Ngày 3-9, thông tin về công tác cấp cứu trong kỳ nghỉ lễ 2-9, bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa, trưởng kíp trực cấp cứu Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), cho biết trong 4 ngày nghỉ lễ, bệnh viện tiếp nhận phần lớn bệnh nhân cấp cứu trong tình trạng nặng, đa chấn thương từ các tuyến chuyển đến.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 150 bệnh nhân vào cấp cứu, tương đương kỳ nghỉ lễ năm ngoái, trong đó 50% là bệnh nhân tai nạn giao thông.
Tỉ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn trong máu chiếm khoảng 10-15% trên tổng số ca khám cấp cứu. Việc cấp cứu cho những ca này khó khăn hơn, tùy vào nồng độ cồn có ảnh hưởng nhất định về tri giác, hay sự hợp tác của người bệnh với y bác sĩ khi khai thác tiền sử.
"Có những ca cấp cứu chuyển đến bệnh nhân không nhớ mình ngã ra sao, trong tình huống nào, chỉ biết khi tỉnh dậy đã nằm trong bệnh viện"- bác sĩ Nghĩa nói.
Theo các bác sĩ, với trường hợp tai nạn do nồng độ cồn, tùy vào mức độ sẽ có những ảnh hưởng nhất định về mặt tri giác, sự hợp tác của người bệnh với y bác sĩ, quá trình khai thác bệnh sử. Có trường hợp nhập viện, bệnh nhân bị kích thích nên khó có thể biết kích thích do rượu hay chấn thương sọ não. Điều này sẽ ảnh hưởng phần nào đến quá trình chẩn đoán, xử trí bước đầu.
Cùng với việc cấp cứu các ca tai nạn giao thông, tại Bệnh viện Việt Đức, các bác sĩ còn tiếp nhận nhiều ca tai nạn sinh hoạt khác.
Đơn cử, trường hợp bé trai 12 tuổi được gia đình đưa tới bệnh viện sáng 3-9 với bàn tay phải cắm nguyên một phần đầu song sắt nhọn. Bố bệnh nhân cho biết sáng sớm, khi con đang chơi và leo trèo ở tường rào khu nhà văn hóa thì bất ngờ trượt ngã, bàn tay đâm thẳng vào đầu nhọn song sắt. Gia đình phải cưa sắt và đưa con vào nhập viện. Ngay khi tiếp nhận, bệnh nhân đã được xử trí vết thương.
Trong ngày cuối của kỳ nghỉ lễ, bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều ca tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và ca bệnh lý.
Hiện, Bệnh viện Việt Đức đảm bảo bố trí nhân lực trực 24/24 giờ, kíp trực cấp cứu có hơn 30 bác sĩ với các chuyên ngành, để đảm bảo đáp ứng cấp cứu người bệnh.
Bình luận (0)