Ngày 8-3, ngày thứ 4 của phiên tòa xét xử vụ Vạn Thịnh Phát, HĐXX đã thẩm vấn các bị cáo là lãnh đạo các công ty thẩm định giá, nhóm các bị cáo là thành viên đoàn thanh tra, giám sát và nhóm các bị cáo thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP HCM (Cục II).
Nhắm mắt làm ngơ, bao che để nhận tiền
Được thẩm vấn đầu tiên, bị cáo Trần Văn Nhị (cựu Phó Giám đốc Công ty TNHH Hãng kiểm toán và Định giá ATC) cho biết năm 2020, Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB) yêu cầu bị cáo Nhị liên hệ, thỏa thuận với Trần Thị Kim Ngân (cựu Tổng Giám đốc Công ty CP Thẩm định giá Thiên Phú) phát hành 2 chứng thư thẩm định giá. Hai chứng thư này ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng. Bị cáo Nhị khai đã nhận thù lao giới thiệu khoảng 1,3 tỉ đồng.
Các bị cáo Lê Huy Khánh (cựu Giám đốc Công ty Thẩm định Tầm Nhìn Mới), Đỗ Xuân Nam (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản DATC) khai vì công ty gặp khó khăn, vì nể nang, muốn tạo mối quan hệ lâu dài với SCB nên đã làm các chứng thư này. Bị cáo Lê Kiều Trang (cựu Phó Giám đốc Công ty Thẩm định giá Exim) thì cho rằng đã tuân thủ quy định nhưng có sai sót trong nghiệp vụ chuyên môn.
Nhóm các bị cáo phạm tội "Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ" thuộc NHNN Chi nhánh TP HCM và Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP HCM (Cục II) đã có những hành vi sai phạm trong quá trình giám sát và giám sát tăng cường SCB.
Cụ thể báo cáo không trung thực thực trạng tài chính và tình hình hoạt động của SCB với NHNN; báo cáo không đầy đủ các sai phạm tại SCB; chỉnh sửa báo cáo giám sát theo hướng có lợi cho SCB; không chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra tại SCB... Từ đó, bị cáo Nguyễn Văn Dũng (Cục trưởng Cục II, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM) đã nhận 400 triệu đồng và 15.000 USD, gây thiệt hại cho SCB với dư nợ hơn 606.460 tỉ đồng.
Cùng nhóm này, các bị cáo Võ Văn Thuần (Phó Cục trưởng Cục II, Phó Chánh thanh tra NHNN Chi nhánh TP HCM); Nguyễn Tín (Tổ trưởng Tổ giám sát); Nguyễn Thị Phi Loan (Phó Chánh thanh tra phụ trách Thanh tra Giám sát NHNN Chi nhánh TP HCM) thừa nhận hành vi của mình và đã nộp lại tiền khắc phục hậu quả.
Nghỉ việc được cho 20 tỉ đồng
Trước tòa, bị cáo Phạm Thu Phong (cựu Trưởng Ban Kiểm soát SCB) thừa nhận quá trình công tác đã thấy rõ nhiều vấn đề sai phạm của SCB. Thấy không ổn, bị cáo xin bà Trương Mỹ Lan nghỉ việc và đã được bà Lan cho 20 tỉ đồng.
Trả lời câu hỏi vì sao bà Trương Mỹ Lan không phải lãnh đạo SCB mà nghỉ việc phải xin bà Lan, bị cáo Phong nói tất cả những người làm việc ở SCB đều nghĩ bà Lan có quyền hành tại ngân hàng này.
Bị cáo Lưu Quốc Thắng (cựu Trưởng ban kiểm soát SCB) vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bị cáo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội và ủy quyền cho luật sư bào chữa, bảo vệ trước phiên tòa.
Cáo trạng nhận định 2 bị cáo Phạm Thu Phong, Lưu Quốc Thắng đã không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng và nhiệm vụ nên đã không phát hiện, ngăn chặn đối với các sai phạm của SCB trong việc hợp thức hồ sơ cho vay, giải ngân để bị cáo Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho SCB.
Các bị cáo trong đoàn thanh tra thừa nhận biết được nhiều sai phạm tại SCB nhưng đã không kiến nghị vì nghe theo chỉ đạo của cấp trên và được nhận quà, tiền từ ngân hàng này.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Phụng (cựu phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng II, NHNN) khai đã nhận từ Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB) số tiền 20.000 USD, 210 triệu đồng, đồng hồ, túi xách. "Có phải nhận quà và tiền nên bị cáo đã bỏ qua những sai phạm của SCB hay không?" - chủ tọa hỏi. Bị cáo Phụng khóc: "Dạ đúng".
Trong phần thẩm vấn, bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) thừa nhận đã nhận từ Võ Tấn Hoàng Văn tổng cộng 5,2 triệu USD. Số tiền này, bị cáo đem về quê gửi người thân và không chia cho ai. Sau khi bị bắt, bị cáo đã nộp lại toàn bộ.
Ngày 11-3, phiên tòa sẽ tiếp tục.
Bị cáo Chu Lập Cơ gây thiệt hại 9.116 tỉ đồng
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Chu Lập Cơ thừa nhận đã ký các văn bản giúp SCB vượt qua những khó khăn. "Tôi biết việc ký các văn bản này là sai và sau những việc làm này đã gây hậu quả nặng nề, tôi đã trở thành tội phạm. Tôi muốn khắc phục hậu quả" - bị cáo Chu Lập Cơ nói.
Cáo trạng của VKSND Tối cao kết luận bị cáo Chu Lập Cơ đã ký nhiều văn bản để thế chấp tài sản của Công ty Times Square bảo lãnh nợ vay nhằm gia hạn nợ. Bị cáo đã giúp sức cho Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB hơn 9.116 tỉ đồng.
Bình luận (0)