Đưa con trai 23 tuổi đến một cơ sở chuyên biệt tại quận 7, TP HCM, chị Ngọc Hồng (48 tuổi) dặn con phải nghe lời thầy cô, luyện tập, sinh hoạt cá nhân và ngủ đúng giờ.
Vui, buồn cùng con
Chị Hồng cho biết lúc con trai được 2 tuổi, chị phát hiện con có những biểu hiện bất thường như không giao tiếp bằng mắt, không lướt mắt. Lúc đó, thông tin về tự kỷ không nhiều, nên chị tự mày mò tìm phương pháp điều trị cho con. Sau khi đưa con đến thăm khám tại bệnh viện thì chị mới biết con mình mắc chứng rối loạn hành vi "hội chứng con vua", rối loạn ngôn ngữ.
Cho đi học thì con quậy quá, vô lớp hay la hét, đập đầu vào tường, thầy cô kêu chị đến rước về. "Khi đó, tôi biết con mắc bệnh nặng nên đưa đi chữa trị khắp nơi. Từ lúc phát hiện con mắc chứng tự kỷ, tôi bỏ làm luôn. Chăm một đứa trẻ bình thường đã khó, huống chi là trẻ tự kỷ. Con ngủ ít thì mẹ phải thức cùng, con bệnh thì mẹ theo hình với bóng. Hơi thở của mình là hơi thở của con" - chị Hồng tâm sự.

Thầy cô Trường Giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc hướng dẫn trẻ tự kỷ tập vận động
Chị Hồng cho biết khi được đưa đến Trường Giáo dục chuyên biệt dục Tuổi Ngọc và được các thầy cô dạy dỗ đúng cách, con chị đã biết đọc chữ, điều này khiến chị vô cùng bất ngờ. "Cháu đã biết chơi trống, biết hát karaoke, trí nhớ cũng cải thiện. Với trẻ, mình phải kiên nhẫn, phải có niềm tin vào con, cho con một sự công bằng. Cha mẹ mở lòng thì con sẽ mở lòng, đừng bao giờ nghĩ con bệnh, mà hãy đối xử như trẻ bình thường. Cha mẹ phải hy sinh mọi thứ từ tiền bạc, thời gian, sự riêng tư của bản thân. Khi cho đi thì sẽ nhận lại, thấy con lớn và khôn ra từng ngày" - chị Ngọc Hồng chia sẻ thêm.
Theo người mẹ này, trẻ dựa dẫm vào cha mẹ là nỗi niềm đau đáu. Càng lớn, con càng trái tính, nên đòi hỏi cha mẹ phải theo sát. Chỉ mong con có thể tự chăm sóc bản thân, để sau này khi cha mẹ không còn thì con vẫn trụ vững, sống được.
Đồng hành suốt đời
Bà Phạm Thị Kim Tâm (SN 1970), Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam, đã miệt mài đồng hành với con trai suốt 23 năm.
Khi con 2 tuổi, thấy khó nuôi, bà không biết mắc bệnh gì, vì thông tin về tự kỷ không nhiều. Lúc đó, qua tài liệu tham khảo của bạn bè từ nước ngoài gửi về, bà lờ mờ hiểu ra căn bệnh này. Mãi đến năm 2005, ở Việt Nam mới có một số bác sĩ hướng dẫn kiến thức về trẻ tự kỷ cho cha mẹ, đồng thời phụ huynh cũng lập nhiều nhóm chia sẻ kinh nghiệm nuôi con. Thời điểm đó, trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ khá hiếm, xin học trường công cũng không xong, nên bà Tâm cùng một số phụ huynh mở lớp để các cháu có thể học chung với nhau.

