Cứ vào lúc chiều tối, đặc biệt là cuối tuần, hình ảnh cả người lớn lẫn trẻ em “lảo đảo” cùng hoverboard lại xuất hiện tràn ngập nhiều khu dân cư, địa điểm công cộng ở Q.1, Q.7 (TP HCM).
Chơi xe trượt điện chiếm phố đi bộ. ẢNH: NỮ VƯƠNG
“Chúng nó lượn ghê quá”
Phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) gần đây luôn tập trung đông đảo người di chuyển bằng ván trượt điện. Cụ thể, dọc phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhiều người mở dịch vụ cho thuê xe trượt điện. Có những người chưa từng chơi loại xe này, đến đây thấy lạ cũng muốn chơi thử. “50.000 đồng là chơi được nửa tiếng rồi" - Huỳnh Văn Mai, sinh viên Trường ĐH Luật TP HCM, đang “phiêu” cùng chiếc xe trượt điện, nói.
“Không gian phố đi bộ bây giờ không còn dành riêng cho người đi bộ. Tôi phải tránh mấy chiếc xe này. Chúng nó lượn ghê quá” - chị Tuyết Nhung, ngụ Q.3, tỏ vẻ khó chịu.
Ông Tùng, một người cho thuê xe trượt điện, cho biết để sử dụng được xe chỉ cần mất chút thời gian tập giữ thăng bằng. Khi đã quen với việc giữ cân bằng, người sử dụng có thể tiến lên, lùi lại bằng cách dồn trọng tâm về phía trước hoặc sau. Tương tự, rẽ trái, phải bằng cách thay đổi trọng tâm chân trái hoặc phải. Nhiều người đến đây không chỉ dùng xe trượt để di chuyển mà còn lượn lách và biểu diễn với những màn “phiêu”. Nhiều nhóm tinh nghịch còn nắm tay nhau kéo chạy khắp phố, có nhóm lại nối đuôi nhau tạo thành một đoàn tàu lúc đứng, lúc ngồi.
Không những thế, nhiều người đi bộ ở đây luôn mang tư thế bất an, vừa đi vừa để ý đến những chiếc xe chớp chớp nháy nháy này vì sợ va trúng người. “Bình thường hay dẫn bà nội ra đây dạo mát nhưng mấy hôm nay thì rất ngại. Không hiểu sao ở đâu lại xuất hiện mấy chiếc xe này. Đi chỗ nào cũng đụng, thậm chí còn có nhiều đứa chạy như tên lửa”, Thu Thủy, ngụ Q.1, chia sẻ.
Té đập mặt do phanh không kịp
Theo như một người cho thuê xe trượt điện ở đây cho biết thì chiếc xe này có thể chạy được tối đa đến 20 km/giờ. Với tốc độ này rất dễ gây nguy hiểm, nhất là đối với những em nhỏ. Một phụ huynh cầm tay đứa con trai 6 tuổi của mình để trượt thử, mới chạy một đoạn con anh đã té ngã chỏng vó. Cũng không hiếm những trường hợp như thế. Một người mẹ khác cũng đang ngồi dỗ đứa con gái khóc nức nở vì mới bị té trầy hết khuỷu tay.
Không gian của phố đi bộ lúc nào cũng đông đúc, nhộn nhịp nên những chiếc xe này muốn trượt phải lách qua bên này rồi lại phải trớ bên kia, vì thế mà va chạm nhau là điều khó tránh khỏi. Thực tế, người sử dụng hoàn toàn có thể điều khiển được tốc độ, tuy nhiên theo Nguyễn Phan Thanh An, sinh viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng TP HCM, đã từng chơi trò này thú nhận: đã nhiều lần bị té đập mặt xuống đất vì chạy nhanh quá, phanh không kịp.
Rất nguy hiểm
Tại Việt Nam, món hàng này cũng được rao bán khá phổ biến trên mạng internet với mức giá từ 5 -10 triệu đồng tùy loại. Dù mẫu mã và kích cỡ có phần khác nhau, nhưng theo một số người kinh doanh trong ngành di động thì gần như toàn bộ hoverboard được bán tại Việt Nam đều có xuất xứ từ Trung Quốc, được nhập về như một món đồ chơi công nghệ.
