Trong những người đặt nền móng cho TP HCM phát triển, dấu ấn của các lãnh đạo Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Võ Trần Chí... rất sâu đậm
Không tự "đóng đinh" theo sách vở
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1922-2008) được nhân dân yêu mến gọi với tên thân thương "chú Sáu Dân", "Chủ tịch gạo", "Bí thư phá rào".
Khi giữ cương vị Chủ tịch UBND TP HCM rồi Bí thư Thành ủy TP HCM, ông Võ Văn Kiệt đã cùng lãnh đạo thành phố lựa chọn quyết sách phù hợp với tình hình thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn, đưa TP HCM dần đi vào ổn định để sau đó trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.

Bí thư Thành ủy TP HCM Võ Văn Kiệt thăm và kiểm tra hoạt động sản xuất của Công ty Dệt Việt Thắng, ngày 1-4 -1977 .Ảnh: TƯ LIỆU
Theo PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TP HCM, sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, TP HCM gánh chịu hậu quả hết sức nặng nề về kinh tế, văn hóa, xã hội. Bữa cơm của người dân phải độn bo bo, khoai sắn; nhiều công nhân bỏ nhà máy, xí nghiệp; giáo viên rời trường học...
Cả Thành ủy TP HCM khi ấy, đứng đầu là Bí thư Võ Văn Kiệt đều phải lo "chạy gạo" cho dân. Ngoài việc giao các cá nhân, đơn vị xuống ĐBSCL mua lúa, xác định vấn đề cơ bản là phát triển công nghiệp, thương mại vốn là thế mạnh, ông Võ Văn Kiệt đã thành lập "Câu lạc bộ giám đốc" để lắng nghe ý kiến tâm huyết của lãnh đạo nhiều xí nghiệp, từ đó có giải pháp hiệu quả, hình thành tư duy đổi mới.

Những cá nhân xuất sắc đã góp công lớn vào sự phát triển, thịnh vượng của TP HCM Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bản thân ông Võ Văn Kiệt thường xuyên đến tìm hiểu thực tiễn tại các xí nghiệp, cùng trao đổi với công nhân, người trực tiếp lao động. Ông đã chỉ đạo cho phép làm theo sáng kiến, sáng tạo của nhiều công nhân, giám đốc.
Những chủ trương, chính sách do ông Võ Văn Kiệt tổ chức nghiên cứu từ thực tiễn TP HCM được thí điểm, tổng kết đã trở thành căn cứ quan trọng, góp phần hình thành tư duy, đường lối đổi mới.
"Nhiều người gần gũi với đồng chí Võ Văn Kiệt và tôi cũng đã từng chứng kiến chú Sáu Dân không thích lý luận theo kiểu sách vở, không "đóng đinh", tự khép vào bất cứ một lý luận nào nhưng hoàn toàn tôn trọng khoa học, không coi thường lý luận…" - ông Phan Xuân Biên nhớ lại. Theo ông, "ấn tượng Võ Văn Kiệt" trong lòng mọi người là một con người hành động "khí khái, chí lớn".
Quyết định táo bạo
Khi ông Võ Văn Kiệt ra Trung ương nhận nhiệm vụ mới, ông Nguyễn Văn Linh (1915-1998) lần thứ 2 về TP HCM làm Bí thư Thành ủy. Từ năm 1981 đến 1986, ông tiếp tục dẫn dắt thành phố tháo gỡ khó khăn. Ông đã "bật đèn xanh" cho TP HCM "xé rào" đổi mới với quyết định được xem là táo bạo lúc bấy giờ khi xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, thí điểm đổi mới quản lý kinh tế ở một số doanh nghiệp nhà nước. Đây là những bước đột phá đầu tiên trên con đường xóa bỏ cơ chế quản lý cũ.
Với tư duy "thực tiễn là ông thầy kiểm nghiệm thực tế nhất", Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Linh đã mời lãnh đạo Trung ương về khảo sát tại các nhà máy, tạo nên sức thuyết phục rất lớn về sự đổi mới của TP HCM với lãnh đạo Trung ương.
Ý tưởng và cách làm của ông Nguyễn Văn Linh cùng Đảng bộ TP HCM được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị lắng nghe, ủng hộ, gắn với nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn chung của Đảng. Sau đó, lãnh đạo Trung ương có những quyết định quan trọng.
