Tại Hồng Kông (Trung Quốc), giáo viên Timothy Yu, nhà sáng lập Công ty Snapask, cung cấp ứng dụng di động cho phép học sinh đặt câu hỏi rồi chuyển đến thầy cô trong vài giây giúp thầy và trò tương tác nhanh trong buổi học.
Được khởi xướng hồi năm ngoái, Snapask hiện phục vụ cho hơn 100.000 học sinh tại Hồng Kông. Đài Loan và Singapore với hơn 5.000 thầy cô giáo nhận và trả lời mỗi ngày hàng chục ngàn thắc mắc của học sinh. Thầy Yu nhận xét: “Ứng dụng này giống như môi trường nhắn tin nhanh dạng WhatsApp. Người dùng có thể sử dụng hình ảnh, văn bản và âm thanh để liên lạc”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Theo đài BBC, công nghệ trực tuyến thay đổi cách phụ huynh có thể lựa chọn gia sư. John Underhill, thuộc Công ty Tutor Hunt hoạt động tại Anh, tạo điều kiện cho phụ huynh và học sinh duyệt qua danh sách dài các thầy cô của nhiều môn học, phù hợp với nhu cầu và trình độ của từng học sinh. Ông Underhill cho biết có hơn 250.000 người sử dụng dịch vụ của công ty này để tìm kiếm gia sư. “Trước đây, khó có thể đưa những bài học có chất lượng lên mạng khi công nghệ chưa đáp ứng đủ. Nhiều cải tiến đã được áp dụng trong vài năm qua, khi công nghệ phát triển. Chúng ta có thể thấy nhiều thầy cô sử dụng bản tương tác với học sinh, thường liên kết bằng dịch vụ nói chuyện qua internet (VOIP) để đưa bài giảng lên mạng. Tận dụng tất cả nguồn tài nguyên trực tuyến có thể giúp thầy và trò hợp tác tối ưu hơn trong bài giảng” - ông Underhill nói.
Dạy thêm qua mạng không chỉ thịnh hành ở các nước phát triển mà đã bắt đầu hình thành tại các nước đang phát triển. Công ty mới khởi nghiệp Tyro tại Ai Cập đã tạo ra phần mềm dạy thêm cho phép các buổi học diễn ra hoàn toàn trực tuyến. Hai công ty Tutor.ng và Tuteria hoạt động trong lĩnh vực này tại Nigeria cho thấy dạy và học thêm trực tuyến đang có khuynh hướng phát triển trên toàn cầu.
Bình luận (0)