Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của toàn Đảng, toàn quân, của các giới đồng bào. Tại 3 địa điểm: Nhà Tang lễ Quốc gia (TP Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (TP HCM) và tại quê nhà Tổng Bí thư (thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) người dân đã đến viếng rất đông. Tại Hội trường Thống Nhất, thời gian viếng được kéo dài thêm giờ vào ban đêm so với quy định ban đầu. Còn ở Lại Đà có một đêm sáng đèn, không ngủ.
Người đến viếng Tổng Bí thư đủ mọi thành phần, có đồng chí, bạn bè thời đạn bom, thời cắp sách, có những người yếu thế, tật nguyền và cả các em thiếu nhi. Ai cũng muốn có khoảnh khắc tiễn biệt một NGƯỜI HIỀN - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Có không ít bạn trẻ từ miền Nam ra đến Lại Đà để viếng và cũng để biết thêm về quê nhà của Tổng Bí thư. 46 quyển sổ tang tại Hội trường Thống Nhất và sổ tang điện tử online tràn ngập lời đưa tiễn đầy kính trọng và tiếc thương.
Người dân tiếc thương Tổng Bí thư vì ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời vì nước, vì dân. Trong sự cảm nhận của người dân, ông là một nhà lãnh đạo bình dị, chân tình và gần gũi, một nhà lãnh đạo luôn cố gắng nêu gương, vẫn ở nhà công vụ, vẫn đi xe đời cũ, nhà không người giúp việc, làm đám cưới cho con không tổ chức rình rang…
Những chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của ông trong vai trò cao nhất là Tổng Bí thư đã để lại nhiều bài học quý, thúc đẩy sự phát triển đất nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Với TP HCM, Tổng Bí thư có sự quan tâm đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho đầu tàu kinh tế phát triển. Trong những lần làm việc và nhất là chuyến đi cuối cùng vào TP HCM, Tổng Bí thư luôn bày tỏ sự mong muốn thành phố có sự phát triển cả kinh tế và văn hóa, luôn xứng đáng với niềm vinh dự lớn được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Những tổng kết từ thực tiễn sinh động của Việt Nam, những nghiên cứu làm sáng tỏ lý luận về con đường phát triển của đất nước trong thời đại ngày nay của Tổng Bí thư cùng tập thể lãnh đạo dày công thực hiện là tài sản có ý nghĩa to lớn với đất nước, với nhân dân. 42 cuốn sách đã được xuất bản của Giáo sư, Tiến sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn tiếp tục được người đời nghiên cứu, chiêm nghiệm.
Bạn bè quốc tế bày tỏ tình cảm, sự trân trọng, đánh giá cao đối với những dấu ấn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về những đóng góp tích cực trong việc vun đắp các mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước, góp phần xây dựng một tương lai vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
Di sản mà Tổng Bí thư để lại vô cùng to lớn, đó chính là ân tình, là lòng tin mà người dân dành cho ông - một nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta - một cuộc đời bình dị, liêm khiết, một sự nghiệp dâng hiến, tận hiến. Lý tưởng cao đẹp, đạo đức cách mạng trong sáng, giàu lòng nhân ái và tình thương yêu con người, luôn lấy lợi ích của dân làm mục tiêu phấn đấu… là tất cả những gì ông luôn hướng tới và cũng luôn thúc giục chúng ta.
Có lẽ cũng không quá lời khi cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xứng đáng là một người cộng sản chân chính, một nhà tư tưởng, một nhà văn hóa lớn, một con người đầy khát khao vì một Việt Nam phát triển hùng cường, hạnh phúc. Con người truyền cảm hứng về những giá trị sống tốt và niềm tin ở tương lai. Sự ra đi của ông làm cho mọi người gần nhau hơn và cùng nhau thúc đẩy cho hành trình vươn tới mục tiêu đầy khát vọng.
Xin kính cẩn tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bình luận (0)