Dù chỉ tiêu tuyển sinh khối ngành sức khỏe không nhiều so với các khối ngành khác (chỉ khoảng 45.000) nhưng trong kỳ tuyển sinh 2024 một số trường ĐH cũng đưa thêm phương thức xét học bạ THPT với khối ngành sức khỏe, kèm theo các điều kiện bảo đảm chất lượng đầu vào.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT liên tục trong 3 năm, khối ngành sức khỏe có sự giảm sút đều về quy mô, mức giảm từ 2,5%-4,2% (năm học 2020-2021 có 154.155 sinh viên; năm học 2021-2022: 147.605 sinh viên; năm học 2022-2023: 143.775 sinh viên).
Trong lĩnh vực sức khỏe có 17 mã ngành tuyển sinh, nhưng thực ra chỉ vài ngành có sức hút tuyển sinh với điểm chuẩn trúng tuyển cao chót vót như y đa khoa, răng hàm mặt, dược học... Nhiều ngành sức khỏe khác rất "khát" thí sinh như y học dự phòng, y tế công cộng, hộ sinh, dinh dưỡng...
Chính vì vậy, nhiều trường đã mở rộng thêm phương thức xét tuyển học bạ cho các ngành khó tuyển. Tuy nhiên, việc xét tuyển vào các ngành sức khỏe theo phương thức xét học bạ phải tuân thủ quy định chung của Bộ GD-ĐT là học lực lớp 12 xếp loại từ giỏi trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên hoặc học lực lớp 12 xếp loại từ khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên đối với các ngành điều dưỡng, y học dự phòng, hộ sinh, kỹ thuật phục hình răng, kỹ thuật xét nghiệm y học, kỹ thuật hình ảnh y học, kỹ thuật phục hồi chức năng.
Ngoài những ngành sức khỏe khó tuyển, một số trường ĐH còn xét tuyển học bạ cho cả những ngành "hot" như y đa khoa, dược học... có kèm theo các tiêu chí chất lượng do trường quy định. Nhưng cần phải làm rõ lý do vì sao các trường lại mở rộng xét tuyển bằng học bạ và liệu xét tuyển bằng học bạ khối sức khỏe có bảo đảm thí sinh có đủ năng lực để theo học và theo đuổi ngành nghề quan trọng này?
Bình luận (0)