Ngày 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự và có bài phát biểu đặc biệt tại phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới được tổ chức tại TP Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh - Trung Quốc (WEF Đại Liên 2024).
Với chủ đề "Những chân trời tăng trưởng mới", WEF Đại Liên 2024 thu hút sự tham dự đông đảo nhất trong số 15 lần hội nghị được tổ chức tại Trung Quốc, với hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, tổ chức quốc tế, học giả, các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của WEF.
Tại hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhấn mạnh nước chủ nhà tiếp tục ưu tiên phát triển công nghệ cao để tạo động lực mới cho tăng trưởng, kêu gọi thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, liên kết các nghiên cứu và tăng cường hợp tác khoa học - công nghệ.
Trong khi đó, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chia sẻ công thức thành công để đưa nền kinh tế đất nước trở thành nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh trong Liên minh châu Âu (EU) nhờ vào các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, tận dụng vị trí địa lý thuận lợi là trung tâm của châu Âu để kết nối với châu Á, thúc đẩy quá trình kết nối kinh tế giữa EU và châu Á.
Giới thiệu Thủ tướng Việt Nam phát biểu, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tàu tăng trưởng của khu vực.
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chia sẻ nhận định sâu sắc về những đặc điểm nổi bật của kinh tế thế giới, các yếu tố chủ đạo ảnh hưởng tới thế giới hiện nay. Từ đó, chỉ ra 3 lĩnh vực tiên phong định hình thế giới tương lai: Phát triển kinh tế số; kinh tế xanh, tuần hoàn; nguồn nhân lực chất lượng cao, trí tuệ nhân tạo và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ câu chuyện của Việt Nam với những từ khóa then chốt: Đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Để hướng tới "Những chân trời tăng trưởng mới", Việt Nam đề nghị WEF, các đối tác và cộng đồng doanh nghiệp tăng cường hơn nữa tư vấn, chia sẻ, hỗ trợ, thúc đẩy hợp tác công tư; phát huy vai trò của những nhà tiên phong trong dẫn dắt sự phát triển; giúp đỡ các nước đang phát triển, các nước nghèo.
Đặc biệt là trong 3 lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia; giúp đỡ, hỗ trợ nguồn lực, tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược (hạ tầng giao thông, hạ tầng số, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục…); chuyển giao công nghệ tiên tiến và ưu tiên cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
"Việt Nam đề nghị tăng cường hợp tác quốc tế trong xây dựng, hoạch định và thực thi chính sách trên phạm vi khu vực và toàn cầu. Ưu tiên cho tăng trưởng, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong điều hành chính sách tiền tệ; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ tự do hóa thương mại, đầu tư; qua đó vừa góp phần kích thích tổng cầu trong ngắn hạn vừa tác động tích cực đến tổng cung trong trung và dài hạn" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu tại phiên thảo luận với các nhà lãnh đạo (IGWEL) về "Hợp tác để hướng tới tăng trưởng kinh tế".
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 giải pháp ưu tiên bao gồm: Xây dựng, đổi mới hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu theo hướng hiệu quả, minh bạch, bao trùm; xây dựng khuôn khổ phối hợp chính sách vĩ mô; thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hợp tác huy động nguồn lực cho phát triển; chú trọng thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Chiều 25-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự, phát biểu tại tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của WEF, với chủ đề "Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo tại các nước đang phát triển".
Gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Ba Lan vào Việt Nam như máy móc, tàu biển... Thủ tướng đề nghị thúc đẩy sớm ký kết Thỏa thuận vay cho dự án đóng mới 6 tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ mà Chính phủ Ba Lan đã cam kết cấp tín dụng ưu đãi cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực đào tạo cơ bản, đóng tàu...
Tổng thống Andrzej Duda mong Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Ba Lan xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác trong lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, du lịch…
Bình luận (0)