Đền được xem là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất Hà thành.
Tô Lịch: Thành hoàng đầu tiên của Việt Nam
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng đã có từ sớm ở Trung Quốc. Tín ngưỡng này du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Năm 823, đời nhà Đường, Lý Nguyên Gia xây La Thành đã phong thần Tô Lịch làm Thành hoàng, dựng đền thờ.
Như vậy, Tô Lịch là Thành hoàng đầu tiên của Đại La (sau đổi tên thành Thăng Long), là Thành hoàng đầu tiên của Việt Nam.
Thần Tô Lịch được nhắc tới trong truyện "Bảo quốc Trấn linh Định bang Quốc đô Thành hoàng đại vương" (sách "Việt điện u linh" của Lý Tế Xuyên) vào thế kỷ XIV. Sách này dẫn theo những thư tịch cổ hơn là "Báo cực truyện" và "Giao Châu ký", kể về Tô Lịch đại vương như sau: "Vương họ Tô, húy là Lịch, sinh thời từng làm quan ở Long Đỗ, tiên tổ cư ngụ ở đó đã lâu đời, dựng làng bên bờ một con sông nhỏ. Gia đình của Vương lấy sự thanh bạch và hòa thuận, hiếu thảo làm trọng, ba đời cùng nhân nhượng mà ở chung với nhau, không chút riêng biệt. Thời nhà Tấn đô hộ, triều đình xét những nhà có hiếu, gia đình Vương được khen. Gặp năm mất mùa đói kém, nhà Vương sẵn lòng cho dân vay thóc, triều đình lại ban khen, nhân đó, cho lấy hai chữ Tô Lịch làm tên làng".
Sách "Lĩnh Nam chích quái" cũng chép về Tô Lịch như sau: "Nước ta có người họ Tô tên Lịch xưa sống ở Long Đỗ, nay là mé ven sông, ba đời nhân nhượng mà sống chung với nhau. Đời Tấn được cử làm chức Hiếu liêm, cắm cờ ở trước cổng xóm, vì vậy người đời bèn gọi xóm ấy là xóm Tô Lịch".
Theo "Việt điện u linh", năm Trường Khánh thứ 3 (823) đời Đường Mục Tông, Lý Nguyên Hỷ (hay Lý Nguyên Gia) sang làm đô hộ thấy cửa Bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế xinh đẹp, mới tìm chỗ cao ráo dời phủ lỵ đến đóng ở bờ sông, dựng nhà cửa, mở nhiều cổng ngõ. Nguyên Gia sai giết trâu bò, mở tiệc náo nhiệt, mời các kỳ lão trong làng đến dự, "trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời" rồi hỏi chuyện về Vương (Tô Lịch) và ngỏ ý muốn tâu xin thờ Vương làm Thành hoàng. Mọi người đều vui thuận tán thành, sau đó dựng một ngôi đền nguy nga, tráng lệ để thờ, tôn Tô Lịch làm Thần chủ của cả thành.
Tên Tô Lịch lần đầu tiên được sử sách ghi chép là vào thế kỷ VI. Trong các sách "Lương thư", "Trần thư" của Trung Quốc, nói vắn tắt về sự kiện: Nam Việt đế Lý Bí cho đắp dựng một tòa thành bên một dòng sông xưa trên đất Hà Nội cổ, được gọi là "Tô Lịch giang thành" (Thành sông Tô Lịch).
Như vậy, lần đầu trong sử sách, Tô Lịch xuất hiện là danh xưng của một con sông. Sông Tô Lịch bắt nguồn từ một người tên Tô Lịch, sống vào cuối thế kỷ thứ III, đầu thế kỷ thứ IV ở đất Long Đỗ, sau vì nổi tiếng thương dân nên được đặt tên cho một vùng đất (làng) là Tô Lịch. Tô Lịch vào thế kỷ IX được tôn làm thần, phong chức Thành hoàng Thăng Long.
Truyền thuyết Cao Biền xây thành La Thành
Dù thần sông Tô Lịch trước đó đã được phong Thành hoàng Đại La nhưng một số sách cổ lại cho rằng đến khi Cao Biền sang làm Tiết độ sứ, đắp thành Đại La (năm 866), gặp thần Tô Lịch thì mới đặt tên sông là Tô Lịch.
PGS-TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nhận định điều đặc biệt là đền Bạch Mã có những ảnh hưởng văn hóa của người Hoa, nhưng Thần chủ Long Đỗ là vị thần người Việt, bảo hộ cho sự thịnh vượng, đặc tính riêng của văn hóa người Việt. Đó là những nét đặc biệt.
Sách Lĩnh Nam chích quái chép, khi chơi trên con sông quanh thành Đại La, Biền gặp vị thần tự xưng là Tô Lịch, nên mới đặt tên sông là Tô Lịch. Sách viết: "Hồi đó đang giữa tháng 6 nước mưa lên cao: Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào tiểu giang đi khoảng một dặm, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo dị kỳ, tắm ở giữa dòng sông, cười nói tự nhiên. Biền hỏi họ tên. Đáp: Ta họ Tô tên Lịch. Biền lại hỏi: Nhà ở đâu? Đáp: Nhà ở trong sông này. Dứt lời, lấy tay đập nước bắn tung mù mịt, bỗng nhiên không thấy đâu nữa. Biền biết là thần, bèn đặt tên sông là Tô Lịch.
