xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Những kịch bản tăng tốc của doanh nghiệp: Bán lẻ, dịch vụ đẩy mạnh kích cầu

Thanh Nhân - Ngọc Ánh

Các doanh nghiệp ngành bán lẻ, dịch vụ đang đua nhau mở rộng hệ thống, mạnh tay kích cầu nhằm thúc đẩy sức mua của người dân

Bán lẻ dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng kinh tế Việt Nam, không chỉ thúc đẩy tiêu dùng nội địa mà còn tạo động lực cho nhiều ngành liên quan như logistics, sản xuất và công nghệ. Trước những thách thức mới cùng sự thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) phải nhanh chóng thay đổi và đầu tư để thích ứng với xu thế mới.

Doanh nghiệp đua nhau mở rộng chuỗi

Năm 2024 và đầu 2025, thị trường bán lẻ Việt Nam ghi nhận sự mở rộng mạnh mẽ từ các DN dẫn đầu. Saigon Co.op liên tục khai trương nhiều điểm bán mới với các mô hình khác nhau ở TP HCM như Co.op Xtra Long Bình (TP Thủ Đức), Co.opMart Phạm Thế Hiển (quận 8) và loạt cửa hàng Co.op Food khác.

Central Retail (Thái Lan) mở 3 trung tâm thương mại GO! Mall tại Hà Nam, Bạc Liêu, Ninh Thuận và siêu thị Tops Market ở Hà Nội. Hệ thống siêu thị mini go! cũng phát triển tại các tỉnh Bình Định, Đồng Tháp, Bình Phước và TP Huế.

Aeon (Nhật Bản) tiếp tục mở rộng với Aeon Huế, Aeon Tạ Quang Bửu (quận 8, TP HCM) và Aeon Xuân Thủy (Hà Nội), đồng thời khởi công dự án siêu thị tại Long An để thu hút khách từ khu vực cửa ngõ TP HCM. Winmart, Winmart+ tăng trưởng mạnh ở cả thành thị lẫn nông thôn, nhờ tập trung vào hàng tươi sống và giá cạnh tranh, dự kiến mở thêm 400-700 cửa hàng.

Trong khi đó, Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Điện Máy Xanh, Thegioididong.com, Bách Hóa Xanh…) vừa công bố định hướng kinh doanh năm nay. Theo đó, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng với doanh thu thuần 150.000 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.850 tỉ đồng - tăng lần lượt 12% và 30% so với năm trước.

Lãnh đạo Thế Giới Di Động kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tích cực hơn trong năm nay nhưng e ngại những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng đến sức mua và niềm tin tiêu dùng ở thị trường nội địa. Tuy nhiên, công ty tự tin có thể thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và cải thiện lợi nhuận mạnh mẽ bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, công ty dự kiến mở thêm 200-400 cửa hàng Bách Hóa Xanh ở những vùng đang kinh doanh và các tỉnh, thành miền Trung.

Nhìn chung, các nhà bán lẻ đang đẩy mạnh mô hình quy mô nhỏ, gần khu dân cư, nhằm phục vụ nhanh nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Xu hướng này xuất phát từ sự thay đổi thói quen mua sắm của người dân trong 2-3 năm gần đây.

Người tiêu dùng vẫn trong xu hướng ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu, hàng có khuyến mạiẢnh: Thanh Nhân

Người tiêu dùng vẫn trong xu hướng ưu tiên mua sắm hàng thiết yếu, hàng có khuyến mạiẢnh: Thanh Nhân

Thị trường hấp dẫn

Các nhà bán lẻ nhỏ hơn cũng khá tự tin với thị trường năm 2025. Bà Ngô Bích Quyên, Giám đốc Điều hành Công ty CP Vạn Sơn Thịnh Phát (sở hữu thương hiệu bán lẻ Organicfood), cho biết công ty đề ra mục tiêu doanh số 20 tỉ đồng trong năm nay, tăng 30% so với năm 2024.

Là đơn vị chuyên về thực phẩm hữu cơ, giải pháp được Organicfood đưa ra là tiềm kiếm thêm nguồn thu mới từ việc đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng diện tích kinh doanh. "Do kinh tế khó khăn, nhiều gia đình chỉ có thể chọn thực phẩm hữu cơ cho sản phụ và trẻ nhỏ, còn gia đình chỉ cần thực phẩm an toàn là được. Họ muốn được mua tất cả sản phẩm tại một nơi nên chúng tôi sẽ phục vụ họ" - bà Quyên tiết lộ.

