Tiếp tục kỳ họp thứ 8, sáng 23-10, Quốc hội (QH) nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Đỗ Đức Duy, thừa ủy quyền của Thủ tướng, trình bày Tờ trình về chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Yêu cầu cấp thiết từ thực tế
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, qua 3 năm tổ chức thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến nay còn nhiều chỉ tiêu sử dụng đất bất cập. Tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) đã thống nhất chủ trương thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2030. Dự án này có nhu cầu sử dụng khoảng 10.827 ha đất nên cần bổ sung quỹ đất, bảo đảm yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết nối phát triển liên ngành, liên vùng, hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia.
Năm 2025 cũng đến kỳ điều chỉnh các quy hoạch tỉnh nên cần sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia, phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương. Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết qua rà soát, nhiều chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia không còn phù hợp. Do dự báo nhu cầu sử dụng đất chưa đầy đủ và chính xác nên quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt năm 2019 đã trở nên lạc hậu so với thực tế. "Nếu không được điều chỉnh, bổ sung sẽ gây khó khăn trong triển khai dự án trọng điểm quốc gia, dự án có khả năng thu hút đầu tư; ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được phê duyệt" - ông Đỗ Đức Duy nhận định.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cho biết theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ sẽ trình QH điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Điều chỉnh 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên); nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh). Không trình QH phê duyệt kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Vì vậy, Chính phủ đề xuất nội dung QH quyết định chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia như sau: "Đồng ý chủ trương giao Chính phủ tổ chức lập điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trình QH thông qua trong năm 2025" và đưa thành một nội dung tại Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 8.
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban tán thành sự cần thiết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia vì các căn cứ và nội dung như tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất; tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn. Đồng thời lưu ý quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng…
Nhân văn nhưng đủ răn đe
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, QH thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN). Về mức tổng hợp hình phạt chung đối với NCTN phạm tội nhiều lần, dự thảo luật quy định phạt không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.
Về giáo dục tại trường giáo dưỡng (điều 52), dự thảo luật quy định giáo dục tại trường giáo dưỡng là việc buộc NCTN phạm tội học văn hóa, học nghề, lao động, sinh hoạt dưới sự quản lý, giáo dục trong một tổ chức có kỷ luật chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng từ 6 tháng đến 2 năm.
Góp ý về nội dung này, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các quy định cụ thể về hình phạt áp dụng đối với NCTN bảo đảm thể chế hóa được yêu cầu, vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm vừa đề cao tính nhân văn, hướng thiện trong xử lý NCTN phạm tội. Đồng thời, cần có chính sách để NCTN được áp dụng biện pháp chuyển hướng nhận thức về hành vi phạm tội của mình, có sự ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục sai lầm.
Về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại điều 39 dự thảo luật, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) dẫn khoản 1 và 2 quy định các tội danh không được áp dụng: "Giết người", "Hiếp dâm", "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi", "Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi", "Sản xuất, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy". Theo ông, thời gian qua, tội phạm do NCTN phạm tội xu hướng ngày càng tăng, đối tượng từ 16 đến 18 tuổi lợi dụng sự phát triển của không gian mạng, thành lập các nhóm hàng chục, thậm chí cả trăm đối tượng, hoạt động rất manh động. "Trong khi dự thảo luật chỉ quy định một số tội danh không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì thực sự chưa đầy đủ và thuyết phục" - ông Tạo nói.
Dự báo tình hình tội phạm thời gian tới do NCTN gây ra tiếp tục gia tăng, trên cơ sở Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, ĐB Tạo đề nghị bổ sung trường hợp tội danh không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất, đồng bộ, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm như: mua bán người dưới 16 tuổi, hủy hoại tài sản, cướp giật tài sản, cố ý làm hư hỏng tài sản; tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép...
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, nêu một số băn khoăn, đặc biệt là về các nội dung liên quan giải quyết trường hợp NCTN chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng vi phạm nghĩa vụ hoặc phạm tội mới. Dẫn chiếu cụ thể các quy định dự kiến trong dự luật, ĐB Hồng Hạnh liệt kê: Điều 58 quy định người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng phạm tội mới chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mới.
Bà Hạnh dẫn quy định của Bộ Luật Hình sự, theo đó, người bị kết án tù có thời hạn nhưng được hưởng án treo, trong thời gian thử thách cố ý vi phạm nghĩa vụ 2 lần trở lên thì tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt. "Tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc áp dụng nguyên tắc tương tự khi NCTN vi phạm nghĩa vụ hay phạm tội khác" - ĐB Hồng Hạnh nói.
Ngày 24-10, QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); thảo luận ở tổ về: dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; dự án Luật Dữ liệu.
Cân nhắc việc thành lập quỹ bảo tồn văn hóa
Chiều 23-10, QH thảo luận tại hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần cân nhắc việc thành lập quỹ bảo tồn văn hóa, vì hiện nay "chúng ta có rất nhiều quỹ".
Theo ĐB, thời gian qua, các cơ quan, ủy ban của QH đã giám sát nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng đánh giá hoạt động chưa hiệu quả. Có ý kiến cần giảm các loại quỹ này. Tuy nhiên, từ QH khóa XV tới nay, phần lớn các cơ quan soạn thảo luật có đề nghị thành lập quỹ và được chấp nhận. Như vậy, chúng ta không giảm mà tăng quỹ. ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng dù không phải ngân sách nhà nước nhưng những quỹ này vẫn huy động nguồn lực xã hội, trong khi có những quỹ cần thiết nhưng không có nguồn lực đóng góp vào. Vì vậy đề nghị ban soạn thảo xem xét có nhất thiết thành lập quỹ này hay không?
Bình luận (0)