Corey Weiss không hiểu được nhiều tín hiệu giao tiếp xã hội nhưng anh nắm được nhiều mối quan hệ trong các phần mềm. Năng lực tập trung vào chi tiết được đánh giá cao và giúp bệnh nhân tự kỷ 27 tuổi này vào làm việc ở MindSpark. Đây là công ty mới được thành lập tại TP Santa Monica thuộc bang California (Mỹ), chuyên sử dụng những người tự kỷ để phân tích và kiểm tra phần mềm. Weiss khẳng định: “Tôi có thể thấy những điều mà người khác không thấy. Thế mạnh của tôi là chú ý vào các chi tiết nhỏ nhặt nhất”. Đồng nghiệp với Weiss, Max Parker nói anh không ngờ có thể kiếm được một công việc tốt như vậy. Theo Hội Tự kỷ Mỹ, có khoảng 1% dân số trên thế giới mắc bệnh tự kỷ với mức độ khác nhau, người bệnh nặng trốn khỏi mọi giao tiếp nhưng nhiều trường hợp nắm vững ngôn ngữ và có đầu óc sắc sảo. Theo Chad Hahn, CEO của MindSpark, công ty không có mục đích làm từ thiện mà là kinh doanh, vì chính những nhân viên tự kỷ làm rất tốt, là nguồn nhân lực tài năng chưa được nhìn thấy. Không chỉ riêng MindSpark, nhiều công ty ở Thung lũng Silicon cũng có khuynh hướng như vậy. Microsoft nhìn nhận rằng khoảng 80% người tự kỷ không có việc làm dù trong số này nhiều người có khả năng đặc biệt về khoa học, toán học và công nghệ. Hồi năm ngoái, Microsoft đã thử nghiệm tuyển dụng người tự kỷ vào những chỗ làm toàn thời gian. Chương trình này được thực hiện với sự cộng tác của nhóm chuyên gia Đan Mạch và Đức nhằm thu nhận hàng trăm bệnh nhân tự kỷ cho nghiệp vụ tin học.
Không riêng bệnh nhân tự kỷ, một số công ty công nghệ cao cũng quan tâm đến bệnh nhân mắc phải những rối loạn thần kinh khác. Bà Jan Johnson-Tyler, 57 tuổi, mẹ của một bệnh nhi bị hội chứng Asperger, đã thành lập Công ty EvoLibri - một công ty tư vấn nhằm tạo điều kiện việc làm cho bệnh nhân “có thần kinh khác biệt”. Bà nhận định trong số bệnh nhân, nhiều người rất thành thạo ở lĩnh vực chuyên biệt. Bà cho biết đã nhìn thấy nhiều xí nghiệp và tổ chức đưa bệnh nhân tự kỷ lên vị trí cao ở nghiệp vụ tin học.
Bình luận (0)