Đây là thủ tục trong vụ kiện yêu cầu phá sản công ty của gần 1.000 công nhân (CN) mà LĐLĐ quận 8 - TPHCM được ủy quyền đại diện. Tuy nhiên, không hy vọng gì đòi lại được khoản nợ lương, BHXH hơn 4 tỉ đồng cho CN”.
Gặp tôi một ngày cuối năm, chị Đỗ Thị Mỹ Dung, cán bộ chuyên trách LĐLĐ quận 8 - TPHCM, trăn trở. Hơn 30 năm làm cán bộ Công đoàn (CĐ), chị đã không ít lần buồn như thế khi quyền lợi CN rơi vào bế tắc.
Hơn cả ruột thịt
VHWI là doanh nghiệp (DN) 100% vốn Hàn Quốc. Do làm ăn thua lỗ nên tháng 10-2008, giám đốc công ty đã bỏ trốn khi còn nợ lương, BHXH của CN. Bị mất việc khi Tết đã cận kề, hàng ngàn CN, trong đó có cả trăm lao động nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ, rơi vào cảnh khốn đốn.
Tôi không thể quên được hình ảnh chị Dung lúc đó: Hai mắt trũng sâu, thâm quầng. Suốt nửa tháng trời, chị và anh em cán bộ CĐ quận 8 vừa chạy lo tìm việc làm cho CN, vừa lo canh giữ tài sản của VHWI không để bị thất thoát, “để sau này còn có cái thanh lý, trả nợ lương cho CN”- chị giải thích.
Tìm được việc làm mới cho CN, chị lại lặn lội đi tìm nhà trọ gần nơi làm việc cho họ. Khi chủ nhà trọ tỏ vẻ ngần ngại, chị đã đứng ra bảo lãnh để CN được trả tiền nhà sau khi lĩnh lương.
“Khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến suy thoái kinh tế khiến nhiều DN rơi vào bế tắc, chủ bỏ trốn, CN mất việc. Cũng may lúc ấy, Báo NLĐ kịp thời triển khai chương trình “Cùng công nhân vượt khó” hỗ trợ nữ CN có thai, nuôi con nhỏ...” - chị Dung nhớ lại.
Vừa nghe tin, chị vội vàng liên hệ ngay để xin các suất hỗ trợ CN. “Khi giám đốc bỏ trốn, công ty ngừng hoạt động, CN tản mát khắp nơi. Nhiều chị em có thai, nuôi con nhỏ quá khó khăn phải về quê nhà tá túc nên việc liên hệ tìm lại họ khá vất vả. Dù vậy, chúng tôi quyết tâm phải tìm cho được họ” - chị tâm sự.
Chị Dung đã tìm kiếm, tập hợp danh sách không sót người nào và tổ chức cho CN đến nhận trợ cấp. Nhiều CN Công ty VHWI bị mất việc đã về quê tận An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... rất cảm động khi nhận được điện thoại của chị mời về.
Chị Đỗ Thị Mỹ Dung (bìa trái) lắng nghe ý kiến của công nhân Công ty
Vina Haeng Woon Industry khi chủ doanh nghiệp này bỏ trốn. Ảnh: Nam Dương
Những CN ở TPHCM không có phương tiện đi lại, chị còn thuê xe ôm đón từng người. Nhiều CN sau khi nhận tiền, quà đã ôm chầm lấy chị, bật khóc: “Chị đối với chúng em còn hơn cả ruột thịt”.
Trong tâm trí tôi đọng lại hình ảnh chị Dung, khi thì hết sức mềm mỏng, lúc lại vô cùng quyết liệt để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi CN. Có lẽ, trong lòng hàng chục ngàn CN ở quận 8 cũng có một hình ảnh thân thương như vậy.
Thiệt thòi vẫn thấy vui
Trong không khí tất bật của những ngày cuối năm, người cán bộ CĐ kỳ cựu để lòng mình lắng lại với những kỷ niệm vui buồn. Chị chậm rãi kể: “Năm 1979, khi 19 tuổi, tôi vào Công ty Thương nghiệp Tổng hợp quận 8 làm kế toán kiêm công tác CĐ.
Đến năm 1989, tôi mới chuyển về làm chuyên trách CĐ, được phân công phụ trách khu vực ngoài quốc doanh. Đi vận động thành lập CĐ hoặc giải quyết tranh chấp lao động, nhiều khi bị chủ DN đóng cửa xua đuổi nhưng tôi và anh em không nản lòng.
Sau này, nhiều chủ DN hiểu ra, rất quý mình. Còn CN thì ngày lễ, Tết, giỗ chạp... có chút bánh trái cũng nhớ đến mình. Với tôi, điều đó không tiền bạc nào có thể mua được”.
Mới đó mà đã hơn 30 năm, dường như chị Dung có duyên với CĐ vì nhiều lần tưởng đã chuyển công tác nhưng rồi lại không dứt ra được. “Giờ đây, ngoài nỗi lo cha mẹ già và đứa cháu nhỏ thì chuyện đời sống, việc làm, quyền lợi của CN luôn đè nặng trong lòng tôi.
Khi bảo vệ được quyền lợi CN, dù vất vả, thậm chí chịu thiệt thòi, tôi cũng thấy hạnh phúc vô cùng. Điều buồn nhất với tôi là sự bất lực của chính mình và cơ quan chức năng khi quyền lợi CN bị xâm phạm như vụ việc tại VHWI” - chị băn khoăn.
Tôi nhớ những lúc cùng chị Dung đội nắng đi giải quyết tranh chấp lao động, dầm mưa đi “canh chừng” các DN có dấu hiệu bỏ trốn hoặc muốn tẩu tán tài sản hay lặn lội đến từng căn nhà trọ ọp ẹp để trao cân gạo, hộp sữa cho CN nghèo...
“Làm cán bộ CĐ mà không gắn với đời sống CN, không thở hơi thở của CN thì chưa phải là cán bộ CĐ thật sự, như lời Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận thường nói. Tôi mê làm CĐ có lẽ vì bản tính thích làm công tác xã hội, thích mang lại niềm vui cho người khác và xem đấy là hạnh phúc của chính mình”.
Đó là điều chị Dung viện dẫn để giải thích cho việc lúc nào cũng tất bật “vác tù và” của mình. “Còn 3 năm nữa tôi nghỉ hưu nhưng trong mắt mẹ, tôi vẫn là một đứa trẻ. Mẹ vẫn phải chờ cơm, vẫn phải canh cửa, vẫn phải rầu lòng khi thấy tôi đi về thui thủi một mình.
Nhưng mẹ cũng hiểu và như bao người mẹ yêu con khác, vẫn lặng lẽ hâm cơm mỗi khi tôi về muộn, vẫn vén mùng khi tôi mệt mỏi thiếp đi... Những điều mẹ làm với cô con gái đã ngoài 50 tuổi khiến tôi luôn thấy mình thật nhỏ bé...” - chị xúc động.
Bình luận (0)