Từ ngày nhà máy trong KCN Đại Đăng (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) chuyển qua huyện Củ Chi (TP HCM), mỗi ngày vợ chồng chị Hồng - công nhân Công ty TNHH TTI - phải chạy xe máy hơn 20 km để tới chỗ làm việc, quãng đường không quá xa nhưng thời gian di chuyển mất khoảng 1 giờ rưỡi. Lý do, đoạn đường Huỳnh Văn Cù (từ ngã năm Phước Kiến, phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) đi qua cầu Phú Cường tiếp giáp với huyện Củ Chi hầu như ngày nào vào giờ cao điểm cũng bị ùn tắc nghiêm trọng.
Nhiều bất cập
Chị Hồng cho biết hầu như ngày nào vợ chồng chị cũng phải tranh thủ dậy thật sớm để đi làm, tránh giờ cao điểm. "Đường thì nhỏ, xe tải trọng lớn chạy ầm ầm khiến tôi ngày nào cũng bị ám ảnh khi đến công ty nhưng do từ Bình Dương qua Củ Chi chỉ có duy nhất đường này nên phải chấp nhận" - chị Hồng ngán ngẩm.
Ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Huỳnh Văn Cù mỗi bên chỉ có một làn đường dành cho ô tô và một làn dành cho xe máy, trong khi lưu lượng xe qua lại rất đông, đặc biệt là xe tải, xe container từ các khu công nghiệp ở Bình Dương hướng đi về Củ Chi và ngược lại, nhất là vào cuối tuần hay các dịp lễ thường kẹt cứng do người lao động sống ở Bình Dương khi về quê ở các tỉnh miền Tây thường chọn tuyến đường này để lưu thông.
Tương tự, tuyến đường ĐT742 nối từ TP Thủ Dầu Một đi qua Khu Công nghiệp VSIP II-A mở rộng, hướng về huyện Phú Giáo đi lên Bình Phước và một số tỉnh Tây Nguyên cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân và doanh nghiệp. Tuyến đường thường xuyên dày đặc xe tải, xe container, xe khách nhưng có đoạn lòng đường chỉ rộng khoảng 7 m nên quá tải, xảy ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc.
Anh Thắng, có con đang học tại Trường THCS Phú Chánh (TP Tân Uyên) than vãn mỗi lần đưa đón con đi học rất vất vả. "Do đường rộng chừng 7-8 m nên mỗi lần có xe tải trọng lớn chạy qua, chúng tôi phải tấp xe máy sát một bên để tránh va chạm xảy ra tai nạn" - anh Thắng nói. Theo anh Thắng, người dân sống trên tuyến đường này mong muốn sớm nâng cấp, mở rộng đường để mọi người an tâm đi lại.
Quốc lộ 51 là tuyến giao thông huyết mạch nối Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. Tuy nhiên, với mật độ lưu lượng xe rất cao 60.500 xe/ngày đêm, gấp 7-8 lần so với thiết kế ban đầu, đồng thời mặt đường chưa được sửa chữa đồng bộ, kịp thời nên hạ tầng tuyến quốc lộ này nhanh chóng xuống cấp.
Anh Hậu (45 tuổi, ngụ TP Biên Hòa) lái xe lâu năm cho hay: "Tài xế chúng tôi lưu thông hằng ngày qua đây nên biết khúc nào, đoạn nào có ổ gà, ổ voi để tránh thì còn đỡ, chỉ tội cho nhiều người từ nơi khác mới đi lần đầu không biết được mà tránh. Do đó, rất nguy hiểm khi họ phanh gấp hay đánh lái để tránh ổ gà".
Cùng tâm trạng, nữ tài xế Hoàng Thanh ngán ngẩm, trước đây đi từ Vũng Tàu lên TP HCM chừng 2,5-3 giờ, nay phải mất 4 -5 giờ vì kẹt xe, ùn tắc, chưa kể đường sá đi như đánh võng.
