xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những hy sinh thầm lặng

Nhà văn TRẦM HƯƠNG

Trong buổi họp mặt bàn chuyện làm phim do Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn TP HCM tổ chức vào cuối năm 2023, tôi thật ấn tượng với chuyện kể của các cựu giao liên Sài Gòn - Gia Định một thời máu lửa.

Sự đóng góp của các anh chị thật to lớn mà cũng thật lặng lẽ. Tôi hỏi: "Giao liên Thành Đoàn có gì khác với công tác giao liên của cả chiến trường miền Nam?".

Những chứng nhân góp phần làm nên những trang sử vẻ vang của Thành Đoàn thời chống Mỹ lần lượt giúp tôi hiểu thêm về lực lượng đặc biệt này. Chị Nguyễn Thị Nhị (Mười Tân) bộc bạch: "Tôi sinh ra vùng nông thôn ở Tân Bửu. Cha tham gia kháng chiến, từng bị bắt vào tù. Tôi đi làm cách mạng vì lòng ngưỡng mộ dành cho cô giáo, phải trốn má mà đi…". Chị Đoàn Thị Kim Cúc (Út Hằng) ở Cần Đước, Long An nhớ mãi hình ảnh cha bị khui hầm bí mật, bị địch tra tấn đến chết ngay trước mắt chị. Mới 15 tuổi, chị đã được các anh chị Thành Đoàn đưa đi làm cách mạng... Chị Nguyễn Thị Hương (Năm Nguyện) quê Tân Phú, Đức Hòa, Long An trở thành giao liên cho Thành Đoàn khi mới 16 tuổi. Chị kể: "Tôi đi giao thơ cho chị Năm Trang (Lê Mỹ Lệ - Phó Bí thư Thành Đoàn thời chống Mỹ). Thấy tôi mặc áo bà ba, chân nứt nẻ đi guốc còn dính phèn, chị Năm Trang đăm chiêu một lúc rồi dẫn tôi đi mua áo đầm, đôi giày bít gót. Chị Năm Trang giải thích: "Em tiếp xúc với giới học sinh - sinh viên nên ăn mặc, sinh hoạt cũng phải giống anh chị em. Khác quá không ổn em à. Lời chị Năm nói tôi khắc ghi vào lòng. Làm giao liên phải hòa lẫn mình vào đám đông, phải bình thường, giữ thế hợp pháp mới qua mắt địch được…".

Những hy sinh thầm lặng- Ảnh 1.

Cựu cán bộ Thành Đoàn TP HCM thăm di tích căn cứ Thành Đoàn Bến Cát, Bình Dương ngày 19-10-2023. Bìa trái là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết Ảnh: TRẦM HƯƠNG

Phần lớn những nhân chứng nữ giao liên tôi được gặp xuất thân từ nông thôn, trong những gia đình có truyền thống cách mạng. Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngoại lệ, như chị Chín Trung quê xã Bình Trị Đông được mẹ gửi vào nội thành đi học, hy vọng con gái có một tương lai tươi sáng. Nhưng cô nữ sinh Gia Long lớp đệ ngũ sớm đến với cách mạng bằng cách mang xấp truyền đơn để trên lan can lớp học, nhờ gió thổi bay khắp sân trường... Khi đồng chí Tám Lãnh phụ trách chị bị địch bắt, chị được giao cho chị Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ). Rồi từ ấy, từ công tác giao liên chị chuyển sang công tác xây dựng kho vũ khí ở nội thành cho lực lượng vũ trang Thành Đoàn...

Tại sao lực lượng giao liên phần lớn là thôn nữ? Câu hỏi ấy được các chị trả lời bằng một từ rất giản dị: "Bàn đạp". Đường dây liên lạc từ nội thành ra ngoại thành nhanh chóng được thiết lập là nhờ bàn đạp (còn gọi là các trạm nút). Để chuyển tài liệu từ nội thành ra hậu cứ và ngược lại phải qua những trạm nút. Đứng chân ở những bàn đạp ấy là những nữ giao liên hòa lẫn vào dòng người dòng đời xuôi ngược, lặng lẽ làm nhiệm vụ chuyển thư từ, văn bản chỉ đạo, báo cáo, tài liệu sách báo, vũ khí, phương tiện phục vụ cách mạng. Lực lượng giao liên còn đưa đón cán bộ công tác đô thị ra vào căn cứ học tập, làm việc... Các chị quen với cuộc sống gian khổ, thiếu thốn tiện nghi ở nông thôn, vừa chăm sóc, động viên lực lượng sinh viên - học sinh vào cứ sinh hoạt, học tập.

Khi nghe những nhân chứng giao liên kể chuyện trong buổi họp mặt làm phim về Thành Đoàn thời chống Mỹ, ông Phạm Chánh Trực (Năm Nghị - nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM), một cựu lãnh đạo Thành Đoàn, nói: "Vì công tác giao liên rất quan trọng nên người phụ trách chọn lựa người rất kỹ. Giao liên cần có phẩm chất trung thành, bình tĩnh ứng phó. Không chỉ gan dạ, dũng cảm mà còn phải thông minh, nhạy bén, chủ động xử lý mọi tình huống, khéo léo qua mắt địch…".

Biết được tầm quan trọng của công tác giao liên, địch tìm mọi cách để phá hoại đường dây thầm lặng này. Chúng tổ chức mật vụ săn tìm các đường dây, đón bắt các chiến sĩ giao liên ở những bến xe, những tuyến đường, khám xét người tình nghi. Nhiều nữ chiến sĩ giao liên khi sa vào tay giặc bị tra tấn dã man vì đó cũng chính là đầu mối các cơ quan đầu não và các cơ sở cách mạng. Vượt lên cực hình, tù ngục, mua chuộc, dụ dỗ; hầu hết những chiến sĩ giao liên đều không khai báo, giữ được bí mật đường dây. Có chị bị tra tấn đến chết vẫn giữ vẹn lòng kiên trung đối với cách mạng.

Giữa năm 1969, cơ sở Thành Đoàn bị lộ, chị Nguyễn Thị Nhị sa vào tay địch, bị kêu án treo 1 năm. Do chị chống chào cờ, địch tiếp tục giam giữ chị sau thời hạn kêu án. Năm 1970, chị Mười Tân ra tù, được đưa về căn cứ. Từ căn cứ ở Mỹ Tho, chị ra lộ 4 về căn cứ Sa Đéc. Địch càn quét dữ dội. Thành Đoàn chia ra các liên quận. Chị về quận 6 công tác trong đường dây của chị Năm Trang... Trong một chuyến về căn cứ, chị Nhị bị bắt. Căn cước chị mang tên Nguyễn Thị Loan, quê Lấp Vò. Địch hỏi cung chị: "Lấp Vò ở đâu?". Chị ngơ ngác vì làm giấy tờ giả, Lấp Vò ở đâu chị không thể biết. Chỉ vì không biết Lấp Vò ở đâu mà chị bị tra tấn dữ dội.

Những hy sinh thầm lặng- Ảnh 2.

Ảnh: Nguyễn Linh Giang

Trong số gần 300 liệt sĩ Thành Đoàn hy sinh, có nhiều giao liên nằm lại trong các nhà tù, căn cứ, rừng núi, thung sâu. Với những giao liên Thành Đoàn được sống sót trở về, luôn ghi nhớ căn cứ lòng dân. Chị Đoàn Thị Kim Cúc (Út Hằng) sau ngày hòa bình, cuộc sống khó khăn, con nhỏ vẫn dành thời gian, tiền bạc, công sức đi tìm hài cốt đồng đội. Căn cứ Thành Đoàn với các cán bộ, chiến sĩ Thành Đoàn luôn là vùng đất thiêng. Ở đó, họ mắc nợ tấm lòng của người dân đã một thời cưu mang, che chở cho cách mạng. Từ năm 1984, các cựu lãnh đạo và chiến sĩ Thành Đoàn thành lập Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn để thực hiện những việc làm thiết thực, đền ơn đáp nghĩa như quy tập mộ liệt sĩ, tập hợp danh sách các gia đình và cá nhân có công nuôi chứa cán bộ Thành Đoàn, phụng dưỡng những bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà tình nghĩa cho các gia đình cơ sở, thương binh liệt sĩ.. Từ năm 1988, Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn tổ chức thăm đồng loạt 57 căn cứ trên 12 tỉnh, thành và 24 quận, huyện nội thành của TP HCM, với hàng ngàn suất quà tặng và hàng trăm triệu đồng từ sự đóng góp của những người đang được sống trong hòa bình.

Câu lạc bộ Truyền thống Thành Đoàn năm nay đang rộn ràng chuẩn bị những suất quà Tết về thăm căn cứ năm xưa, trong đó có chuyến về thăm sông Sở Thượng. Tôi háo hức mong cùng đi với các anh chị vì bộ phim tài liệu về giao liên Thành Đoàn không thể thiếu dòng sông mang những kỷ niệm linh thiêng về lòng dân và những người đã ngã xuống cho đất nước.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo