Cuộc chiến pháp lý giữa Bộ Tư pháp Mỹ với Apple chưa có dấu hiệu kết thúc sau khi cơ quan này đề nghị Tòa án Liên bang ra phán quyết buộc Apple phải hợp tác với Cục Điều tra Liên bang (FBI) về nội dung bảo mật của iPhone. Nhật báo USA Today so sánh vụ này với lần đối đầu khác giữa một đại gia công nghệ và chính quyền.
Cuối thập niên 1990 đến những năm đầu 2000, Bộ Tư pháp Mỹ đã vung “thanh gươm công lý” với Microsoft bằng khiếu kiện chống độc quyền vào thời Tổng thống George W. Bush. Chính quyền thắng trong phiên sơ thẩm nhưng Microsoft kháng cáo và tòa phúc thẩm phán quyết phải xét xử lại. Trong vụ này, chính quyền muốn phá vỡ thế độc quyền với lợi nhuận nhiều tỉ USD của Microsoft. Lần này, vụ việc chỉ tập trung vào chiếc điện thoại iPhone, dù Apple và những người bảo vệ quyền riêng tư cáo buộc FBI có động cơ ngầm, gián tiếp gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh của giới công nghệ.
Viện lý do an ninh quốc gia, chính quyền Mỹ yêu cầu Apple hỗ trợ để khai thác thông tin trong chiếc iPhone của nghi phạm khủng bố trong vụ xả súng ở TP San Bernardino. Trong khi đó, Apple có lập luận cứng rắn về tự do dân sự. Chuyên gia pháp lý Công ty Bảo mật máy tính AVG Technologies Harvey Anderson phân tích: “Luận cứ bảo vệ của Microsoft trước đây là chính quyền không thể buộc tiết lộ cách thiết kế sản phẩm. Với Apple lần này cũng liên quan đến vấn đề yêu cầu công ty nói lên cách thức thiết kế sản phẩm, đây là thủ thuật không minh bạch, cho phép FBI xâm nhập iPhone của kẻ nổ súng”.
Ông Anderson và nhiều luật gia khác cho rằng liên quan đến chống độc quyền của Microsoft, chính quyền lập luận giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Còn trong cuộc chiến với Apple, thành công của chính quyền có thể khiến thông tin cá nhân của khách hàng iPhone trên toàn thế giới gặp rủi ro.
Một số chuyên gia nhận định: Khác với thời vụ kiện Microsoft, công nghệ di động và mạng xã hội ngày nay đã sinh ra Facebook, Google và hàng ngàn công ty khác, trong đó thông tin cá nhân là điều hết sức quan trọng. Vì thế, Google, Facebook và Twitter hợp thành liên minh tự nguyện đứng về phía Apple. Hôm 25-2, Chủ tịch Microsoft Brad Smith cũng đã thông báo với các nghị sĩ Mỹ rằng công ty của ông sẽ nộp bản góp ý với tòa án nhân danh Apple.
Bình luận (0)