UBND huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng có văn bản gửi các cơ quan chức năng kiến nghị xử lý những bất cập về hạ tầng trên tuyến Quốc lộ 51. Cụ thể, huyện Long Thành chỉ ra một số vấn đề như: Ùn tắc thường xuyên từ khu vực vòng xoay đường dẫn lên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (xã Long An) đến ngã tư Đô Thành (xã Long Phước); tấm đan bị hư hỏng, sụt lún dọc Quốc lộ 51...
Trông chờ các dự án
Dự án BOT Quốc lộ 51 dừng thu phí từ đầu năm 2023 đến nay nhưng vẫn chưa thể xác lập tài sản công dẫn tới việc chưa thể đại tu toàn diện. Phía tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhiều lần hối thúc Bộ Giao thông Vận tải sớm hoàn tất thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân. Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban An toàn giao thông tỉnh Đồng Nai tiếp tục làm việc với đại diện Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu trong khi chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân thì cần duy tu, sửa chữa đường để bảo đảm an toàn giao thông qua địa bàn.
Theo Khu Quản lý đường bộ IV (Cục Đường bộ Việt Nam), thời gian qua, trên Quốc lộ 51 tồn tại một số hư hỏng như: Nhiều vị trí hằn lún vệt bánh xe, rạn nứt, bong tróc, ổ gà trên tuyến; vạch sơn trên mặt đường mòn mờ nhiều đoạn... Từ giữa tháng 5-2023 đến nay, Khu Quản lý đường bộ IV đã thực hiện bảo dưỡng thường xuyên với công việc sửa chữa, dặm vá "ổ gà", nạo vét rãnh.
Đối với các tuyến đường Huỳnh Văn Cù, ĐT742 ở Bình Dương đều đã có chủ trương đầu tư công trình nâng cấp, mở rộng từ nhiều năm trước nhưng đến nay vẫn còn ì ạch. Cụ thể, dự án nâng cấp, mở rộng đường ĐT742 (đoạn qua TP Thủ Dầu Một và TP Tân Uyên) được triển khai từ năm 2019 đến nay vẫn giậm chân tại chỗ do vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng và bố trí nguồn vốn.
Còn tuyến đường Huỳnh Văn Cù, trước đây UBND tỉnh Bình Dương giao cho chủ đầu tư trạm thu phí cầu Phú Cường nghiên cứu nâng cấp, mở rộng nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất, trong khi theo tìm hiểu của phóng viên, trạm thu phí này chỉ còn khoảng 5 năm nữa là hết hạn thu phí. Tuy nhiên, tin vui cho người dân và doanh nghiệp là dự án xây dựng hầm chui kết hợp cầu vượt tại nút giao ngã năm Phước Kiến đang được thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 1.050 tỉ đồng, đã thu hồi đất đạt 100%.
Hiện Ban Quản lý các dự án giao thông tỉnh đã trình Sở Giao thông Vận tải thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở. Năm 2024, dự án có kế hoạch vốn phải giải ngân là 34,4 tỉ đồng. Riêng dự án cầu vượt sẽ do Tổng Công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư, đến nay đang dừng ở bước khảo sát.
Nhiều vụ việc đáng tiếc, thương tâm
Tuyến Quốc lộ 51 có nhiều loại xe cùng lưu thông hỗn hợp. Vì vậy, đã có nhiều vụ tai nạn do người đi xe máy bị té ngã do mặt đường xấu với những "ổ gà", "ổ voi" nên ô tô đi từ phía sau lên phanh không kịp.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đã yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông phối hợp địa phương có tuyến Quốc lộ 51 đi qua để trao đổi, phân tích nguyên nhân, thời điểm xảy ra tai nạn giao thông, từ đó xây dựng kế hoạch tập trung, cụ thể bố trí lực lượng tuần tra phù hợp, hiệu quả.
Bình luận (0)