Trước tình hình bất ổn ở Libya những ngày qua, chiều 22-2, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã họp khẩn với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động (XKLĐ), bàn biện pháp bảo vệ tính mạng và quyền lợi cho người lao động (NLĐ) đang làm việc tại nước này.
Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết sẽ cùng các DN, cơ quan ngoại giao, quản lý lao động ở Libya theo sát diễn biến để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
Bảo đảm tính mạng cho người lao động
Do tình hình Libya diễn biến phức tạp, Cục Quản lý lao động ngoài nước quyết định tạm dừng đưa lao động sang nước này. đối với những lao động đã hoàn tất các thủ tục, DN thông báo và tạm thời đưa họ trở lại địa phương, đến khi tình hình ổn định mới tập trung cho xuất cảnh trở lại.
Riêng những lao động đã tuyển chọn, DN vẫn có thể duy trì các hoạt động đào tạo nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi như bình thường.
Lao động Việt Nam đang làm việc tại một công trường ở Libya. Ảnh: C.T.V
Đối với số lao động đang làm việc ở Libya, cục chỉ đạo các DN phải theo dõi và bám sát tình hình, nếu thấy nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, công việc, thu nhập của họ, phải báo cáo kịp thời cho Ban Quản lý lao động, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý.
Song song đó, phải thường xuyên cảnh báo, khuyến cáo NLĐ tránh những địa điểm có biểu tình, tránh tụ tập nơi đông người. Ngoài ra, các DN phải chủ động có phương án cụ thể để giải quyết rủi ro có thể xảy ra, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ trong trường hợp phải về nước sớm.
Lao động phổ thông có thể thu nhập khoảng 400 USD/tháng
Phần đông lao động Việt Nam sang Libya làm việc ở lĩnh vực xây dựng; chủ yếu là thợ xây dựng, thợ thi công ống nước, điện, tài xế xe nâng, máy xúc; đốc công, kỹ sư, phiên dịch, y tá, bác sĩ (làm theo công trình). Mức lương cơ bản của NLĐ khoảng 220 USD/tháng đối với lao động phổ thông, 250 USD/tháng đối với lao động có chuyên môn và khoảng 900 USD - 1.000 USD/tháng đối với kỹ sư. Theo Công ty Sovilaco, nếu chịu khó làm thêm giờ, thu nhập bình quân của NLĐ có thể đạt xấp xỉ 400 USD/tháng đối với lao động phổ thông và khoảng 1.300 USD – 1.500 USD/tháng đối với kỹ sư. |
Hiện nay, khoảng 20 DN có đưa lao động sang Libya. Những DN đưa nhiều lao động sang nước này như Vinaconexmec, Airseco, Sona, TTLC... đã có sự chuẩn bị để ứng phó với tình hình.
Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Airseco, nói: “Bên cạnh thực hiện chỉ đạo của cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ chủ động làm việc với các đối tác, chủ sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn cho NLĐ, bảo đảm các quyền lợi và phối hợp giải quyết rủi ro nếu có”.
Kế hoạch bị ảnh hưởng
Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang Libya từ năm 2007. Hiện có khoảng 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc theo hợp đồng tại nước này, trong đó có 5.242 người được đưa sang trong năm 2010.
Từ đầu năm đến nay, có thêm khoảng 500 lao động sang Libya, chưa kể gần 1.000 người đã được các DN tuyển chọn, đã và đang học nghề, ngoại ngữ, làm thủ tục xin visa, giấy phép lao động.
Trước mắt, việc tạm dừng đưa lao động sang Libya sẽ ảnh hưởng đến số người đang chờ xuất cảnh. Nhiều DN lo ngại sau khi hoạt động cung ứng trở lại bình thường, nhiều người sẽ không còn giữ ý định đi làm việc ở Libya, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện đơn hàng với đối tác. Ngoài ra, việc tạm dừng có thể khiến kế hoạch đưa 7.000 người sang Libya làm việc trong năm nay bị ảnh hưởng, khó thực hiện được.
Cùng với chủ trương gia tăng số lượng lao động sang Libya, Bộ LĐ-TB-XH chọn đây là thị trường điểm để triển khai đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ trong thời gian tới. giai đoạn 2011-2015, mỗi năm cả nước sẽ đưa 5.000 – 7.000 lao động sang Libya, trong đó ưu tiên tuyển chọn 30% người thuộc 62 huyện nghèo.
Bình luận (0)