xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhiều thay đổi trong kỳ thi đánh giá năng lực

Huy Lân - Yến Anh

Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của các trường đại học có sự điều chỉnh từ cấu trúc đề đến dạng thức câu hỏi để phù hợp với chương trình phổ thông mới

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo - ĐHQG TP HCM, vừa cho biết từ năm 2025, cấu trúc bài thi đánh giá năng lực được điều chỉnh phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cấu trúc lại đề thi

ĐHQG TP HCM giữ cấu trúc phần sử dụng ngôn ngữ và toán học, đồng thời tăng số lượng câu hỏi của 2 phần này để tăng độ tin cậy và độ phân biệt của bài thi. Phần logic - phân tích số liệu và giải quyết vấn đề được cấu trúc lại thành phần tư duy khoa học nhằm đánh giá năng lực của thí sinh về logic và suy luận khoa học khi giải quyết các tình huống thực tế thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế và xã hội.

Như vậy, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 chỉ có 3 phần: sử dụng ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh), toán học; tư duy khoa học (logic, phân tích số liệu; suy luận khoa học).

Các câu hỏi trong phần tư duy khoa học được xây dựng theo hướng cung cấp thông tin, số liệu, dữ kiện, hoạch định thí nghiệm, kết quả thực nghiệm, thông qua đó yêu cầu thí sinh thể hiện khả năng hiểu và vận dụng thông tin, xác định kết quả thực nghiệm, dự đoán quy luật.

Nhiều thay đổi trong kỳ thi đánh giá năng lực- Ảnh 1.

Thi đánh giá năng lực năm 2024 tại điểm thi Trường ĐH Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: HUY LÂN

TS Nguyễn Quốc Chính cũng cho biết đề thi đánh giá năng lực từ năm 2025 vẫn bao gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với 150 phút làm bài và thực hiện thi trên giấy. Kết quả thi được xác định bằng phương pháp trắc nghiệm hiện đại theo lý thuyết ứng đáp câu hỏi. Điểm của từng câu hỏi có trọng số khác nhau tùy thuộc vào độ khó của nó.

Điểm thi được quy đổi theo từng phần. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa từng thành phần của bài thi được thể hiện trên phiếu điểm gồm: Tiếng Việt 300 điểm, tiếng Anh 300 điểm; toán học 300 điểm và tư duy khoa học 300 điểm.

Trong năm 2025, ĐHQG TP HCM tiếp tục tổ chức thi đánh giá năng lực với 2 đợt thi dự kiến vào ngày 30-3 và ngày 1-6 tại 25 tỉnh/thành phố tương tự năm 2024.

ĐHQG Hà Nội cho hay năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực có nhiều điểm mới. Theo đó, cấu trúc đề thi gồm 50 câu hỏi toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực văn học - ngôn ngữ. Đây là 2 phần thi bắt buộc của bài thi HSA. Phần thi thứ ba cho phép thí sinh lựa chọn khoa học hoặc tiếng Anh.

Thời gian làm bài cho phần thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý; mỗi chủ đề có 17 câu hỏi (gồm 1 câu thử nghiệm) để hoàn thành phần thi khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.

Lãnh đạo Trung tâm Khảo thí - ĐHQG Hà Nội cho hay trên 75% câu hỏi trong đề thi HSA là câu hỏi trắc nghiệm khách quan 4 lựa chọn. Điểm mới trong cấu trúc đề thi đánh giá năng lực năm 2025 sẽ bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả các phần thi, chủ đề thi nhằm phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cấp độ cao, khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực.

Đặc biệt, từ năm 2025, bên cạnh phần thi khoa học, cấu trúc đề thi đánh giá năng lực có thêm phần thi tiếng Anh để thí sinh đăng ký các ngành học liên quan ngôn ngữ có thể lựa chọn để phục vụ cho công tác xét tuyển.

Là phương thức tuyển sinh chủ đạo

Trường ĐH Sư phạm TP HCM cũng công bố kế hoạch dự kiến, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt năm 2025. ThS Nguyễn Ngọc Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho biết kỳ thi được tổ chức với 6 môn thi riêng biệt gồm: toán, văn, hóa học, tiếng Anh, sinh học, vật lý. Trường sử dụng kết quả kỳ thi này là một trong các phương thức tuyển sinh chủ đạo của trường trong năm 2025. Phương thức tuyển sinh này có điểm thay đổi quan trọng là chuyển từ hình thức bổ trợ trong phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập THPT sang phương thức tuyển sinh độc lập.

Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP HCM cho biết các nội dung kiến thức sử dụng để đánh giá năng lực của thí sinh được đề cập trong các bài thi sẽ bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó phần nội dung kiến thức trong chương trình lớp 12 chiếm tỉ lệ khoảng 70%-80%, còn lại là nội dung kiến thức thuộc chương trình lớp 10, 11.

Bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh vẫn giữ hướng tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các môn còn lại có nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt áp dụng từ năm 2025 với dạng thức câu hỏi áp dụng cho các bài thi gồm dạng câu hỏi trắc nghiệm và câu hỏi tự luận đóng/mở và thời gian làm bài là 90 phút. Các bài thi đánh giá năng lực toán, vật lý, hóa học, sinh học, số lượng 40 câu hỏi và được chia làm 3 phần: phần 1: câu hỏi đơn, phần 2: câu hỏi tổng hợp, phần 3: câu hỏi điền đáp án đúng. Bài thi đánh giá năng lực ngữ văn bao gồm phần đọc hiểu và phần viết.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng vừa công bố kế hoạch tổ chức thi, đề thi tham khảo kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của trường năm 2025 (kỳ thi SPT).

Về nội dung thi, thí sinh được đăng ký thi các môn: toán, ngữ văn, tiếng Anh, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý và sử dụng kết quả thi để đăng ký xét tuyển vào các ngành đào tạo ĐH chính quy theo yêu cầu của mỗi trường ĐH.

Từ năm 2026, dự kiến kỳ thi SPT sẽ bổ sung các môn giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ. Lãnh đạo nhà trường cho hay về đề cương ôn tập, nội dung các bài thi tương ứng với nội dung các môn học, môn thi cấp THPT, phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và định hướng dạy học, kiểm tra đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đề thi kết hợp các dạng câu hỏi trắc nghiệm và tự luận với tỉ lệ điểm phù hợp theo cấu trúc từng bài thi; đánh giá mức độ thông hiểu kiến thức cốt lõi và năng lực lập luận, phân tích, đánh giá, giải quyết vấn đề và sáng tạo. Kỳ thi sẽ diễn ra vào ngày 17 và 18-5-2025 tại 4 điểm thi gồm Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Vinh, Trường ĐH Quy Nhơn, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng. Điểm thi SPT năm 2025 sẽ được công bố trước ngày 15-6-2025. 

Đề thi không vượt quá phạm vi kiến thức THPT

Mùa tuyển sinh 2025, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi của các kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực phải bảo đảm không vượt quá phạm vi kiến thức chương trình THPT hiện hành. Lý giải quy định này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng mục đích là để tránh việc học sinh phải chịu áp lực học thêm những kiến thức ngoài chương trình THPT hiện hành (gây mất công bằng giữa các em có điều kiện khác nhau). Ưu điểm của các kỳ thi này là chú trọng đánh giá năng lực học tập, khả năng tư duy và sáng tạo - thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy của thí sinh.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo