Đại tá Phạm Văn Thọ, Chính ủy Lữ đoàn 146 (Lữ đoàn Trường Sa), cho biết sự hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao là tấm gương nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trong dịp này, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cũng tổ chức cho các đơn vị có bộ đội mới nhập ngũ, chiến sĩ trẻ dâng hương hoa, tham quan, tìm hiểu sự kiện Gạc Ma tại khu tưởng niệm.
Cùng ngày, tại vịnh Mân Quang, TP Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh Hải quân thành phố tổ chức lễ tưởng niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma. Có mặt tại lễ tưởng niệm, bà Lê Thị Lan (mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc) không khỏi xúc động, bật khóc khi nghe đồng đội của con đọc lời tri ân các liệt sĩ. Mỗi năm, dù tuổi cao, sức yếu và phải ngồi trên xe lăn nhưng bà Lan vẫn đến dự lễ tưởng niệm để nhớ về con trai. Liệt sĩ Lộc là con trai duy nhất, 19 tuổi đã xin mẹ nhập ngũ. Thời điểm đó, bà Lan đồng ý ngay vì muốn con trai trưởng thành, vững vàng hơn. Cũng trong sáng 14-3, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trường Sa giai đoạn 1984 - 1988 làm lễ dâng hương tưởng niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma tại đình làng Nại Nam (quận Hải Châu).
Tại tỉnh Quảng Bình, UBND thị xã Ba Đồn cùng Ban Liên lạc cựu binh Gạc Ma tổ chức lễ tưởng niệm 36 năm sự kiện Gạc Ma và gắn tên đường mang tên Anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - thiếu úy, Phó Chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma. Trong trận chiến anh dũng bảo vệ đảo Gạc Ma, tỉnh Quảng Bình là địa phương có nhiều mất mát nhất với 13 liệt sĩ. Tất cả họ đều còn rất trẻ, ở độ tuổi mười tám đôi mươi. Trước đó, vào tối 13-3, các cựu binh, thân nhân của các liệt sĩ Gạc Ma từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đã tổ chức dâng hương, thả hoa đăng, vòng hoa trên sông Gianh để tưởng niệm, tri ân 64 liệt sĩ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh trong sự kiện Gạc Ma năm 1988.
Bình luận (0)