UBND TP HCM vừa báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 19/2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường (gọi tắt là hụi).
TP HCM là địa phương có quy mô kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước, dân số đông nên phát sinh nhiều giao dịch dân sự, trong đó có quan hệ dân sự về hụi.
Theo UBND TP HCM, thời gian qua, hoạt động hụi trên địa bàn diễn ra rất phổ biến với quy mô lớn cả về số tiền và số lượng người tham gia. Các dây hụi hoạt động trên cơ sở tự thỏa thuận, đa số việc tổ chức các dây hụi không được thông báo đến UBND phường, xã, thị trấn.
Nhiều chủ hụi lợi dụng lòng tin của thành viên để chiếm đoạt tài sản, thực tế đã xảy ra một số trường hợp "vỡ hụi" gây hậu quả nghiêm trọng và bị xử lý hình sự.
Bên cạnh đó, thời gian qua xuất hiện trường hợp tổ chức dây hụi trực tuyến thông qua mạng xã hội, thường được gọi là "chơi hụi online", mọi hình thức giao dịch, thanh toán thông qua tài khoản ngân hàng. Một số dây hụi biến tướng thành hoạt động "tín dụng đen", dẫn đến khó kiểm soát, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.
UBND TP HCM nhìn nhận Nghị định 19 được ban hành đã cơ bản tạo hành lang pháp lý cho người dân trong các giao dịch về hụi.
Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu là nhu cầu tự phát, theo thói quen, tập quán, vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về tài chính của người tham gia, nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Mặt khác, theo đánh giá của UBND TP HCM, một số quy định của Nghị định số 19/2019 chưa rõ nhưng chưa được hướng dẫn, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn, không bảo đảm tính khả thi, dẫn đến khó kiểm soát, khi "vỡ hụi" tạo phản ứng dây chuyền với hậu quả lớn, số người bị ảnh hưởng rất đông.
UBND TP HCM kiến nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về số lượng dây hụi mà chủ hụi có thể được tổ chức để tránh tình trạng "vỡ hụi" dây chuyền; quy định số lượng thành viên tham gia dây hụi cũng như cơ chế quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động tổ chức hụi...
Bình luận (0)