Trước thực trạng tội phạm công nghệ ngày càng tinh vi, các ngân hàng (NH) thương mại đang đẩy mạnh triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo vệ khách hàng, giảm thiểu rủi ro mất tiền oan do lừa đảo.
Mới đây, NH Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bắt đầu thử nghiệm tính năng tự động cảnh báo khi khách hàng chuyển tiền trên VCB Digibank nếu phát hiện tài khoản người nhận có dấu hiệu nghi ngờ gian lận, lừa đảo. Đây là giải pháp Vietcombank đưa vào áp dụng cho các giao dịch chuyển tiền nhanh Napas 24/7, nhằm hỗ trợ khách hàng kịp thời nhận biết nguy cơ trước khi hoàn tất giao dịch.
BIDV, MB, VietinBank, Agribank nối tiếp triển khai
Theo Vietcombank, hệ thống sẽ tự động kiểm tra, đối chiếu thông tin người nhận với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu phát hiện thông tin không trùng khớp, tài khoản người nhận thuộc danh sách cảnh báo của cơ quan chức năng hoặc có các dấu hiệu rủi ro như giao dịch lớn bất thường, nhận tiền từ nhiều tài khoản..., hệ thống sẽ cảnh báo để khách hàng cân nhắc trước khi tiếp tục chuyển tiền.
Trước đó, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là NH đầu tiên triển khai tính năng cảnh báo giao dịch đáng ngờ từ ngày 1-4. Sau một tháng vận hành, hệ thống đã giúp ngăn chặn khoảng 40.000 giao dịch với số tiền lên tới 160 tỉ đồng.
Dự kiến, từ ngày 14-7, NH Quân đội (MB) cũng sẽ triển khai giải pháp tương tự. Tiếp sau đó, VietinBank và Agribank sẽ tham gia giai đoạn đầu của dự án này.
Theo đại diện các NH, tính năng tự động cảnh báo đã hỗ trợ người dùng phát hiện kịp thời các dấu hiệu lừa đảo, góp phần hạn chế tổn thất tài chính. Cơ sở dữ liệu sử dụng để đối chiếu gồm danh sách các tài khoản nghi ngờ gian lận do NH Nhà nước cùng các tổ chức tín dụng tổng hợp. Đến nay, kho dữ liệu này đã thu thập hơn 350.000 tài khoản đáng ngờ, được chia sẻ lại cho các NH theo cơ chế "ai gửi dữ liệu sẽ được chia sẻ".

Một số ngân hàng đã triển khai tính năng cảnh báo sớm tài khoản nghi ngờ gian lận, lừa đảo đến khách hàng. Ảnh minh họa AI: LAM GIANG
Đẩy mạnh xác thực sinh trắc học, "làm sạch" dữ liệu
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, cho biết sẽ sơ kết chương trình vào tháng 7-2025 và tiến tới mở rộng áp dụng giải pháp trên toàn hệ thống NH. Ông nhấn mạnh cuộc chiến chống tội phạm công nghệ cần được thực hiện đồng bộ, liên tục. Thời gian qua, ngành NH đã đẩy mạnh "làm sạch" dữ liệu khách hàng bằng quy định bắt buộc xác thực sinh trắc học. Đến nay, hơn 117 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân và hơn 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức đã hoàn tất đối chiếu thông tin sinh trắc học.
Bên cạnh đó, các NH thương mại cũng ráo riết đầu tư công nghệ để tăng cường bảo mật. Bà Đỗ Quế Anh, Phó Giám đốc khối NH số của MB, cho biết NH đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thiết lập "lá chắn" công nghệ toàn diện, giám sát giao dịch theo thời gian thực. Từ đó, MB đã phát hiện những hành vi bất thường trong các giao dịch chuyển khoản, rút tiền hay đăng nhập trái phép, đồng thời nhận diện cả các hình thức giả mạo tinh vi như deepfake (giả mạo khuôn mặt, giọng nói) và overlay (giả giao diện để lừa người dùng nhập mật khẩu, mã OTP).
"AI còn có khả năng nhận diện tài khoản đích lừa đảo dựa trên kho dữ liệu được cập nhật liên tục. Chúng tôi cũng tích hợp công nghệ phát hiện thiết bị nhiễm mã độc ngay từ bước khách hàng đăng nhập ứng dụng, qua đó ngăn chặn giao dịch trước khi tội phạm kịp ra tay" - bà Quế Anh cho hay.
Ví điện tử tăng cường bảo mật, chống lừa đảo
Nhiều ví điện tử cũng đang tăng tốc ứng dụng công nghệ chống gian lận. Đại diện MoMo cho biết ví này đã áp dụng eKYC chuẩn VNeID, xác thực sinh trắc học bằng vân tay, khuôn mặt, đồng thời triển khai công nghệ chống giả mạo sinh trắc học. Theo đó, hệ thống của MoMo sẽ tự động khóa ứng dụng khi nhập sai mật khẩu nhiều lần, không cho thực hiện giao dịch nếu chưa vượt qua lớp xác thực, kể cả khi thiết bị bị mất.
"Chúng tôi dùng AI phân tích hành vi giao dịch để phát hiện, cảnh báo và chặn kịp thời nguy cơ lừa đảo. MoMo còn phát triển bộ lọc, mô hình học máy để ngăn các chiêu trò gian lận ngày càng tinh vi" - đại diện ví điện tử này thông tin.
Bình luận (0)