Chiều 8-5, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết Trung tâm Chống độc đang điều trị cho ba bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn sâu ban miêu.
Trước đó, tối 5-5, năm người ở tỉnh Yên Bái cùng ăn cơm tối với món sâu ban miêu chiên. Trong năm người có ba người ăn sâu ban miêu, hai người còn lại không ăn.
Sau khi ăn khoảng 1-3 giờ đồng hồ, ba người ăn sâu ban miêu có biểu hiện buồn nôn, nôn, đau bụng, chướng bụng, tiểu buốt, tiểu khó, có người tiểu ra máu…
Sáng hôm sau, ba người được đưa đến bệnh viện địa phương. Tại đây, các bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc sâu ban miêu và được chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết sâu ban miêu có thân màu đen hoặc có các điểm màu vàng hoặc đỏ nhạt với dải ngang màu đen.
Đây thực chất là một loài bọ cánh cứng, chứa chất độc Cantharidin - một chất rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể.
Khi ăn phải, chất độc này đầu tiên sẽ gây tổn thương đường tiêu hóa, gây phồng rộp, bỏng đường tiêu hóa, hoại tử dạ dày, ruột… Bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt huyết áp, suy hô hấp… và tỉ lệ tử vong lên đến hơn 50%.
Các bệnh nhân ngộ độc Cartharidin cần phải được cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ có nguy cơ biến chứng rất nặng.
Trước đó, Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ngộ độc, nguy kịch do ăn sâu ban miêu. Một số trường hợp còn nhầm sâu ban miêu với bọ xít, dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Bác sĩ Nguyên khuyến cáo nếu tiếp xúc với sâu ban miêu và bị chất độc gây bỏng rát, đỏ rộp da hay mắt, người dân cần rửa vùng bỏng rát bằng nước sạch và nhanh chóng đến ngay bệnh viện.
Trong y tế, sâu ban miêu được ứng dụng trong một số bài thuốc y học cổ truyền, song vì độc tính cao nên các chuyên gia y tế khuyến nghị người dân không nên tự ý thu bắt và sử dụng.
Bình luận (0)