Sau sáp nhập với tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, TP Cần Thơ có các địa danh tưởng chừng đơn giản như: Ngã Năm, Ngã Sáu, Ngã Bảy lại chứa đựng cả một câu chuyện lịch sử đầy thú vị về quá trình khai phá và phát triển của vùng đất miền Tây.
1. Ngã Năm
Trước khi sáp nhập, Ngã Năm là một thị xã thuộc tỉnh Sóc Trăng. Vào đầu thế kỷ 20, Ngã Năm là vùng đất hoang vu, những cánh rừng lá dừa nước bạt ngàn, dân cư thưa thớt, đất đai nhiễm mặn, phèn chua.

Sông Ngã Năm đổ về 5 ngã. Nguồn: internet
Thực dân Pháp xem vùng đất này là vùng thám hiểm, nên trong kế hoạch khai thác thuộc địa Đông Dương từ năm 1900 đến năm 1924, Pháp cho đào nhiều kênh lớn nhằm khai thác vùng đất mới và cũng thuận tiện trong việc cai quản, kiểm tra, kiểm soát dân tình.

Chợ nổi Ngã Năm. Ảnh: Hoàng Vũ
Sông Ngã Năm đổ về 5 ngã gồm: Ngã Năm - Long Mỹ, Ngã Năm - Vĩnh Quới, Ngã Năm - Phụng Hiệp, Ngã Năm - Phước Long, Ngã Năm - Phú Lộc, hình thành năm ngã sông và tên gọi Ngã Năm được bắt đầu từ đó.
Huyện Ngã Năm được thành lập từ năm 2003 với thị trấn Ngã Năm là huyện lỵ cùng 7 xã. Thị trấn Ngã Năm cạnh năm ngã sông, bốn bề sông nước hữu tình, nơi đây có chợ nổi Ngã Năm đã tồn tại lâu đời và phát triển không kém chợ nổi Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang cũ), Cái Răng (TP Cần Thơ).
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết thành lập thị xã Ngã Năm. Vừa qua, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thì phường Ngã Năm được thành lập trên cơ sở sáp nhập phường 1, 2 và xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm).
2. Ngã Sáu
Trước đây, Ngã Sáu là một thị trấn thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là nơi giao nhau của 6 dòng kênh: Cái Dầu, Xẻo Chồi, Cái Muồng Nhỏ, Cái Muồng Lớn, Kinh Xáng và Long Thạnh.
Thị trấn Ngã Sáu được thành lập vào ngày 10-7-2001, trên cơ sở điều chỉnh 1.100 ha diện tích tự nhiên và 5.530 nhân khẩu từ xã Đông Phước. Tuy nhiên, ở thời điểm lúc bấy giờ, huyện lỵ huyện Châu Thành đặt tại thị trấn Cái Răng cũ.
Mãi đến năm 2004, TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang được thành lập trên cơ sở chia tách tỉnh Cần Thơ (cũ). Theo đó, một phần các xã Đông Thạnh, Phú An, Đông Phú và thị trấn Cái Răng được điều chỉnh về quận Cái Răng mới thành lập trực thuộc TP Cần Thơ. Phần diện tích còn lại của huyện Châu Thành trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Huyện lỵ huyện Châu Thành cũng từ đó mà di dời về thị trấn Ngã Sáu.
Thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thị trấn Ngã Sáu đã hợp nhất với xã Đông Phú, và thị trấn Mái Dầm để thành lập xã Châu Thành.
3. Ngã Bảy
Địa danh Ngã Bảy hình thành từ cách đây 110 năm, là nơi giao nhau của 7 con sông: Cái Côn, Quản Lộ Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn. Đây là đầu mối giao thông thủy quan trọng ở vùng ĐBSCL.

Phường Ngã Bảy, TP Cần Thơ là tọa lạc tại nơi giao nhau của 7 dòng sông
Ngã Bảy nằm trên tuyến Quốc lộ 1, giữa trung tâm TP Cần Thơ và TP Sóc Trăng với khoảng cách đều nhau, khoảng 30 km. Đây là điểm đầu của tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp kết nối Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau...
Nhắc đến Ngã Bảy, nhiều người sẽ biết đến chợ nổi Ngã Bảy nổi tiếng, không thua kém chợ nổi Cái Răng ở Cần Thơ.
Ngoài ra, địa danh này cũng gắn liền với bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu" của cố soạn giả - NSND Viễn Châu, do NSND Út Trà Ôn ca, với câu hát mà nhiều người dân miền Tây đều quen thuộc: "Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào".

Địa danh Ngã Bảy gắn liền với bài vọng cổ "Tình anh bán chiếu"
Năm 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết thành lập TP Ngã Bảy trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị xã Ngã Bảy.
Vừa qua, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, phường Ngã Bảy được thành lập trên cơ sở sáp nhập từ phường Lái Hiếu, phường Hiệp Thành và phường Ngã Bảy.
Bình luận (0)