Chiều 27-5, UNBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghi gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, người lao động tỉnh Khánh Hòa năm 2024, nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của đoàn viên, người lao động.
Nhằm chuẩn bị hội nghị đối thoại, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã triển khai Công văn số 204/LĐ về việc lấy ý kiến của đoàn viên, người lao động đến các công đoàn ngành, địa phương, công đoàn cơ sở.
Ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, cho biết tình hình quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh năm 2023 nhìn chung hài hòa, ổn định; các chế độ lương, thưởng của người lao động được đảm bảo tăng so với năm trước; không có tranh chấp lao động tập thể, đình công, lãng công…
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết như tình trạng tai nạn lao động chết người vẫn xảy ra với 10 vụ, tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động vẫn còn tiếp diễn. Ghi nhận cuối tháng 12-2023 có 438 đơn vị nợ từ 6 tháng trở lên, số tiền nợ hơn 91,2 tỉ đồng, tình hình người lao động mất việc làm, giảm giờ làm…
Chính vì vậy, khi triển khai kế hoạch đối thoại, LĐLĐ tỉnh đã ghi nhận 56 kiến, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, người lao động về những khó khăn, vướng mắc mà đoàn viên, công nhân lao động đang gặp phải, tập trung vào 6 nhóm vấn đề.
Bảo hiểm xã hội được quan tâm
Tại buổi tiếp xúc trực tiếp, bà Hà Thị Hồng Tuyên, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Tân Lập (Công đoàn TP Nha Trang), cho biết giáo viên mầm non một ngành đặc thù, lao lực hơn so với giảng dạy các lứa tuổi khác nhưng chế độ chính sách còn hạn chế. Do đó đề xuất đưa vào danh mục nghề nghiệp nặng nhọc; mong các cơ quan chức năng có chính sách, giải pháp gì để hỗ trợ thêm cho đội ngũ này?
Ông Nguyễn Duy Long, đại diện Công đoàn Tổng công ty Khánh Việt- Khatoco, đề nghị BHXH tỉnh cung cấp thông tin về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội khi nào trình Quốc hội, thời điểm bắt đầu có hiệu lực; Luật mới mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như thế nào, quy định về hưởng BHXH một lần, điều kiện hưởng lương hưu.
Ông Đoàn Ngọc Cứ, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH Tín Thịnh, hỏi về tình trạng chậm đóng BXHH, gây ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của họ khi giải quyết chế độ…
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Chính, Phó giám đốc BHXH tỉnh Khánh Hòa, cho biết việc người sử dụng lao động "lách luật" như chỉ chấm công dưới 14 ngày nhưng trên thực tế vẫn làm đủ cả tháng để không phải đóng BHXH. Hay việc chậm đóng bảo hiểm người lao động sẽ không thể hưởng các chế độ khi xảy tai nạn lao động, khi nghỉ hưu…
Các vấn đề này sẽ được khắc phục trong Luật BHXH dự kiến sẽ được trình Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong tháng 7 tới. Trong đó, luật sẽ quy định nhiều chính sách có lợi cho người tham gia BHXH trong đó có chế độ chi trả thêm tiền trượt giá, quy định chặt chẽ sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm…
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đề nghị người lao động yên tâm với các chính sách BHXH hiện nay. Đồng thời đề nghị các bộ công đoàn, viên chức người lao động vận động đoàn viên, người thân tham gia bảo hiểm xã hội để yên tâm lao động, bảo đảm cuộc sống khi nghỉ hưu.
Ông Tuân cũng yêu cầu Sở Lao động Thương binh Xã hội, BHXH tỉnh và cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra đôn đốc các đơn vị nợ BHXH thanh toán đúng hạn, tránh tình trạng sử dụng lao động nhưng không ký hợp đồng, không đóng BHXH ảnh hưởng đến người lao động…
Nhiều quyền lợi cho người lao động
Đại diện Công đoàn ngành Nông nghiệp cũng hỏi 2 vấn đề về hỗ trợ ngư dân trong các nghiệp đoàn nghề cá và việc hỗ trợ cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách.
Công đoàn Huyện Khánh Vĩnh phản ánh tình trạng đối tượng giả mạo là cơ quan công an lừa đảo đồng bào dân tộc thiểu số cái App VneID giả, tài khoản khiến người dân mất tiền.
Công đoàn huyện Diên Khánh phản ánh tình trạng tín dụng đen, các đối tượng đòi nợ thuê đến công ty đe dọa, bôi nhọ cán bộ công ty để ép trả nợ cho người lao động…
Đoàn viên công đoàn thị xã Ninh Hòa và TP Nha Trang đề nghị nói rõ hơn về các đối tượng thuộc trường hợp nào thì được mua, thuê nhà ở xã hội? Có ưu đãi nào cho đoàn viên khi mua, thuê nhà ở xã hội không? Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, UBND tỉnh có dành quỹ đất tạo điều kiện cho Công đoàn đầu tư xây các khu nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho người lao động được thuê ở và an tâm công tác không?
Về các vấn đề trên, ông Bùi Hoài Nam cho biết thêm thời gian tới LĐLĐ sẽ phối hợp với Báo Người Lao Động tiếp tục trao 100 suất học bổng cho con em các ngư dân góp phần hỗ trợ đoàn viên nghiệp đoàn vươn khơi bám biển.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết đang đề xuất các chính sách để UBND tỉnh có hướng chỉ đạo để giải ngân tiền hỗ trợ dầu cho tàu cá xa bờ của ngư dân; hỗ trợ chính sách bảo vệ rừng.
Đại diện Sở Xây dựng cũng khẳng định Chính phủ đã phân bổ cho tỉnh Khánh Hòa từ nay đến năm 2030 phải hoàn thành chỉ tiêu hơn 7.000 căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp. Các tiêu chí sẽ thông thoáng hơn, tạo điều kiện hơn cho người thu nhập thấp trong dự thảo Luật Nhà ở sắp được trình ra Quốc hội...
Đại diện Công an tỉnh Khánh Hòa cũng cung cấp thêm thông tin về việc trấn áp tội phạm, cách thức thủ đoạn để đoàn viên người lao động phòng tránh.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, yêu cầu sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tiếp thu các ý kiến của đoàn viên, NLĐ. Qua đó, hướng rà soát, chấn chính, đảm bảo các quyền lợi chính đang cho người lao động; đảm bảo các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với công nhân; lực lượng công an ra quân chấn chỉnh tình trạng tín dụng đen...
Ông Tuân cũng yêu cầu LĐLĐ tỉnh Khánh Hòa, tiếp tục chỉ đạo các công đoàn cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cho đoàn viên, người lao động về quyền lợi, nghĩa vụ của mình. Đồng thời, có những biện pháp, chương trình cụ thể để hỗ trợ đoàn viên, người lao động...
Bình luận (0)