Chuyên gia Mijana Bajovic và cộng sự đã khảo sát trên nhóm trẻ em học lớp 8 (độ tuổi 13 và 14) về thói quen và dạng video game thường chơi nhằm xác định mức độ nhận thức về luân lý và đánh giá trên thang điểm từ 1 đến 4. Kết quả cho thấy có sự khác biệt đáng kể trong mức độ chín chắn về mặt luân lý xã hội giữa những thiếu niên chơi game bạo lực 1 giờ/ngày với các game thủ chơi 3 giờ/ngày hoặc hơn.
Sau khi xem xét về thời gian chơi game và nội dung trò chơi, nhóm nghiên cứu nhận thấy những thiếu niên thường chơi game bạo lực chỉ đạt điểm 2, thấp hơn các bạn ít ham thích dạng trò chơi này. Nghiên cứu trước đó cũng đã cho thấy những trẻ em đạt điểm thấp thường ít có cơ hội giao tiếp ở những vai trò khác nhau hoặc ít khi có dịp xem xét về quan điểm của người khác trong đời sống thực.
Chuyên gia Bajovic nhận định: “Kết quả nói trên cho thấy những thiếu niên dành hơn 3 giờ/ngày với game bạo lực dễ tách rời khỏi thế giới bên ngoài, mất đi cơ hội giao tiếp. Việc dành quá nhiều thời gian trong thế giới bạo lực ảo có thể ngăn game thủ tiếp cận với những kinh nghiệm xã hội tích cực ở đời sống thực - vốn có thể giúp cho các em có ý thức đúng đắn những việc đúng và sai”.
Điều thú vị là nhóm nghiên cứu không nhận thấy mối liên quan giữa sự chậm phát triển trong nhận thức và lý luận về luân lý xã hội với việc chơi thường xuyên các trò chơi không bạo lực. Tuy nhiên, chuyên gia Bajovic thừa nhận việc ngăn cấm thiếu niên chơi game bạo lực là điều không thực tế. Thay vào đó, phụ huynh nên tìm hiểu xem mức độ và các hình thức bạo lực trong video game có thể ảnh hưởng đến thái độ, hành vi và sự phát triển về mặt luân lý của con em mình và nên để con em dành thời gian chơi game vừa phải.
Bình luận (0)