Ngày 8-9, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân sai phạm trong việc thực hiện Dự án Tổ hợp khách sạn và nhà phố thương mại do Công ty CP Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) thực hiện.
Dự án có diện tích trên 31.000 m2, được khởi công cuối năm 2019, dự kiến sau 2 năm sẽ hoàn thiện. Sau khi thi công một số ít hạng mục, dự án đã tạm dừng.
Tại dự án này, Thanh tra Chính phủ xác định sau 2 lần đấu giá, chỉ có Tập đoàn FLC tham gia nên đấu giá không thành. UBND TP Pleiku đã đề xuất UBND tỉnh Gia Lai giao đất, cho thuê đất đối với Công ty FLC theo quy định tại khoản 3 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra Chính phủ đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thực diện dự án. Trong đó, UBND TP Pleiku có quyết định điều chỉnh tiêu chí về điều kiện, hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, trong đó đưa ra các tiêu chí quá cao so với quy mô của dự án, đã hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư khác. Do đó, sau 2 lần đấu giá chỉ có duy nhất Tập đoàn FLC đăng ký.
Việc làm của UBND TP Pleiku được xác định là không đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch trong đấu giá quyền sử dụng đất, nhằm tạo lợi thế cho Tập đoàn FLC được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, có nguy cơ thất thu ngân sách nhà nước do giá đất không thay đổi so với giá khởi điểm.
Bên cạnh đó, năm 2018, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định điều chỉnh cục bộ quy hoạch, trong đó khu đất trên được bổ sung thêm hạng mục nhà phố thương mại là không phù hợp với mục đích, công năng của khu đất theo quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
UBND TP Pleiku điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng không lập kế hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, không lấy đầy đủ ý kiến cộng đồng dân cư, không công khai, vi phạm trình tự, thủ tục.
UBND TP Pleiku cũng không thực hiện phê duyệt Đồ án phân khu để làm cơ sở để xác định dự án đầu tư xây dựng trong đô thị là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị năm 2009.
Mặt khác, theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất năm 2018 khu đất thực hiện dự án có mục đích là đất cơ sở văn hóa (DVH) nhưng ngày 1-3-2019, UBND TP Pleiku phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng dự án Tổ hợp khách sạn, siêu thị, nhà phố thương mại là vi phạm, đã làm cho quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng không phù hợp.
Việc thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng, trong đó thay đổi chức năng khu đất (từ trung tâm hội chợ triển lãm và các công trình thương mại, dịch vụ, siêu thị) sau khi điều chỉnh được bổ sung chức năng nhà ở là vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.
Tại thời điểm thanh tra, UBND TP Pleiku, Sở Tài chính, Sở TN-MT đã buông lỏng quản lý, không yêu cầu Tập đoàn FLC nộp khoản tiền trên 14,1 tỉ đồng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội vào ngân sách theo quy định.
Sau khi UBND tỉnh Gia Lai ủy quyền, UBND TP Pleiku phê duyệt phương án đấu giá quyền sử dụng đất khi dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2019 là vi phạm. Các quyết định và phương án sau đó đã được UBND TP Pleiku hủy bỏ nhưng cần xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.
Đặc biệt, đã cấp các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) khi Tập đoàn FLC chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Đến tháng 1-2022 dự án chậm tiến độ, nhưng Sở KH-ĐT buông lỏng quản lý, không tham mưu thu hồi tiền ký quỹ với số tiền trên 5,8 tỉ đồng.
Sở TN-MT Gia Lai có dấu hiệu chèn thêm số văn bản để hợp thức hóa cho việc UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch định giá đất cụ thể trước đó. Sở này còn ký hợp đồng với đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể trước khi có quyết định phê duyệt đấu giá quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, dự án này còn rất nhiều vi phạm khác.
Thanh tra Chính phủ xác định để xảy ra tồn tại, thiếu sót nêu trên trách nhiệm thuộc về Chủ tịch UBND TP Pleiku, Giám đốc Sở KH-ĐT, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở TN-MT, Giám đốc Sở Xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan qua các thời kỳ; cần cung cấp thông tin tới Bộ Công an để xử lý theo quy định.
Thu hồi sổ đỏ đã cấp cho Tập đoàn FLC
Tại kế hoạch khắc phục các kết luận của Thanh tra Chính phủ, đối với dự án trên, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu trong quý IV-2024, Sở TN-MT phải rà soát, thu hồi các sổ đỏ đã cấp, thực hiện cấp sổ đỏ đất đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, sở này cũng phải phối hợp với các ngành chức năng chỉ đạo xác định lại giá đất, số tiền phải nộp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (20%) để thu đúng, thu đủ, không làm thất thu ngân sách nhà nước.
Còn Sở KH-ĐT phải cùng với các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ việc thực hiện đầu tư dự án đảm bảo đúng tiến độ, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền.
Bình luận (0)