Nói với Wall Street Journal, Wang Peixin, chủ một nhà hàng lớn tại Trung Quốc nghĩ rằng tương lai của người máy là làm phục vụ, như chiên bánh bao tại nhà hàng của ông.
Mấy ngày gần đây, người dân ở Bắc Kinh, Trung Quốc nhìn thấy một con robot màu trắng đeo nơ tại nhà hàng Mr. Wang Together. Nó phát những giai điệu vui tươi trong lúc mang thức ăn ra phục vụ khách hàng. Tất cả mọi người đều cảm thấy thích thú, một số người còn hát theo, thậm chí là quay phim lại.
“Những người trẻ luôn ưa thích sự mới lạ, và robot chính là dịch vụ mới, hiện đại”, ông Wang cho biết.
Robot - trong tiếng Trung là jiqiren, đang là cơn sốt tại quốc gia này. Người ta có thể bắt gặp chúng ở mọi nơi. Trong ngân hàng, một robot với giọng nữ yêu cầu mọi người xếp hàng ngay ngắn, một số khác thì đi làm phục vụ trong tiệc cưới. Ngay cả hội đền rồng mùa xuân ở núi Phượng Hoàng cũng xuất hiện một con robot màu kem trò chuyện với các tín hữu.
Nhà hàng là nơi bạn dễ trông thấy robot nhất. Nhiều cửa hiệu có sự xuất hiện của robot trong vai trò như phục vụ, bồi bàn, tán gẫu cùng khách hàng. Một số robot còn được thiết kế chỉ để nhảy và hát.
Tuy vậy, không phải mọi nhu cầu đều có thể được đáp ứng. Ví dụ, một số robot phục vụ chỉ có thể mang thức ăn tới, nhưng chưa bày được thức ăn lên bàn đúng vị trí, và phải nhờ đến bồi bàn người thật.
Trung Quốc đang trong thời kỳ biến động mạnh về dân số. Tiền lương tăng trong khi số dân trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.
Chính phủ nước này nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động tự động hóa nhằm bù đắp thiếu hụt lao động, cũng như chạy đua với các nước khác trong quá trình sử dụng robot công nghiệp. Đây cũng là một phần nguyên nhân giải thích cơn sốt robot hiện nay tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự về robot. Thủ tướng Lý Khắc Cường mới đây vừa chơi cầu lông cùng robot trên truyền hình.
Năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình thậm chí đã kêu gọi “cuộc cách mạng robot trong công nghiệp” và đến thăm một viện nghiên cứu robot.
Bà Jiao, chủ một cửa hàng cho biết, trước đây bà phải vật lộn với chi phí nguyên liệu lẫn lao động. Giữa 2014 và 2015, tiền lương công nhân đô thị tăng 10%.
Nay chỉ với 8.000 Nhân dân tệ, tương đương khoảng 1.200 USD, bà đã có thể mua robot giúp việc cho mình. Số tiền này tương đương đến vài tháng lương nếu thuê người thật giúp việc.
“Robot cắt mì tốt hơn người bình thường. Sợi mì mỏng, vì thế mà tôi cũng bán được nhiều hơn”, bà Jiao cho biết.
Bên cạnh đó cũng xuất hiện vài ý kiến trái chiều. Lou Jun tại trung tâm Robot Quốc tế và Liên minh Công nghiệp Thiết bị Thông minh cho biết, hiện có khoảng 800 công ty Trung Quốc tham gia sản xuất robot.
Tuy nhiên, ông Lou lại không đánh giá cao các công ty này, khi cho rằng chỉ khoảng ít hơn 100 công ty là thực sự hoạt động tốt. Ông cũng xem các con robot phục vụ chỉ là đồ chơi cho trẻ con.
Trợ lý giáo sư khoa học máy tính Zhang Wenqiang tại đại học Fudan, Thượng Hải đánh giá cơn sốt robot hiện nay tại Trung Quốc chỉ là bong bóng, hầu hết robot sản xuất trong nước đều không thực sự hữu ích.
Nhưng những người yêu thích khoa học viễn tưởng tại Trung Quốc thích điều này. “Các bạn có thấy những nước có nền công nghiệp phát triển mạnh đồng thời cũng có ngành khoa học viễn tưởng hiện đại?”.
Biên tập viên Weijia của tạp chí Science Fiction World cho biết. “Khi Trung Quốc phát triển, người dân cũng yêu thích khoa học viễn tưởng hơn”.
Chương trình gala truyền hình Tết Nguyên đán, sự kiện hàng năm được xem nhiều nhất tại đây cũng có mặt robot.
Khoảng 500 con robot xuất hiện đồng loạt thực hiện những điệu nhảy vui nhộn, cùng với đó các thiết bị bay không người lái đủ sắc màu lượn lờ trên không.
Bình luận (0)