Công việc bắt muỗi Anophen (loài muỗi truyền ký sinh trùng gây bệnh sốt rét) diễn ra định kỳ 2 lần mỗi tháng. Địa điểm bắt muỗi được lựa chọn dựa trên các chỉ dẫn về dịch tễ của Bộ Y tế. Huyện Cần Giờ và Nhà Bè (TP HCM) là hai địa phương có lịch sử đã từng xuất hiện bệnh sốt rét và hiện nay vẫn được theo dõi, giám sát định kỳ.
Công việc thầm lặng, ý nghĩa
Một ngày cuối tháng 3-2025, chúng tôi theo chân các nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) bắt đầu hành trình… "săn muỗi".
Họ mang theo nhiều túi to, túi nhỏ lỉnh kỉnh dụng cụ phục vụ cho việc bắt muỗi như đèn pin, đèn nhử, lam lấy mẫu, ống nghiệm thủy tinh…
18 giờ 30 phút, nhóm bắt đầu di chuyển đến các điểm "săn muỗi". Đầu tiên là chuồng bò của một nhà dân ở xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ. Các nhân viên y tế đi quanh chuồng gia súc để tìm những ngóc ngách tối tăm, nơi muỗi trú ngụ. Mỗi người một góc, họ xắn ống quần đến đầu gối, đưa đôi chân trần ra phía trước và chờ đợi. Trong bóng tối, không ai nói chuyện hoặc cử động, chỉ có tiếng muỗi vo ve liên hồi và ánh đèn pin lập lòe.
Gắn bó công việc này hơn 10 năm, anh Trần Đăng Khoa (46 tuổi, thành viên của nhóm), cho biết khu vực này rất nhiều muỗi, có hôm nhóm bắt được 50-60 con. "Không chỉ có muỗi Anophen mà còn có vô số các loại muỗi khác cắn rất đau. Khi tác nghiệp ở bìa rừng thì phải hết sức cẩn thận đề phòng rắn, rết. Muỗi bắt được phải còn sống, không gãy chân, gãy cánh để định loại chính xác và phân tích mẫu khi cần" - anh Khoa chia sẻ.
Còn với chị Trần Thúy Loan (25 tuổi), công việc này đến với chị như một cái duyên, từ tò mò xin đi thử cho biết rồi đam mê lúc nào không hay. Chị Loan tâm sự: "Thời gian đầu, ba mẹ tôi rất lo khi con gái làm công việc mang tính rủi ro. Nhưng càng làm, tôi càng yêu công việc này. Nó không chỉ giúp mình có cơ hội làm việc đúng chuyên môn mà còn có ích cho cộng đồng".

Anh Trần Đăng Khoa và chị Trần Thúy Loan “săn lùng” muỗi Anophen trong đêm ở huyện Nhà Bè. Ảnh: DUY PHÚ
Kiểm soát nguồn lây bệnh
Theo ông Mai Xuân Phán, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm cấp tính - HCDC, phương pháp dùng cơ thể người bắt muỗi được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống sốt rét. Người bắt muỗi phải để lộ các phần cơ thể nhằm dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, chích hút máu để bắt, bởi thứ thu hút chúng là nhiệt độ và mùi cơ thể. Vì yêu cầu này mà người làm nghề không được sử dụng xà phòng thơm hoặc bôi dầu trước khi bắt tay vào việc.
Trước khi làm nghề, người làm mồi được tập huấn phương pháp nhận diện, thao tác bắt muỗi và cách tự bảo vệ để tránh bị muỗi đốt, tránh nhiễm bệnh.
Mỗi đêm, nhóm bắt được trung bình 20-50 con, nhưng cũng có đêm không bắt được con nào, tùy theo thời tiết và khu vực. "Giám sát muỗi thường xuyên giúp chúng ta có thông tin chuẩn xác, từ đó dự báo nguy cơ và kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó khi có tình huống phát sinh có thể làm dịch bệnh bùng phát" - ông Phán nói.
Muỗi sau khi bắt về sẽ được xác định thành phần loài, tính mật độ muỗi để phục vụ giám sát, điều tra, hoặc dùng thử nghiệm sinh học, xác định mức nhạy cảm của muỗi đối với hóa chất và đánh giá hiệu lực diệt tồn lưu của hóa chất.
Cần chính sách hỗ trợ thỏa đáng
Dù đóng vai trò quan trọng trong y tế dự phòng, nhưng chế độ chính sách cho người bắt muỗi chưa được quan tâm đúng mức. Trước đây, họ được hỗ trợ 130.000 đồng/người/đêm theo Thông tư 26/2018 của Bộ Tài chính, nhưng khi thông tư hết hiệu lực thì khoản hỗ trợ cũng bị cắt. Tháng 9-2023, HĐND TP HCM thông qua nghị quyết duy trì mức hỗ trợ này, nhưng chỉ áp dụng cho người thực hiện hợp đồng dịch vụ. Trong khi đó, nhân viên chính thức của HCDC - những người thường xuyên đi bắt muỗi - không được hưởng vì công việc này được coi là nhiệm vụ.
Anh Trần Đăng Khoa chia sẻ: "Dù đêm hôm trước có đi săn muỗi thì sáng hôm sau chúng tôi vẫn phải đi làm. Đối với chúng tôi, đây không chỉ là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm với cộng đồng".
Theo HCDC, từ năm 2020, TP HCM được công nhận đã loại trừ sốt rét. Đến năm 2023, thành phố vẫn duy trì thành quả này, trở thành 1 trong 46 tỉnh, thành được công nhận loại trừ sốt rét. Thành công đó không chỉ nhờ vào sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành và cộng đồng, mà còn có sự đóng góp thầm lặng của những nhân viên bắt muỗi đêm.
Bình luận (0)