Ống kính Fisheye hay còn gọi là ống kính mắt cá - là một loại ống kính có cấu trúc thấu kính đặc biệt nhằm mang lại hiệu ứng hìn ảnh lạ và tương tự như mắt cá nhìn trong môi trường nước. Ban đầu, loại ống kính này được sản xuất dành riêng phục vụ công việc nghiên cứu lãnh vực thiên văn khí tượng. Các chuyên gia sử dụng ống kính này chụp lại hình ảnh bầu trời, hình ảnh của quá trình hình thành ngưng tụ hơi nước trong bầu khí quyển ... và họ gọi là "ống kính của bầu trời".
Về sau, khi nhiếp ảnh phát triển rộng, loại ống kính này nhanh chóng được sử dụng phổ biến trong giới nhiếp ảnh. Nhiều người thích và tìm mua loại ống kính này ráo riết, trong đó một số vì nhu cầu sáng tác ảnh trong công việc, một số vì vui thích với hiệu ứng lạ của loại ống kính này. Hơn nữa, Fisheye cũng được sử dụng như một ống kính trong bộ ống kính góc rộng của người chụp ảnh, dễ dàng chụp sáng tạo những khoảnh khắc bất ngờ.
Gần đây, mình thấy có nhiều bạn quan tâm và sử dụng ống kính này, bài này chia sẻ một vài cách chụp với loại ống kính này. Góc ảnh và tỉ lệ ảnh sẽ bị thay đổi và tạo ra hiệu ứng lạ mắt, tạo một ấn tượng riêng với thể loại ảnh chụp bằng ống này.
1. Chiêu "cong chân trời"
Đây là loại ảnh rất phổ thông. Cầm Fisheye là người ta chụp ngay tấm cong chân trời! Cần lưu ý khi chụp loại ảnh này, bạn di chuyển khung ảnh làm sao đưa đường chân trời hoặc đối tượng vào gần cạnh trái, phải hoặc trên, dưới của khung ảnh. Càng sát mép khung ảnh thì hiệu ứng cong méo càng hiệu quả, càng nhiều. Nếu bạn đặt đường chân trời tại giữa khung ảnh, thì nó sẽ thẳng ngang khung ảnh mà không có hiệu ứng cong. Thêm một lưu ý nữa, đó là khi đưa đường chân trời ra mép dưới khung ảnh, chân của bạn có thể lọt vào khung.
Bức ảnh sau, mình đưa đường chân trời sát mép cạnh của khung, góc chụp cao ở sân thượng của ngôi nhà ở Saigon, đưa đường chân trời xuống sát cạnh dưới của khung ảnh tạo hiệu ứng cong. Sau đó, mình dùng phần mềm hậu kỳ lật ngược ảnh tạo cảm giác như quả địa cầu. Rất thú vị!
Hoàng hôn Saigon - Nikon FE 16mm f/2.8
Thành quả gốm Bắc Bình - Nikon FE 16mm f/2.8
Vũ điệu K'ho - Canon FE 8-15 f/4
2. Chiêu "góc rộng phong cảnh"
Ống kính Fisheye chụp là phải cong? Chưa hẳn!
Đôi khi, bạn có thể sử dụng ống kính Fisheye như một ống kính góc rộng, thậm chí là siêu rộng trong thể loại ảnh phong cảnh, mà ít bị cong méo ảnh. Tuy nhiên, cảnh quan mà bạn chụp không được có những cấu trúc, đối tượng đường thẳng như nhà cửa, cây cao, cột điện, trụ đèn... thì ống kính ảnh được dùng như một ống kính góc rộng rất tốt. Lưu ý là đường chân trời đặt vào giữa khung ảnh, rồi sau đó cắt xén lại theo ý muốn thì hiệu ứng cong méo sẽ giảm thiểu tối đa.
Bầu Trắng Phan Thiết - Nikon FE16mm f/2.8
Đại Nội Huế - Nikon FE16mm f/2.8
Lăng Khải Định - Nikon FE 16mm f/2.8
Thác Damb'ri toàn cảnh - FE 16mm f/2.8
3. Chiêu "tóm trần nhà"
Với ống kính Fisheye, chụp trần nhà hoặc khung ảnh có trần nhà là một thế mạnh mà khó có ống kính góc rộng nào cạnh tranh được. Với một trần nhà có kiến trúc đối xứng, tìm điểm chiếu trung tâm dưới nền nhà và bấm máy. Hoặc chụp tập thể người, đặt máy góc thấp, lấy được trần nhà tạo hiệu ứng lạ cho khung ảnh.
Mừng sinh nhật SGPT - Sigma 4.5 f/2.8
4. Chiêu "dí sát chủ thể"
Dẫu bạn chụp ảnh thương mại, dịch vụ, hay chụp cho đời thêm vui... ống kính Fisheye có thể nói là một ống kính nên sở hữu. Nó là ống kính một tiêu cự, không thể phóng to thu nhỏ khung ảnh như ống kính zoom. Cho nên, bạn sử dụng nó thì phải "zoom bằng chân" tiến sát đối tượng chụp và điều chỉnh góc chụp sao cho có hiệu ứng như ý, đó là đặc thù của ống kính này. Bạn có thể nằm sát mặt đất hất máy chụp lên, đặt máy lên bụng chụp ngửa lên, co ro sát đường rày xe lửa hay bề mặt nền nhà... và dí ống kính sát chủ thể để tạo sự cong méo ngộ nghỉnh!