Cũng theo bà Tâm, với trẻ tự kỷ, cha mẹ phải đi cùng con suốt đời, chấp nhận hy sinh tất cả. Đơn cử như khi có một vết xước nhỏ trên tay, trẻ liên tục cào cấu khiến vết thương lâu lành. Hay khi đi bệnh viện, trẻ không hợp tác nên nhiều trường hợp phải gây mê mới có thể làm răng. Không ít phụ huynh hoang mang, chẳng biết phải làm như thế nào để con tốt hơn. Nỗi lo khác của cha mẹ là tương lai của con, do đó cần trang bị kỹ năng để trẻ có thể thích nghi và hòa nhập với cuộc sống sau này, nhất là khi không còn sự hỗ trợ của cha mẹ.
Giữ lửa nghề
Giáo viên chăm sóc trẻ tự kỷ ngoài kiến thức, sức khỏe và kỹ năng, phải có nhẫn nại, đặc biệt là sự yêu thương để giúp trẻ phát triển tốt hơn. "Nếu không có đam mê thì khó trụ lại với nghề. Không ít trường hợp đến trường thử việc buổi sáng thì buổi chiều xin nghỉ, vì không chịu được áp lực. Trong đó có giáo viên được đào tạo để chăm sóc trẻ đặc biệt" - bà Phạm Thị Kim Tâm chia sẻ.
Tốt nghiệp chuyên ngành tâm lý học Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, đến nay, cô Đỗ Nguyễn Nguyệt Thanh (Trường Giáo dục chuyên biệt Tuổi Ngọc) đã có 10 năm đồng hành với trẻ tự kỷ. "Khi còn là sinh viên, tôi thường đến các cơ sở chăm sóc trẻ tự kỷ và cảm thấy yêu thích công việc này. Những năm đầu làm việc tại trường chuyên biệt, tôi và đồng nghiệp gặp không ít khó khăn. Khi trẻ có biểu hiện không bình thường, người chăm sóc phải hiểu chúng muốn gì, từ đó có biện pháp xử trí phù hợp. Giáo viên cũng chịu áp lực từ phụ huynh vì họ luôn kỳ vọng con phát triển nhanh" - cô Thanh tâm sự.
Nhìn lại hành trình 10 năm đồng hành với trẻ tự kỷ, theo cô Thanh, giáo viên phải giữ sức khỏe để duy trì lửa nghề, đủ kiên nhẫn và tình thương để gắn bó với trẻ. Cô trải lòng: "Một ngày của trẻ ở trường sẽ có các hoạt động như luyện tập thể thao, học cá nhân, đi bơi, học kỹ năng… Trẻ càng lớn thì càng phải có cách chăm sóc, dạy dỗ phù hợp. Mỗi học sinh một tính cách, hành vi khác nhau nên thầy cô phải chịu khó quan sát, đồng hành theo cách khác nhau. Càng đồng hành với trẻ lâu năm sẽ càng thấy thương, thấy yêu. Khi trẻ tiến bộ hơn và không còn học ở trường thì rất nhớ các em".
Thách thức đường dài
Xuất phát từ tình thương đối với trẻ tự kỷ, đến nay, thầy Võ Văn Hóa (SN 1997) đã có 5 năm gắn bó với việc giáo dục, quản lý hành vi của trẻ tự kỷ. "Mỗi trẻ có một hành vi khác nhau, nhiều trẻ có hành vi tự cào cấu mình trở thành thói quen, khi can thiệp cần có thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ tự xâm hại mình, như thời tiết nắng nóng, sấm chớp hoặc cha mẹ thay đổi lộ trình đến trường. Khi trẻ bùng nổ cảm xúc, mình sẽ tìm cách "giảm nhiệt" để trẻ trở về trạng thái bình thường" - thầy Hóa cho biết.
"Việc nhận diện sớm và chính xác dạng chuyên biệt của trẻ là một thách thức, đòi hỏi kiến thức chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tế. Để xây dựng kế hoạch can thiệp phù hợp, giáo viên phải đánh giá toàn diện và khả năng của trẻ. Quá trình này mất nhiều thời gian, công sức và cần có sự phối hợp của nhiều bên, kể cả chuyên gia tâm lý..." - thầy Võ Văn Hóa nhấn mạnh.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)