Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), cho biết trên chặng đường từ con số 0 vươn lên thành thương hiệu sữa lớn thứ 6 toàn cầu và đứng thứ 36 thế giới về doanh thu, mỗi cột mốc của Vinamilk đều song hành với những bước chuyển mình của TP HCM.
Đi lên từ những ngày gian khó
Nhớ lại những ngày đầu thành lập công ty trên cơ sở tiếp quản 2 nhà máy "đắp chiếu" tại địa bàn TP HCM vào năm 1976, bà Mai Kiều Liên cho hay Vinamilk đã tiếp nhận sứ mệnh khắc phục tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em sau chiến tranh và chăm sóc đa dạng nhu cầu dinh dưỡng cho người dân. Chính trong giai đoạn này, doanh nghiệp (DN) hiểu rõ những gian khó mà thành phố trải qua sau giải phóng. Bằng kiến thức chuyên ngành chế biến sữa được đào tạo từ Nga, "nữ tướng" Mai Kiều Liên cùng các cộng sự đã sáng tạo, tìm cách duy trì hoạt động của công ty.
Bà Mai Liều Liên kể thời kỳ bao cấp nhiều khó khăn, phải khôi phục hoạt động của các nhà máy cũ, công ty chỉ có thể sản xuất được 8 triệu hộp sữa mỗi năm. Năm 1986, bắt đầu thời kỳ đổi mới đất nước, mở cửa và hội nhập, hàng ngoại xâm nhập thị trường Việt Nam, Vinamilk phải đối mặt với hàng loạt thách thức khắc nghiệt của thị trường. Trong khi đó, DN còn nhiều khó khăn về năng lực sản xuất, nguyên liệu. Để giải bài toán cạnh tranh, lãnh đạo công ty đã phân tích đối thủ, sản phẩm trên thị trường, từ đó tìm ra giải pháp sử dụng nguyên liệu của nhà cung cấp trong nước để vừa bảo đảm chất lượng vừa tiết kiệm chi phí.
Một dấu mốc quan trọng khác là năm 1989, Vinamilk khôi phục thành công nhà máy sữa bột trẻ em Dielac bằng chính bàn tay, khối óc của các kỹ sư, nhà khoa học Việt Nam. Từ đó, sản xuất những lô sữa bột trẻ em "made in Vietnam" đầu tiên cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những năm đầu thập niên 1990, để chủ động nguồn nguyên liệu, Vinamilk phát động cuộc "cách mạng trắng", mở đầu là phong trào chăn nuôi bò sữa tại Củ Chi, Hóc Môn (TP HCM), rồi lan sang các tỉnh, thành khác. Theo "nữ tướng" Vinamilk, ngành sữa Việt Nam có xuất phát điểm từ TP HCM, nhờ phong trào chăn nuôi và sự hiện diện của nhà máy đầu tiên tại đây. Đó là nền tảng ban đầu để DN phát triển mạng lưới 15 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, hiện đại cùng hệ thống 16 nhà máy đạt chuẩn quốc tế ở trong và ngoài nước.
Đến giai đoạn đầu cổ phần hóa, năm 2003, với sự quyết liệt và tầm nhìn của ban lãnh đạo, dưới sự dẫn dắt của "thuyền trưởng" Mai Kiều Liên, Vinamilk tiến hành cổ phần hóa, rồi chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán TP HCM vào năm 2006.
Năm 2023, DN sữa hàng đầu Việt Nam quyết định đổi mới toàn diện, bao gồm thay đổi nhận diện thương hiệu, chuyển đổi số, phát triển hệ thống kinh doanh mới, đổi mới cách tiếp cận người tiêu dùng, đưa những tiêu chuẩn, công nghệ hàng đầu thế giới về Việt Nam... Với những đổi mới mang tính đột phá, Vinamilk đã đưa thương hiệu sữa Việt chinh phục 63 thị trường quốc tế, xây dựng ngành sữa do chính người Việt tự chủ và được thế giới công nhận. Năm 2024, Vinamilk ghi dấu ấn bởi hàng loạt đột phá về lượng, nâng chuẩn của ngành sữa. Tầm nhìn của DN sữa Việt này là xây dựng một hệ sinh thái số toàn diện kết nối chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối đến bán hàng và tương tác trực tiếp với nhà bán lẻ, người tiêu dùng.