Một buổi sớm khác, Biền ra đứng ở bờ sông Lô Giang, phía Đông thành Đại La, thấy trận gió lớn nổi lên, sóng nước cuồn cuộn, mây trời mù mịt, có một dị nhân đứng trên mặt nước, cao hơn hai trượng, mình mặc áo vàng, đầu đội mũ tím, tay cầm hốt vàng rực rỡ một khoảng trời, chập chờn lên xuống trên khoảng không. Mặt trời cao ba con sào, khí mây hãy còn mù mịt, Biền rất kinh dị, muốn yểm thần. Đêm nằm mộng thấy thần nhân tới nói rằng: "Chớ yểm ta, ta là tinh ở Long Đỗ, đứng đầu các địa linh, ông xây thành ở đây, ta chưa được gặp, cho nên tới xem đó thôi, ta có sợ gì bùa phép...".
Nghe vậy Biền kinh hãi, sáng hôm sau lập đàn niệm chú, lấy kim đồng thiết phù để yểm. Đến hôm ấy, sấm động ầm ầm, gió mưa dậm dật, đất trời u ám, thần tướng hò reo, kinh thiên động địa. Trong khoảnh khắc, kim đồng thiết phù bật ra khỏi đất, biến thành tro, bay tan trên không. Biền càng kinh hãi, than rằng: "Xứ này có thần linh dị, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ". Sau Ý Tông triệu Biền về, quả nhiên Biền bị giết và Cao Tầm được cử sang thay.
Bạch Mã đại vương, biểu tượng của mặt trời
GS Lê Văn Lan nhận định có một bậc tôn thần, được thờ kính ở Thăng Long - Hà Nội, với công đức và vị thế được các đời vinh phong, là "Quốc đô định bang thành hoàng đại vương", tức là vị thần bảo hộ của cả vùng kinh đô đất nước. Về đẳng cấp, thần là "đại vương" – hàm tước lớn lao cao quý nhất. Về duệ hiệu, thần có ba tên. Đầu tiên là: "Long Đỗ Thần Quân", tức là vị thần đứng đầu các thần ở đất rốn rồng (Long Đỗ). Danh hiệu này, có nguồn gốc từ hơn một nghìn năm trước, từ thời đại "Bắc thuộc và chống Bắc thuộc". Sau đó là: "Quảng Lợi Đại Vương", tức là "Vị đại vương đem lại lợi ích rộng lớn cho mọi người". Danh hiệu này là do "Lý gia đệ nhị đế, Thái Tông" phong tặng, từ giữa thế kỷ XI. Cuối cùng, nhưng phổ biến nhất, là "Bạch Mã Đại Vương", tức là vị đại vương mang hình tượng ngựa trắng - biểu tượng của mặt trời. Danh hiệu này liên quan đến hoàng đế Lý Thái Tổ, ở buổi đầu định đô Thăng Long năm 1010 được thần hiện hình thành ngựa trắng giúp nhà vua xây dựng Kinh Thành.
Tổ hợp duệ hiệu gồm ba danh hiệu oai linh như thế, vốn là dành cho một người họ Tô, tên Lịch, ở vào thời gian đầu Công nguyên, gần hai ngàn năm trước, là người đứng đầu ngôi làng - Hà Nội - gốc, dựng ở chỗ núi Long Đỗ (nay là Núi Nùng, ở chính tâm Thành cổ Hà Nội), có tên là "Hương Long Đỗ".
Tô Lịch hiện nay được biết là tên sông và ai cũng nghĩ nó là thủy danh, nhưng suy đoán đó không chính xác. Tên gọi sông Tô Lịch có nguồn gốc của một người họ Tô, tên Lịch. Đó cũng là thành hoàng làng đầu tiên của Việt Nam
Theo cuốn "Việt sử giai thoại" của GS sử học Nguyễn Khắc Thuần, khi dời đô ra Thăng Long, vua Lý Thái Tổ đã bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thành xây đến đâu, dù gia cố thế nào cũng vẫn bị sụp đổ. Thấy việc dựng thành gặp khó khăn, Vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ, được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La, cầu xin được phù trợ. Đêm đó, nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng rồi lại biến mất vào trong đền.
Hôm sau, Lý Thái Tổ cho đắp thành theo dấu chân bạch mã trong giấc mộng. Quả nhiên, thành Thăng Long không bị lún sụt nữa. Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương, lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền và đặt tên cho ngôi đền thờ thần Long Đỗ thành Bạch Mã linh từ (đền thiêng Ngựa Trắng). Từ đó ngựa trắng là một biểu tượng thiêng liêng của đền Bạch Mã.
Lễ hội Nghênh Xuân đặc sắc
Gắn liền với di tích đền Bạch Mã trước đây có lễ hội Nghênh Xuân, vừa mang tính cung đình, vừa mang tính dân gian đặc sắc, có nguồn gốc từ thời Lý, được tổ chức vào mùa xuân hàng năm.
GS- TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhận định lễ hội là sự kết hợp hài hòa, sinh động, khéo léo của quan phương với dân gian, của tín ngưỡng với các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, với thiết chế của Nhà nước phong kiến là Nho giáo…
Từ sách cổ thời Lý, đến Việt Điện u linh tập thời Trần, đến Lịch triều hiến chương loại chí sau này mô tả rất kỹ trước đây triều đình đứng ra tổ chức lễ hội này. Từ điện Kính Thiên (Hoàng Thành Thăng Long), trâu đất - biểu hiện cho văn hóa lúa nước, thực hành, sinh kế lúa nước, được rước về đền Bạch Mã, phân phát cho các làng, tổng, thể hiện ước vọng mưa thuận gió hòa.
Đây là một trong những lễ hội sớm nhất, dưới sự chỉ đạo của quan phương, cộng đồng thực hành, không phải tính chất hội làng như lễ hội khác.
Bình luận (0)