Một lãnh đạo Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67 - Công an TP.HCM) cho biết hiện những đồ chơi mà các bạn trẻ gọi là “xe điện cân bằng” đang được sử dụng trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1) không phải là xe, hay phương tiện giao thông. Những đồ chơi được gắn động cơ chạy bằng điện không lưu thông trên đường bộ nên cảnh sát giao thông không thể nắm bắt, quản lý được. Nếu như miêu tả, xe chạy bằng điện, tốc độ lên tới 20 km/giờ mà không có tay nắm, người điều khiển không được trang bị đồ bảo hộ (bao gối chân, khuỷu tay, mũ bảo hiểm) thì rất nguy hiểm khi gặp chướng ngại vật ngã ra đường. Khi bị té ngã, người chơi dễ bị chấn thương phần mềm, gãy chân tay hoặc có thể chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.
Cháy nổ liên tục
Không chỉ ẩn chứa nguy cơ té ngã khi chạy, xe trượt hoverboard còn ẩn chứa hiểm họa cháy nổ đã xảy ra tại nhiều nước. Đầu năm nay, CNN bình chọn hoverboard là 1 trong 10 “điểm trừ” của làng công nghệ thế giới trong năm 2015. Nhu cầu về sản phẩm này, sau một thời gian tăng trưởng mạnh, đã nhanh chóng tuột dốc sau khi hoverboard giá rẻ có nguồn gốc từ Trung Quốc gặp trục trặc mạch điện, gây cháy nổ liên tục. Các nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ như Target, Toys ‘R’ Us và Amazon đều ngừng bán hoverboard trong khi hàng chục hãng hàng không liệt sản phẩm này vào đồ chơi gây nguy hiểm và từ chối vận chuyển. Ngoài ra, nhiều trường học ở Mỹ ra quy định cấm sử dụng hoverboard trong khuôn viên.
Tờ The Boston Globe dẫn thông tin từ Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ cho hay đã xảy ra 52 vụ cháy vì hoverboard tại 24 bang, gây tổn thất hơn 2 triệu USD giá trị tài sản từ tháng 12-2015 đến tháng 2-2016. Mới đây, liên tục trong hai ngày 7 và 8-5 đã có 2 vụ tại Boston (bang Massachusetts) và Tuscaloosa (bang Alabama), gây thiệt hại hơn 100.000 USD (gần 2,3 tỉ đồng). Theo giới điều tra, nguyên nhân hỏa hoạn là do pin lithium ion trong các xe trượt có thể tự bốc cháy khi đang sạc pin, trong lúc sử dụng hoặc không. Cho dù sử dụng cùng loại pin như điện thoại di động nhưng pin hoverboard chứa năng lượng gấp hàng chục lần điện thoại, nên nếu xảy ra chập mạch thì rất dễ gây cháy.
Còn tại Úc, chính quyền Canberra đã quyết định tiếp tục kéo dài lệnh cấm hoverboard cho đến tháng 6, sau khi có đến 6 vụ cháy liên quan đến đồ chơi này, hầu hết đều do trục trặc pin, theo tờ The Sydney Morning Herald.
Hôm qua, tiếp nhận thông tin PV Thanh Niên chuyển đến, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Q.1, khẳng định việc lập bãi xe trượt điện để kinh doanh là tự phát bởi Q.1 không hề cấp phép cho loại hình này hoạt động. Theo ông Hòa, UBND TP HCM vừa quyết định thành lập Ban Quản lý công viên tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Nguyễn Huệ trực thuộc UBND Q.1. Theo quy chế quản lý được ban hành, thành phố nghiêm cấm buôn bán hàng rong, tổ chức ăn uống, hoạt động mê tín, gây mất trật tự, hành vi xả rác và chất thải của vật nuôi không đúng quy định ảnh hưởng vệ sinh công cộng, cây xanh và công trình kiến trúc; nghiêm cấm các hành vi gây mất trật tự trên đường phố (trượt patin, xe trượt điện...), các hành vi dùng loa phóng thanh, chiêng, trống, còi, kèn hoặc tụ tập đông người để cổ động ở nơi công cộng mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền... “Phố đi bộ chỉ dành cho nhu cầu đi bộ của người dân. Chúng tôi sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm kiểu kinh doanh biến tướng này”, ông Hòa nói.
Bình luận (0)