xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiêu khê xử lý hàng tồn ở cảng

Bài và ảnh: Sơn Nhung

Hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển ở TP HCM tăng đột biến nhưng việc xử lý lại đang vướng nhiều quy định

Theo báo cáo về tình hình hàng hóa tồn đọng của Cục Hải quan TP HCM, đến đầu tháng 2-2024, trên địa bàn vẫn còn hàng ngàn container và cả trăm tấn hàng tại các kho ở sân bay.

Tăng đột biến

Cụ thể, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, tính đến cuối tháng 1-2024, số lượng hàng hóa tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày là 1.227 container, tăng hơn 400 container so với tháng trước.

Hàng hóa tại cảng Cát Lái - TP HCM

Hàng hóa tại cảng Cát Lái - TP HCM

Tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, số lượng hàng tồn đọng quá 30 ngày và 60 ngày trong tháng 1-2024 là 134 dòng hàng, với trên 67,6 tấn, gấp hơn 2 lần so với cuối tháng 12-2023. Trong đó, kho TCS còn tồn 94 dòng hàng với gần 64 tấn.

Đáng lưu ý, hàng tồn quá 90 ngày tại các cảng biển tính đến cuối tháng 12-2023 lên tới 5.092 container. Trong đó, riêng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (cảng Cát Lái) tồn đọng 4.784 container; kế đến là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 với 211 container… Sang tháng 1-2024, số lượng hàng tồn quá 90 ngày tại cảng biển còn 4.845 container, giảm 247 container so với tháng trước nhưng vẫn rất lớn.

Hàng tồn quá 90 ngày tại cửa khẩu đường hàng không cuối tháng 12-2023 gồm 2.038 dòng hàng với gần 470 tấn; sang tháng 1-2024 lên 2.060 dòng hàng - trên 477 tấn.

Lý giải việc tồn đọng hàng hóa tại cảng biển tăng đột biến, đặc biệt là cảng Cát Lái, đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết vì đây là thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp nhập hàng nhiều. Trong đó, nhiều hàng hóa chưa xử lý kịp nên tồn đọng.

Việc hàng tồn đọng tại cảng số lượng lớn kéo dài gây cản trở hoạt động xếp dỡ của các hãng tàu và những đơn vị khai thác cảng. Điều này cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết theo quy định, với hàng tồn đọng quá 90 ngày kể từ khi cập cảng, hải quan sẽ phối hợp với cơ quan chức năng xử lý theo Thông tư 203/2014/TT-BTC và Thông tư 57/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Theo quy trình xử lý hàng tồn đọng, khi quá 90 ngày, nghĩa là hải quan đã liên hệ, thông báo nhiều lần mà không có đơn vị nhận, hàng hóa mới xác định là vô chủ, chủ hàng từ bỏ... Việc xử lý hàng tồn đọng phải triển khai theo quy trình khác, đòi hỏi nhiều đơn vị tham gia.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghiệp, hàng tồn đọng quá 90 ngày có 2 dạng - tồn phế liệu và hàng bình thường. Nếu là hàng bình thường thì chỉ kiểm kê, sau đó tiến hành thẩm định giá. Nếu hàng đủ điều kiện nhập khẩu thì sẽ đem ra đấu giá; còn không đủ điều kiện thì phải lập biên bản, yêu cầu chủ hàng làm việc với các hãng tàu.

Hãng tàu lo ngại

Đại diện Công ty P.V.V - một đại lý tàu thường xuyên xử lý hàng tồn đọng cho các hãng tàu, doanh nghiệp - cho hay các hãng tàu lớn đều đang có lượng hàng tồn đọng tại cảng Cát Lái. Trong đó, đa số là bột thức ăn chăn nuôi, máy móc đã qua sử dụng, phế liệu.

Các hãng tàu đã chủ động đề xuất phương án xử lý là tái xuất hoặc tiêu hủy hàng tồn nhưng chưa được do vướng chính sách hoặc chưa được cơ quan hải quan hướng dẫn. "Quá trình xử lý hàng tồn này mất rất nhiều thời gian, phát sinh nhiều chi phí, ảnh hưởng việc luân phiên kinh doanh container rỗng, tác động lớn đến việc xếp dỡ của cảng. Có những lô hàng hãng tàu gửi văn bản nhiều nơi, nhiều lần với nhiều lý do nhưng chưa được giải quyết, trong đó có hàng tồn từ năm 2014 - 2016..." - đại diện công ty này lo ngại.

Theo các hãng tàu, việc hàng tồn đọng tại cảng tăng cao một phần là do doanh nghiệp cố tình nhập hàng sai, biết loại hàng không được thông quan nhưng vẫn nhập. Còn lại chủ yếu là do doanh nghiệp không biết, không nắm rõ chính sách nhập khẩu hoặc hàng về tới cảng mới vướng chính sách, dẫn tới không được thông quan, hàng tồn đọng quá 30 - 60 - 90 ngày nên bị cơ quan hải quan đưa vào diện quản lý, giám sát và xử lý tồn đọng.

Các doanh nghiệp cho hay hiện hàng tồn nhiều nhất ở cảng là thức ăn chăn nuôi, do vướng quy định tại Thông tư 12/VBHN-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản). Hàng tồn còn do một số công ty thực hiện thủ tục nhập khẩu không đúng quy định, vô tình tác động đến các mặt hàng tương tự của những công ty khác. Các hãng tàu đã xin được tái xuất những lô hàng này nhưng chưa được giải quyết do vướng nhiều quy định. 

Mong sớm được hướng dẫn xử lý

"Nhiều hãng tàu không thu được tiền cước, chi phí lưu container, không luân phiên khai thác được container rỗng lại còn phải tốn thời gian xử lý các vấn đề liên quan hàng tồn đọng. Các hãng tàu rất mong cơ quan hải quan và những đơn vị liên quan sớm hướng dẫn, hỗ trợ xử lý dứt điểm hàng tồn" - đại diện Công ty P.V.V bày tỏ.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo