Sự phát triển nhanh của hạ tầng băng thông rộng tốc độ cao, các công nghệ truyền hình trực tuyến (internet TV) hiện đại và việc thử nghiệm thành công mạng 4G gần đây đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư internet TV cũng như nhà cung cấp dịch vụ nội dung số. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, điều đó cũng tạo áp lực cạnh tranh cho các nhà đầu tư trong nước với những đối thủ mạnh đang tham gia thị trường tiềm năng này.
Sân chơi sôi động hơn
Công ty chuyên cung cấp dịch vụ xem phim trực truyến Netflix (Mỹ) vừa công bố mở rộng hoạt động tại 130 nước, trong đó có Việt Nam. Netflix là một trong những công ty có thư viện nội dung lớn nhất toàn cầu với kho video “khủng”, sô truyền hình, nhiều phim bộ, phim lẻ ăn khách, phim đoạt giải Oscar… có bản quyền. So với các dịch vụ tương tự của Việt Nam, Netflix sẽ tạo thách thức cho nhiều nhà đầu tư trong nước.
Công ty CP Fim Plus - thành viên của Galaxy Media & Entertainment (Galaxy ME) - cũng vừa ra mắt Film+. Đây là dự án đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim theo nhu cầu cá nhân với chất lượng HD, có bản quyền, phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh chuẩn. Film+ có thể loại đa dạng, cập nhật các phim mới, sở hữu thư viện lên tới 1.000 phim chọn lọc.
Ngoài ra, người dùng còn có thể xem các dịch vụ internet TV trên Shomi, Global Go, Apple TV, Google TV, Project Latte và Amazon Prime. Các dịch vụ này đều dựa trên kết nối internet để giao tiếp và phát nội dung truyền hình tới khán giả.
Hiện nay, các nhà đầu tư trong nước cũng đã phát triển mạnh internet TV. Người dùng có thể sử dụng dịch vụ MyTV của VNPT để xem phim theo yêu cầu, hát karaoke, chơi game, nghe nhạc… Bên cạnh đó là truyền hình internet FPT. Đây là truyền hình IPTV được phát triển bởi FPT Telecom. Khách hàng mua thêm đầu HD Box của FPT kèm theo các gói cước dịch vụ là có thể xem được nhiều chương trình ngay trên TV qua internet. Truyền hình FPT còn có các tính năng kết hợp để phục vụ người dùng. Ngoài ra, Viettel, SCTV… cũng đang tham gia sân chơi internet TV với nhiều dịch vụ đa dạng.
Gia tăng áp lực cạnh tranh
Trong một nghiên cứu về thị trường internet TV vào giữa năm 2015, trang tin IP-TVnews cho biết thời gian ngồi trước màn hình TV của đa số người dân trên toàn cầu đang giảm nhưng “chất lượng” xem lại tăng. Người xem chấp nhận trả phí để tự do lựa chọn chương trình hoặc nội dung muốn xem (truyền hình theo yêu cầu).
Do đó, để khắc phục các khuyết điểm và thu hút người dùng, theo các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước cần nâng cấp các dịch vụ nội dung đã triển khai. Đồng thời, bổ sung các dịch vụ mới phù hợp nhu cầu ngày càng cao của người dùng như tăng số lượng kênh truyền hình, triển khai các dịch vụ mới hấp dẫn hơn.
Theo đại diện FPT, để tăng sức cạnh tranh, FPT đã đầu tư 3.000 máy chủ tại trung tâm dữ liệu, tốc độ đường truyền đạt 160 Gigabit/giây và mạng điện toán đám mây với dung lượng đạt 700 TB… giúp truyền hình hoạt động mượt mà, không bị đứng hình, giật hình, mất tín hiệu. Truyền hình FPT đã sớm liên kết với nhiều nhà cung cấp dịch vụ và mở rộng các gói kênh, gói nội dung phong phú với chất lượng HD.
Để tăng trưởng thuê bao MyTV, đại diện VNPT cho biết sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, tập trung phát triển phiên bản OTT, đưa hệ thống quảng cáo thông minh nhằm tăng doanh thu nội dung, hoàn thiện chính sách cước, bổ sung, cơ cấu lại gói cước hợp lý. VNPT sẽ đầu tư nội dung, xây dựng các gói chuyên biệt như phim Hollywood, Hàn Quốc... để tạo sự khác biệt.
Một khó khăn không nhỏ cho các nhà đầu tư trong nước là sự cạnh tranh khốc liệt của nhiều nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có các tên tuổi tầm cỡ. Ngoài ra, Việt Nam đang trong quá trình tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đặt ra những yêu cầu rất cao về cam kết chất lượng dịch vụ và bản quyền.
Cuộc chơi chưa bình đẳng
Ông Lê Hải Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Mắt Bão, nhận xét: “Cuộc chơi chưa thực sự công bằng giữa nhà cung cấp dịch vụ internet TV trong nước và nước ngoài. Doanh nghiệp (DN) trong nước thiệt thòi hơn về số lượng nội dung cũng như chi phí sở hữu bản quyền chương trình, đặc biệt là các chương trình truyền hình, phim “bom tấn” nước ngoài. DN trong nước phải phát hành dịch vụ với nội dung phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam. Với DN nước ngoài như Netflix thì điều này hoàn toàn không bị ép buộc”.
Theo ông Bình, DN trong nước chỉ lợi hơn về tiện ích thanh toán và tốc độ kết nối của người dùng đến máy chủ dịch vụ. Tuy nhiên, ưu thế này thực sự không đủ lớn và cạnh tranh. Do đó, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ các DN Việt Nam phát triển dịch vụ trong nước, đồng thời quản lý được nội dung, tránh thất thu thuế, ngoại tệ.
Bình luận (0)