Nex7 + Samyang FE 8mm f/2.8
Xe đạp thồ hàng ở Chợ Lầu - Nikon 16mm f/2.8
Cừu về chuồng - Nikon 16mm f/2.8
5. Chiêu "lệch kích thước"
Fisheye là ống kính tuyệt vời để thể hiện sự tương phản "nhỏ - lớn", "ngắn - dài" trong nhiếp ảnh. Hai đối tượng có khoảnh cách nhau, đối tượng được dí sát và đối tượng xa kia sẽ có sự chênh lệch kích thước lạ mắt. Khai thác loại ảnh này, ngoài ý tưởng khởi đầu, chọn vị trí để có khung ảnh và cách sắp xếp vị trí các đối tượng trước khi bấm máy là điều quan trọng.
Trong thực tế, con diều này dài đến 12 mét và đang ở độ cao khoảng 60m. Mình đưa sát ống kính vào tay người lái diều để tạo độ chênh lệch kích thước với con diều, con diều bé tí và khoảng cách dây diều như ngắn lại rất nhiều. Sự tương phản lớn - nhỏ và xa - gần bị đảo ngược rất hay.
Lái Diều Vũng Tàu - Nikon 16mm f/2.8
Hai tấm này cũng vậy! Tạo độ lệch kích thước và khoảng cách lớn nhất giữa các đối tượng khác vị trí trong khung ảnh.
6. Chiêu "Hất ngược lên và cúi xuống"
Trong nhiều tình huống phong cảnh, đời thường, phóng sự... hãy đặt ống Fisheye ở vị trí thấp nhất có thể để tận dung góc rộng hoặc siêu rộng cùng hiệu ứng của loại ống này. Chính hiệu ứng đặc biệt của hệ thấu kính tạo khung ảnh rất đẹp và sinh động. Các tấm ảnh sau mình để máy sát mặt đất.
Về - Nikon FE 16mm f/2.8
Bát phố - Canon FE 8-15mm f/4
Lễ Cưới - Nex7 + FE Samyang 8mm f/2.8
Đời cát - FE Nikon 16mm f/2.8 - Tấm này mình nằm sát mặt cát, đưa chân trời cắt ngang giữa khung để giảm cong méo, vừa lấy được đường dẫn cát và crop bố cục hậu kỳ.
Còn sau đây là một số tấm góc cao, các đối tượng ở xa nhỏ hẳn đi và các đối tượng gần nổi bật lên. Nguyên tắc là đối tượng ở gần sẽ to ra và xa "tí hon hoá".
Cảng Nha Trang - Film F100 + FE16mm f/2.8
Đứng trên xe máy và chúc máy xuống tạo hiệu ứng cây cầu.
Lễ về - Nex7 Samyang FE 8mm f/2.8 (nhà thờ Gò Vấp)
Lễ Ramuwan - Canon FE 8-15mm f/4 (Phan Rang)
7. Kiến trúc công trình
Thường chụp công trình kiến trúc góc rộng, người ta sẽ tránh tình trạng cong méo ảnh, tuy nhiên ống kính fisheye vẫn được ưa thích khi chụp thể loại ảnh này. Chẳng hạn tấm Chùa Thiên Mụ sau đây, mình đưa máy cao khỏi đầu để giảm độ cong méo chân trời, khung ảnh lấy được hết hàng cột tiền sảnh mà vị trí đứng chụp khó có ống wide nào lấy hết.
Tấm thứ hai là Trường CĐSP Đà Lạt, lấy hết cả khuôn viên sân trường và cả toà nhà mà thẳng băng chân trời thì chỉ có Canon FE 8-15mm f/2.8, chụp ở tiêu cự 8mm tận dụng hiệu ứng Circular và cho chân trời vào giữa đường kính. Bản thân mình chụp rất nhiều ống FE tại đây nhưng tấm này là ưng ý nhất.
Chùa Thiên Mụ Huế - 16mm f/2.8
Bảo tàng lịch sử Saigon - Sigma 4.5mm f/2.8
8. Fisheye cho Smartphone
Có hai cách: Cài đặt ứng dụng Fisheye hoặc sắm phụ kiện ống Fisheye. Nhưng cả hai cách này đều cho ảnh không đạt chất lượng tốt lắm. Ứng dụng thì cho ảnh có độ nét không căng và dường như sử dụng thuật toán bẻ cong bìa hình mà thôi. Sắm ống Fisheye (FE) vì việc gắn chồng phía trước ống kính (thay vì chỉ chụp ống FE như máy ảnh), thành ra ánh sáng phải đi qua thêm một số thấu kính, lượng sáng suy giảm nên tuy có hiệu ứng cong mà vẫn không ấn tượng.
Một số ảnh khác:
Cá nhân mình khi đi chụp sân khấu, rất thích chụp cận cảnh với Fisheye. Thứ nhất là hiệu ứng góc rộng rất tốt, thứ hai đảm bảo độ nét, thứ ba hiệu ứng chênh lệch giữa chủ đề với các chi tiết phụ khác rất tốt.
Apsara Cung Đình Huế - Festival
Rock Storm - 16mm f/2.8
Ngoài việc tìm kiếm những góc ảnh sáng tạo, góc chụp lạ, ống kính Fisheye là thiết bị giúp người chụp ảnh có thêm cảm ứng sáng tác nhiều khung ảnh với ý tưởng phong phú vô tận. Hiệu ứng đặc thù của ống kính Fisheye thể hiện tuỳ thuộc vào ý tưởng của người cầm máy, mỗi một độ xoay là một bức ảnh hoàn toàn khác lạ. Tuy vậy, để cảm hứng "cái cong cong" luôn hấp dẫn, sự linh hoạt trong góc chụp là điều kiện.
Chúc các bạn mê Fisheye tìm được ống kính như ý!
Bình luận (0)