Dựng tượng vợ trong nhà
Một người đàn ông Ấn Độ tên Tapas Sandilya đã mất đi người vợ chung sống với mình trong 39 năm do bệnh COVID-19 hồi năm 2021.
Sau đó, ông Sandilya (65 tuổi, sống tại Kaikhali, bang Tây Bengal) bỏ ra 3.000 USD để đặt làm bức tượng bằng silicon giống hệt bà và để tác phẩm này trong phòng khách. Bức tượng nặng khoảng 30 kg và mất 6 tháng để hoàn tất.
Người thân đã khuyên ông không nên tưởng nhớ vợ theo cách như thế nhưng ông lập luận nếu người ta có thể giữ lại hình người yêu thương đã khuất thì tạo sao lại không làm thế với bức tượng.
Ông Sandilya cho tờ The Times of India (Ấn Độ) biết vài năm trước ông cùng vợ đến thăm một ngôi đền Hindu và thấy một bức tượng giống như người thật. Khi đó, người vợ nói bà muốn có một bức tượng như thế nếu qua đời trước ông.
Để hoàn thành tâm nguyện trên, ông đã lên mạng tìm kiếm người có thể làm ra được bức tượng giống hệt vợ mình. Tác giả bức tượng cho biết một trong những thách thức của dự án là phải dùng các tấm ảnh cũ để tạo ra hình ảnh 3D của khuôn mặt với biểu cảm trông như thật.
Sống như loài chó
Tại Nhật Bản, một người đàn ông có tài khoản mạng xã hội X (trước đây là Twitter) tên Toco đã chi hai triệu yen (gần 329 triệu đồng) cho một bộ trang phục giả chó collie để có thể được "sống như loài chó".
Người này đã đăng tải các video về bộ dạng mình trong trang phục chó collie lên mạng xã hội X, thu hút sự chú ý của nhiều người. Là công ty tạo ra trang phục lạ thường nói trên, Zeppet cho biết phải mất khoảng 40 ngày để làm ra nó.
Trong khi đó, hình ảnh hai chủ chó Alaska trong trang phục truyền thống của người Java (Indonesia) đã bị chỉ trích mạnh mẽ.
Hai chú chó này tham dự một đám cưới giả ở thủ đô Jakarta - Indonesia hồi tháng 7-2023 với chi phí lên đến 13.000 USD, dẫn đến làn sóng công kích là phung phí tiền và xúc phạm văn hóa địa phương.
Chủ của hai chú chó trên đã lên tiếng xin lỗi và cho biết họ không cố tình xúc phạm văn hóa Java và Indonesia.
Lời đùa tai hại về MH370
Diễn viên hài Jocelyn Chia (người Mỹ gốc Singapore) trở thành tâm điểm chỉ trích sau khi nói đùa về vụ máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines biến mất vào tháng 3-2014.
Cộng đồng mạng đã chỉ trích cô "vô cảm" sau khi cô đùa về sự an toàn của các máy bay Malaysia tại một câu lạc bộ hài kịch ở TP New York - Mỹ hồi tháng 7-2023.
Cao ủy Singapore tại Kuala Lumpur đã phải lên tiếng xin lỗi người dân Malaysia về vụ việc. Bộ trưởng Ngoại giao của cả hai nước cũng lên án cô.
Cảnh sát Malaysia thậm chí cho biết sẽ nhờ Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) giúp cung cấp thông tin về danh tính và vị trí gần đây nhất của cô.
Giám đốc điều hành "nhiều màu sắc"
Ông Tony Fernandes, Giám đốc điều hành hãng hàng không AirAsia (Malaysia), gây nhiều ngạc nhiên khi ở trần trong một lần họp trực tuyến.
Ông này đã đăng hình mình được mát-xa trong lúc chủ trì cuộc họp lên trang LinkedIn hôm 16-10-2023, thu hút nhiều ý kiến chỉ trích. Họ cho rằng hành vi này là không phù hợp trong lúc làm việc.
Biện hộ cho bức hình trên, ông Fernandes cho biết mình đã có một tuần làm việc căng thẳng và đồng nghiệp đã gợi ý ông nên mát-xa.
Một bức ảnh khác của doanh nhân này cũng nhận được nhiều chú ý trong năm vừa qua. Lần này, ông đăng ảnh mình đang lên máy bay của hãng hàng không đối thủ là Singapore Airlines.
Trong bài viết đăng trên mạng xã hội Instagram hôm 6-12-2023, ông Fernandes giải thích mình phải đi máy bay của đối thủ do không còn chỗ trên máy bay của AirAsia.
Cộng đồng mạng có phản ứng trái chiều. Một số người khen ông chủ hãng hàng không giá rẻ này có suy nghĩ cởi mở. Trong khi đó, một số người cho rằng ngay cả ông cũng không muốn đi máy bay của AirAsia.
Đam mê kỳ lạ
Khi New Zealand tổ chức bình chọn "Loài chim thế kỷ" vào năm ngoái, diễn viên hài người Mỹ John Oliver đã phát động chiến dịch để đưa loài chim ưa thích của mình - puteketeke, một loài chim lặn mào lớn - vào danh sách.
Theo trang The Guardian, loài chim này có đặc tính ăn lông của chúng rồi sau đó nôn ra ngoài để loại bỏ ký sinh trùng.
Ông Oliver cho biết đã phát hiện quy định cuộc bình chọn có lỗ hổng, theo đó bất kỳ ai có địa chỉ email hợp lệ cũng được bỏ phiếu. Vì thế, ông đã cho dựng các biển quảng cáo lớn ngoài trời ở thủ đô Wellington - New Zeaand cũng như tại một số thành phố lớn trên thế giới để thúc giục bỏ phiếu cho chim puteketeke.
Nhờ nỗ lực này, chim puteketeke đã vượt mặt một số đối thủ sừng sỏ, trong đó có cả chim kiwi (biểu tượng của New Zealand) để thắng cuộc bình chọn.
Lùm xùm vì tã bẩn
Vào đầu năm ngoái, Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản đã kêu gọi các nhà trẻ chấm dứt đưa tã đã qua sử dụng cho phụ huynh các bé. Thay vào đó, họ nên bỏ chúng ngay tại nhà trẻ.
Trước đó, một cuộc nghiên cứu cho thấy khoảng 40% nhà trẻ có quy định yêu cầu các bậc phụ huynh mang tã đã qua sử dụng khi đón con về nhà.
Khi được hỏi về lý do, 43% số nhà trẻ có quy định trên cho biết điều này cho phép phụ huynh có thể nắm được tình trạng sức khỏe của con thông qua việc kiểm tra chất thải của bé.
14% cho biết việc thu gom và bỏ tã bẩn là phiền hà. 9% cho biết họ không có kinh phí cho công việc này.
Cuộc khảo sát trên, do Công ty Baby Job tiến hành, đã dẫn đến làn sóng bất bình của nhiều phụ huynh. Họ cho rằng việc nhà trẻ xử lý tại chỗ tã đã qua sử dụng dễ hơn là đưa chúng cho phụ huynh.
Công ty Baby Job sau đó đã trình kiến nghị tập hợp hơn 16.000 chữ ký lên Bộ Y tế và Phúc lợi Nhật Bản.
Bình luận (0)