Đến tháng 6-1985, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tám khóa V đã ra Nghị quyết chính thức xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, chuyển sang hạch toán, kinh doanh..., bắt đầu từ việc thay đổi chính sách về giá cả, tiền lương và tiền tệ.
Khởi tạo nhiều công trình ý nghĩa
Nhiều năm giữ vai trò là người đứng đầu Đảng bộ TP HCM, ông Võ Trần Chí (1927-2011) góp phần lớn vào tiến trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng.
Nhắc đến ông, nhiều thế hệ lãnh đạo, cán bộ TP HCM vẫn nhớ đến quyết định táo bạo về chủ trương nhập vàng bằng đường hàng không để ngăn chặn nạn tư thương độc chiếm và gây nhiễu thị trường. Từ đó, Công ty Vàng bạc - Đá quý TP HCM (SJC) ra đời.
Trước tình hình hệ thống hợp tác xã mua bán trên địa bàn TP HCM hoạt động kém hiệu quả, ông Võ Trần Chí kiên quyết bảo vệ sự tồn tại của Hợp tác xã Mua bán thành phố; yêu cầu phải củng cố, kiện toàn bộ máy, chuyển đổi mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể của thành phố. Từ đó, Hợp tác xã Mua bán TP HCM đã chuyển đổi thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (SaiGon Co.op) và phát triển mạnh mẽ như hôm nay.
Trong suốt thời gian lãnh đạo TP HCM, ông Võ Trần Chí đã dành thời gian lắng nghe tâm tư, ý kiến trao đổi của các nhân sĩ, trí thức. Từ đó, động viên, khuyến khích và nghiên cứu để cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy đề ra các chủ trương của thành phố hoặc kiến nghị với Trung ương, Chính phủ về đổi mới.
Trong đó, có thể kể đến chủ trương, chính sách về giá - lương - tiền, cải tổ hệ thống ngân hàng, hoạt động ngoại thương; thành lập khu chế xuất đầu tiên tại TP HCM và cả nước (Khu Chế xuất Tân Thuận); đặt nền móng phát triển Đô thị Công nghiệp Cảng Hiệp Phước.
Ông Võ Trần Chí còn dành tâm huyết cho việc nghiên cứu, đầu tư, xây dựng nhiều công trình có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, như xây dựng Khu Tưởng niệm Đền Liệt sĩ Bến Dược ở Củ Chi, Đền Tưởng niệm các Vua Hùng ở Thủ Đức, công trình "Lịch sử Đảng bộ TP HCM 1930 - 1975"...
(Còn tiếp)
Khiêm tốn, nhân ái, nghĩa tình
Trong điếu văn tiễn biệt ông Võ Trần Chí, ông Lê Hồng Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - cảm nhận: Suốt cuộc đời hoạt động, dù ở cương vị nào, hoàn cảnh nào, ông Võ Trần Chí cũng luôn tỏ rõ phẩm chất, bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo của mình; bám sát thực tiễn, nhiệt tình, lạc quan vượt qua khó khăn, hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Theo ông Lê Hồng Anh, ông Võ Trần Chí có tác phong gần gũi, ham học hỏi, tính cách bình dị, cởi mở, nghiêm túc mà khoan dung, khách quan và trung thực, khiêm tốn lắng nghe và thương yêu đồng chí, đồng đội, nhân ái, nghĩa tình với đồng bào.
Bước ngoặt
Năm 1986, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng đã quyết định đường lối đổi mới.
Đảng quyết định tập trung đổi mới kinh tế với chính sách phát triển nhiều thành phần kinh tế trong suốt thời kỳ quá độ; xóa bỏ cơ chế quản lý tập trung quan liêu, hành chính, bao cấp, chú trọng hạch toán kinh tế, kết hợp đúng đắn kế hoạch hóa với cơ chế thị trường.
Cùng với đó, tập trung thực hiện chương trình sản xuất lương thực, thực phẩm, chương trình hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; đổi mới các chính sách xã hội, chăm lo lợi ích và cuộc sống của người lao động...
Đổi mới sự lãnh đạo, phong cách công tác của Đảng và quản lý của Nhà nước; nâng cao năng lực quản lý đất nước, xã hội bằng pháp luật... là một trong những nội dung quan trọng được Đại hội xác định.
Đại hội VI của Đảng đã bầu ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư. Với tầm tư duy chiến lược nhạy bén, vận dụng lý luận vào thực tiễn một cách nhuần nhuyễn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu ra và kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc. Đó là đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bình luận (0)