Thị trường nội địa đang hấp dẫn nhiều DN chuyên xuất khẩu tham gia khi sức mua và khả năng chi trả ngày càng tốt. Bà Nguyễn Thị Hồng Thu, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre), cho biết với nhiều năm xuất khẩu trái cây tươi, trái cây đông lạnh, bà quyết định mở thêm mảng nội địa khi nhận thấy nhu cầu cao. DN này chọn xây kênh trên TikTok, hợp tác với nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng trên mạng xã hội để livestream và hợp tác với hệ thống bán lẻ thực phẩm cao cấp tiếp cận người tiêu dùng trong nước.

Bà Nguyễn Thị Thúy Phượng, Viện trưởng Viện Ứng dụng Khoa học công nghệ và Đào tạo MEKONG, thông tin đang có kế hoạch đưa nông dân lên siêu thị livestream và kể chuyện sản phẩm. Đây là hoạt động "kích cầu", tạo đầu ra cho nông sản trong năm nay mà đơn vị này thực hiện. Trước đó, MEKONG đã phối hợp cùng các bên tổ chức các khóa bán hàng livestream cho nông dân để "kéo chợ về vườn" theo ý tưởng của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan.

Theo khảo sát về nhu cầu tiêu dùng năm 2025 của NielsenIQ, người tiêu dùng sẽ chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và hàng gia dụng, với mức tăng lần lượt 21,3% và 12,2%. Trong khi đó, chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ giảm 21%. Áp lực kinh tế như lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao đã khiến 50% người tiêu dùng Việt Nam chỉ đủ khả năng chi tiêu cho thực phẩm và các nhu yếu phẩm cơ bản.

Ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market, nhận xét người tiêu dùng vẫn trong xu hướng tìm kiếm các ưu đãi, giảm giá và sự tiện lợi trong thanh toán. Vì vậy, năm 2025, DN tiếp tục dồn ngân sách cho các chương trình giảm giá khuyến mãi trực tiếp trên hàng hóa, giảm chi phí cho các hoạt động marketing, truyền thông.

"Tỉ lệ hàng hóa khuyến mãi tăng cao kỷ lục trong giỏ hàng khách mua sắm trong Tết Nguyên đán vừa rồi phản ánh rõ xu hướng và lựa chọn tiêu dùng. DN buộc phải theo đó để có chiến lược thu hút khách" - ông Khôi diễn giải.

Theo các chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, trên 2 con số. Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều giữa các ngành hàng. Các mặt hàng thiết yếu tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng, trong khi các sản phẩm xa xỉ và công nghệ ghi nhận áp lực giảm sút.

Để cạnh tranh, nhà bán lẻ cần tập trung vào trải nghiệm mua sắm theo hướng tạo ra những không gian mua sắm thú vị và dễ tiếp cận, cả trực tiếp tại cửa hàng và trực tuyến; sử dụng công nghệ như thực tế ảo để khách hàng có thể trải nghiệm sản phẩm ngay tại nhà; nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Quan trọng là phải tạo dựng được lòng tin với khách hàng thông qua các chiến dịch marketing hiệu quả và xây dựng mối quan hệ bền vững.

Ngoài ra, DN cần nghiên cứu và phát triển các chiến lược nhắm đến những nhóm khách hàng cụ thể, hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của từng phân khúc để đưa ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp. Việc thực hiện đồng bộ các chiến lược này sẽ giúp DN bán lẻ tăng cường khả năng cạnh tranh, tạo ra sự khác biệt và phát triển bền vững. DN còn cần phải tăng cường chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng… 

(Còn tiếp)

Bán lẻ hiện đại tiếp tục tăng mạnh

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, cho biết cơ cấu bán lẻ đang dịch chuyển từ truyền thống sang hiện đại.

Ông Đức dự báo bán lẻ hiện đại sẽ tiếp tục mở rộng, đặc biệt với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà bán lẻ nước ngoài, hiện chiếm 2/3 thị phần. Họ mở rộng bằng cách đầu tư trực tiếp hoặc thâu tóm, góp vốn vào các chuỗi bán lẻ nội địa. Sự hiện diện của các nhà bán lẻ ngoại giúp thị trường phát triển, tiệm cận quốc tế nhưng cũng tạo sức ép lớn lên DN trong nước.


Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo