Giai thoại lý thú về bưởi Năm Roi
Hiện nay, bưởi Năm Roi là một loại đặc sản nổi tiếng tại Vĩnh Long, được trồng chuyên canh nhiều nhất tại thị xã Bình Minh (diện tích 1.900 ha). Vì sao loại bưởi này lại có tên là "Năm Roi"?. Có nhiều giai thoại thú vị liên quan loại trái cây này.
Theo sách "Văn hóa Vĩnh Long 1732-2000", vào khoảng năm 1960, ông Hội đồng Quy là điền chủ tại chợ Bình Minh. Ngày Tết được ông Tào Kê (người Hoa) tặng cho hai nhánh bưởi giống để trồng, một là giống bưởi Tàu (Trung Quốc), một là giống bưởi Nhật. Khi hai cây này ra quả, Hội đồng Quy nhận thấy giống bưởi Tàu có vị ngon, ngọt; còn giống bưởi Nhật lại lạt, không ngon.
Do đó, ông Hội đồng bỏ giống bưởi Nhật mà nhân thêm giống bưởi Tàu. Lúc bưởi cho trái đợt đầu còn quý hiếm, lại ngon, thì có người làm công vác lúa nào đó lén hái trộm ăn, nên ông Hội đồng rất giận.
Do không ai chịu nhận ăn cắp bưởi, nên ông Hội đồng đánh nhóm vác lúa mỗi người 5 roi. Từ đó, người ta gọi bưởi đó là bưởi Năm Roi. Dần dần, nhiều nhà vườn khác đến xin chiết giống bưởi Năm Roi, nhân rộng ra. Thời đó, bưởi Năm Roi ngon có tiếng, được ưa chuộng, bán có giá hơn cả bưởi Biên Hòa, bưởi Bến Tre.
Người dân Bình Minh còn kể một giai thoại khá hài hước khác. Có một thanh niên đem lòng yêu thương con gái ông chủ vườn ở Bình Minh. Ông này mới trồng được giống bưởi ngon. Một đêm, chàng trai hẹn với cô gái ra ngoài vườn để tâm sự.
Nhiều cơ sở và doanh nghiệp xây dựng vùng trồng bưởi Năm Roi đạt chuẩn
Nhưng chẳng may, khi anh chàng này lò dò tìm cô gái trong vườn, thì gặp ông chủ vườn. Anh thà nhận đại là nghe nói bưởi ngon, nên định vào vườn hái trộm còn hơn là để ông chủ vườn biết là có hẹn với con gái ông, thì sau này sẽ không hy vọng ông gả con gái.
Do đó, anh chàng bị ông chủ vườn phạt đánh 5 roi vì tội hái trộm bưởi. Nghe chuyện, dân gian đặt tên bưởi là "Năm Roi", như câu ca dao địa phương": Thà rằng nhận bưởi Năm Roi/Còn hơn anh ở vậy lẻ loi một mình.
Còn có một lý giải khác về tên gọi bưởi Năm Roi. Theo sách "Lịch sử Đảng bộ huyện Bình Minh, 1930- 1975" thì vào khoảng năm 1919, tại nhà ông Bùi Văn Hồi (tức thầy Bùi Biện Hồi) ở xã Mỹ Thuận, một hôm ông làm lễ thất tuần cho mẹ, có mời bà con, họ hàng, thân bằng quyến thuộc và các hương chức trong làng tới dự lễ cúng, có đưa các món ngon vật lạ.
Trong đó, có một mâm 10 trái bưởi. Khi ăn thấy ngon, ít hột nên ông cho gia nhân ươn hột để trồng. Tuy nhiên, do kỹ thuật trồng kém nên 6-7 năm sau mới cho trái. Trái bưởi này càng lớn thì màu xanh càng mơn mởn, phía trên cuống có núm hơi nhạt trông rất đẹp. Ông dặn để bưởi thật chín mới hái cho cả nhà cùng ăn và biếu họ hàng, gia nhân nào làm mất một trái sẽ bị đánh 5 roi. Từ đó, kêu là bưởi "Năm Roi".
Đến năm 1932, ông Phan Khắc Sửu Sức, kỹ sư nông học từ Pháp về mới canh tân, cải biến trồng trọt chiết nhánh bưởi trồng. Thế là sau đó, giống bưởi Năm Roi được nhân rộng, trồng khắp đất vườn vùng Bình Minh tiếng tăm vang xa.
Ông Ngô Tùng Dũng, Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh, thông tin: "Trong số 1.900 ha trồng bưởi Năm Roi của địa phương, thì có 50 ha sản xuất đạt chứng nhận Global GAP và 200 ha đạt chứng nhận VietGAP. Bưởi Năm Roi được nhiều cơ sở và doanh nghiệp xây dựng đạt chứng nhận OCOP, đồng thời việc mở rộng kênh tiêu thụ, xúc tiến thương mại sẽ giúp trái cây đặc sản này khẳng định vị thế trên thị trường".
Dừa sáp có mặt hơn 100 năm
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, vào năm 1924, sau khi hoàn thành khóa tu học tại nước ngoài, Hòa thượng Thạch Sô nhận được lời mời từ Ban Quản trị và Phật tử chùa Chợ (khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè) về làm hòa thượng.
Trong chuyến về, Hòa thượng Thạch Sô mang theo 2 cây dừa sáp về trồng tại chùa Chợ. Đây là lần đầu tiên mầm cây dừa sáp được trồng tại Việt Nam.
Sau một thời gian, cây dừa cho trái và may mắn là 2 cây đều cho ra trái dừa sáp. Do đột biến gien và có thể vì điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết vùng đất Cầu Kè phù hợp đã khiến cây dừa cho trái sáp đặc biệt, trở thành một đặc sản nổi tiếng chỉ có ở Trà Vinh.
Khi các Phật tử biết điều này đã truyền tai nhau và xin giống về trồng, đầu tiên là gia đình ông Vanh - ngụ ấp Chông Nô 1, xã Hòa Tân; gia đình thứ 2 là hộ ông Đuôn - ngụ ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân. Trong 2 gia đình chỉ có một gia đình trồng ra trái dừa sáp.
Theo Hòa thượng Thạch Dung, sư cả chùa Chợ, cây dừa sáp "tổ" sống đến năm 1996, năm nào cũng cho nhiều trái. Lúc này, cây đã cao hơn 20 m vượt lên hẳn những tán cây xung quanh nên đã bị một trận gió lớn xô gãy.
Để tưởng niệm, "di thể" của gốc dừa sáp đầu tiên ở Việt Nam được các sư chùa Chợ mặc áo cà sa, để vào tủ kính rồi đặt lên bàn thờ. Tỉnh Trà Vinh cũng xây dựng Bảo tàng Dừa sáp (toạ lạc tại xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè), được khánh thành vào ngày 13-12-2024. Bảo tàng được xây dựng với tổng nguồn vốn đầu tư trên 20 tỉ đồng, trên diện tích xây dựng gần 1.500m2.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, cho biết diện tích trồng dừa sáp toàn tỉnh tăng qua từng năm. Nếu như năm 2005 diện tích trồng dừa sáp là 43 ha thì năm 2024 tăng lên 1.277,6 ha (tương đương 250.000 cây dừa). Dừa sáp được trồng nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (1.145,7 ha) và rải rác tại huyện Tiểu Cần, Càng Long, Trà Cú…
Dừa sáp có giá cao gấp 10 lần dừa thường, dao động 70.000 - 120.000 đồng/trái, tùy chất lượng và trọng lượng trái. Dừa sáp đang rất được thị trường ưa chuộng do hương vị thơm ngon và có giá trị kinh tế rất cao. Thu nhập bình quân 1 ha khi dừa cho trái ổn định khoảng 320 triệu đồng đối với dừa sáp thường và 770 triệu đồng đối với dừa sáp nuôi cấy phôi. Lợi nhuận bình quân đạt lần lượt là 270 triệu và 700 triệu đồng/ha.
Bình luận (0)