, hầu như người dùng mở máy ra là chụp nên nói chung có thể bỏ qua thông số này luôn.
• ISO: bỏ qua nốt - con số liệt kê không có ý nghĩa - sẽ đánh giá bằng mắt khi coi hình lúc đến siêu thị điện máy.
• Độ mở đón ánh sáng (khẩu độ: aperture): chụp sinh hoạt nói chung, thì nên chọn cái số trông nhỏ nhỏ VD: f2.8 f2.7 thì ánh sáng vào nhiều hơn, còn f3.5 thì ánh sáng vào ít hơn một chút - một số website có ghi rõ một số không ghi, nếu không ghi thì có thể đặt câu hỏi tại tinh tế hoặc hỏi cụ Google, gõ "model máy ảnh" + "aperture" là ra.
• Tiêu cự: là góc nhìn của máy ảnh - nên lưu ý tới thông số tiêu cự rộng nhất khi vừa khởi động máy xong, người ta sẽ ghi theo số tương đương milimet: bình thường chọn 28mm hoặc 26mm là vừa, nếu hay chụp góc rất rộng hoặc rất đông nguời thì tìm chọn 24mm.
• Chống rung quang học: một số website ghi rõ là có chống rung quang học (chuyển thấu kính) một số website ghi mập mờ dòng máy nào đó có chống rung - nên kiểm tra kỹ bởi có thể chỉ là chống rung điện tử, không có hiệu quả đáng kể.
Vậy trong phần này ta chỉ cần lưu ý ưu tiên khẩu độ lớn thể hiện bằng số f/ nhỏ (thường là f/2.8-5.9 là ổn, nếu là f/3.5-6.5 thì hơi thiệt sáng hơn 1 chút) và CÓ chống rung quang hay không và tiêu cự tầm tương đương 26-28mm là được. Tạm bỏ qua những thông số khác.
2. Nhóm thông số về các tính năng gia tăng, độ tiện dụng thoải mái
• Quay phim HD: muốn có hay không
• Kích thước màn hình LCD: càng to càng tốt tuy nhiên độ phân giải cũng nên cao theo thì trông mịn màng hơn.
3. Nhóm thông số liên quan tới "giá ẩn"
• Loại Pin: Nếu máy đó có pin pin sạc bán kèm máy (Lithium) thì coi như yên tâm. Nếu máy đó sử dụng pin AA thì nhưng khả năng là bạn sẽ phải mua thêm 2 cục pin sạc và cục sạc - đội thêm giá thành và có thể là hơn tới vài trăm ngàn để được loại pin tốt ít bị xả khi không dùng (như Eneloop chẳng hạn)
• Bộ nhớ trong: có thì càng tốt, coi như lợi thêm một chút dung lượng.
• Đồ tặng thêm: Bao da, thẻ nhớ có hay không.
• Hàng bỏ mẫu, còn rất ít: thường là hàng tồn nhưng mới 100% thiếu mẫu (VD thiếu màu đỏ màu trắng ....) và đây là những chiếc có giá khá hời - đừng mua hàng trưng bày hàng trầy xước.
Tại siêu thị điện máy
Sau khi tìm hiểu xong thông tin về một vài chiếc máy cụ thể đã lọt vào "mắt xanh" bạn sẽ tới siêu thị để cầm nắm, trải nghiệm nó trên tay.
Bạn không nhất thiết phải mua ngay trong lần đầu tiên. Nếu bạn là người cẩn thận muốn kiểm tra kỹ chất lượng hình ảnh trước khi mua thì có thể mang 1 chiếc thẻ nhớ SD để chụp thử vài model sẵn có và mang về nhà soi hình trên máy tính. Lưu ý một vài yếu tố dưới đây:
• Trò chuyện với người bán hàng tạo cảm giác thoải mái, nhiều người bán có kiến thức rất tốt, nhưng một số cũng còn hiểu sai, vì vậy cứ tạm thời tin một nửa.
• Chủ động đề nghị cho cầm một số máy để so sánh.
• Cảm giác máy trên tay: lớn nhỏ, thiết kế vừa tay hay không, ấn lắc nhẹ các phím xem có vững chắc hay không, một số máy giá tầm thấp có cảm giác phím lỏng lẻo rất khó chịu - dĩ nhiên tùy cảm giác cá nhân
• Vào các menu nhanh, menu chính bấm lên xuống coi cảm giác có trực quan hay không, có tiếng Việt hay không?
• Khởi động máy kéo zoom và bấm nháy lấy nét, thử xem tốc độ đáp ứng có ở mức độ chấp nhận được không?
• Lấy thẻ của mình cắm vào máy chụp 4 tấm ở chế độ tự động hoàn toàn không zoom và có zoom, đủ sáng và hướng vào góc tối khuất để thử độ nhiễu - rút thẻ ra và mang về nhà soi trên máy tính nếu chưa mua ngay: có thể kiểm tra về màu sắc, độ nét cũng như độ nhiễu.
• Khi mua liền nhớ kiểm tra đầy đủ quà tặng, máy mới 100% và có bảo hành chính hãng.
Tạm kết luận: Với số tiền dưới 2,5 triệu, người dùng phổ thông có khả năng mua cho mình một chiếc máy ảnh thương hiệu tốt ở các siêu thị điện máy trong khu vực cư ngụ. Các máy có thể hơn kém nhau một chút xíu về tính năng cũng như chất lượng hình ảnh, nhưng thực tế sử dụng nắm được phương pháp chụp mới là quan trọng nhất.
Bình luận (0)