* Phóng viên:Thưa ông, Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã có chỉ đạo gì về giải quyết tình hình lao động Việt Nam tại Bờ Biển Ngà?
- Ông Đào Công Hải: Tại công văn gửi ngày 7-4, Cục Quản lý Lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp (DN) đưa người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc trên các tàu đánh cá xa bờ và tàu vận tải nước ngoài liên hệ ngay với các đối tác hoặc chủ tàu nước ngoài rà soát, kiểm tra để biết có trường hợp thuyền viên nào bỏ trốn và nhập cảnh bất hợp pháp vào Bờ Biển Ngà hay không. Trước ngày 10-4, các DN lập danh sách những thuyền viên, thủy thủ bỏ trốn (nếu có) tại Bờ Biển Ngà gửi Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao để phối hợp đưa họ về nước. Trước mắt, DN khuyến cáo, giúp đỡ NLĐ tránh những địa điểm có xung đột, tránh tụ tập đông người tại nơi công cộng.
* Hiện nay có bao nhiêu lao động Việt Nam tại Bờ Biển Ngà? Vì sao không rà soát toàn bộ mà chỉ yêu cầu rà soát lao động bỏ trốn, nếu có?
- Việt Nam chưa có quan hệ hợp tác lao động với Bờ Biển Ngà và thực tế chưa có DN đưa lao động sang nước này làm việc theo hợp đồng.
Do vậy, chỉ đạo của cục trong phạm vi lao động được đưa đi làm thuyền viên tàu đánh bắt cá, tàu vận tải biển, phòng ngừa khi tàu cập cảng Bờ Biển Ngà, có thể có thuyền viên vào bờ rồi trốn ở lại. Việc này nhằm dự phòng rủi ro và cần thiết để kịp thời bảo vệ, hỗ trợ, đưa NLĐ về nước.
* Sau rủi ro thị trường Libya, cục cũng đã yêu cầu DN rà soát, báo cáo tình hình lao động ở các nước Trung Đông và châu Phi. Kết quả rà soát thế nào, thưa ông?
- Cục Quản lý Lao động ngoài nước đã lần lượt có công văn yêu cầu các DN rà soát, tăng cường quản lý, bảo vệ lao động ở Bahrain và Oman, sau đó là Trung Đông và châu Phi. Chủ trương là phải kịp thời hỗ trợ, bảo vệ và đưa NLĐ từ các nước có tình hình bạo động, chiến sự trở về an toàn khi cần thiết.
Đến nay, các DN đã có báo cáo cho cơ quan chức năng về tình hình đưa lao động sang Trung Đông và Bắc Phi, song song với việc triển khai các biện pháp quản lý, đưa lao động ở những nơi nguy hiểm, không an toàn trở về. Cụ thể, số lao động Việt Nam tại Oman ở thời điểm rà soát là 45 người, Bahrain và Yemen mỗi nước hơn 40 người… Tất cả số này đã được các DN đưa về nước.
Lao động Việt Nam làm thủ tục sang Israel làm việc. Thị trường này đang tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam. Ảnh: THANH BẮC
Riêng khu vực Trung Đông, hiện nay lao động Việt Nam chủ yếu còn ở 3 thị trường, gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) khoảng 10.000 người, Ả Rập Saudi khoảng 5.000 người, Qatar 850 người… Tình hình việc làm, cuộc sống của lao động Việt Nam ở 3 thị trường này vẫn ổn định, an toàn nên không cần thiết phải đưa họ trở về.
* Trong tình hình phức tạp ở các nước Trung Đông và châu Phi, những thị trường nào đang phải tạm dừng đưa lao động sang?
- Sau Libya, hiện nay ở những nước mà tình hình bạo động, xung đột phức tạp như Bahrain, Oman, Yemen…, cục chỉ đạo tạm thời không đưa lao động sang. Chính các DN cũng hết sức thận trọng, không vội đưa lao động sang các nước trên lúc này. Thị trường Israel cũng đang tạm dừng, gián đoạn một thời gian, do cơ quan chức năng nước này thông báo chỉ cấp visa cho NLĐ khi hai nước ký kết hiệp định về hợp tác lao động…
Xuất khẩu lao động của Việt Nam ở Trung Đông và Bắc Phi đang gặp những khó khăn nhất định. Tuy thế, trong thời điểm này, các DN vẫn có thể chủ động đưa lao động sang 3 nước Trung Đông gồm UAE, Ả Rập Saudi, Qatar.
Hỗ trợ liên lạc cho các gia đình
Theo chỉ đạo của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các DN cần thông báo cho tất cả các gia đình có thuyền viên đi làm việc trên các tàu đánh cá xa bờ hoặc thủy thủ tàu vận tải bỏ trốn tại Bờ Biển Ngà trong trường hợp chưa nhận được thông tin về người thân cần liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ khi cần thiết theo các địa chỉ sau:
- Đại sứ quán Việt Nam tại Morocco kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà: No 27, rue Mezzouda. Souisui. Rabat.Royaumc Du Maroc; điện thoại: 212 537 659256; fax: 212 537 659210 (code: 00-212); email: vnambassade@yahoo.com.vn.
- Cục Quản lý Lao động ngoài nước: 41B Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội; điện thoại: 04-38249517 (máy lẻ 310 hoặc 312); email: dolab@vnn.vn.
- Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao: 40 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 04-38430470; fax: 04-38236928. |
Bình luận (0)