Tính đến cuối năm 2024, giá trị vốn hóa của Vinamilk đạt 5,2 tỉ USD, tăng hơn 50 lần so với mức được đánh giá khi niêm yết. DN đã đóng góp cho ngân sách TP HCM hơn 19.750 tỉ đồng trong tổng số 63.712 tỉ đồng đóng góp ngân sách cả nước tính từ thời điểm niêm yết đến quý I/2025. Riêng giai đoạn 2023-2024, Vinamilk nộp ngân sách TP HCM trên 1.000 tỉ đồng/năm. "Khát vọng cháy bỏng của Vinamilk là làm tốt hơn và tốt hơn nữa mỗi ngày. Tốt hơn về hiệu quả kinh doanh, về thương hiệu, đời sống cán bộ - công nhân viên và đóng góp cho đất nước nhiều hơn" - bà Mai Kiều Liên bày tỏ.
Chất "vàng" thương hiệu hơn 50 năm tuổi
Trên kệ mì ăn liền ở các siêu thị lớn tại TP HCM, mì ăn liền Miliket nằm sánh ngang với hàng loạt sản phẩm mì ăn liền "quốc dân" của Vina Acecook, Asia Food, Masan... Nhiều người chọn mua mì "2 tôm" Miliket với hình ảnh 2 con tôm in trên gói giấy vàng vì "nghiện" hương vị sa tế đặc trưng không lẫn vào đâu được, vắt mì thơm dai rất hợp để ăn kèm lẩu hoặc chế biến món mì xào. Cũng chính nhờ lợi thế này, mì Miliket đánh dạt các đối thủ, giành vị trí gần như độc quyền ở phân khúc quán lẩu, quán nhậu bình dân.
Gặp chúng tôi ở một hội chợ triển lãm xuất khẩu tại TP HCM, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket (gọi tắt là Colusa - Miliket), tự tin giới thiệu nhiều dòng sản phẩm đang bán chạy ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. Từ sản phẩm ban đầu là mì gói "2 tôm" trong giai đoạn thành lập vào năm 1972, đến nay, công ty đã phát triển khoảng 100 mã hàng thực phẩm chế biến các loại. Ngoài mì ăn liền (chay, mặn) còn có miến, bún, phở, hủ tiếu, cháo ăn liền và các mặt hàng gia vị như nước tương, tương ớt, bột canh, nước chấm thực vật...
Về kênh tiêu thụ, bên cạnh hệ thống khoảng 200 nhà phân phối và các hệ thống siêu thị trong nước, sản phẩm của Colusa - Miliket còn có mặt tại nhiều thị trường xuất khẩu như Pháp, Đức, Mỹ, Úc, Nga, Ba Lan, Lào, Campuchia...
Lý do gì khiến mì Miliket vẫn được một bộ phận người tiêu dùng lựa chọn, giữa vô vàn sản phẩm cùng phân khúc? Đó là bởi nó gắn với ký ức của mấy mươi năm về trước, khi cả nước còn khó khăn, thiếu thốn và mì gói được phân phối như nhu yếu phẩm. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, mì 2 tôm Miliket có thể coi là độc quyền và là món ăn xa xỉ đối với nhiều gia đình, giá bán khoảng 500 đồng/gói. Đến những năm 1990, khi kinh tế khấm khá hơn, mì gói trở nên phổ biến hơn. "Thời kỳ đó, công ty có slogan: Nhắc đến mì tôm là nhớ đến Colusa - Miliket. Được phân phối từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn, trong 20 năm hoàng kim từ 1980 - 2000, mì 2 tôm chiếm đến 70% - 80% thị phần mì ăn liền cả nước và rất nổi tiếng ở miền Bắc" - ông Tuấn nhớ lại.
Cạnh tranh trở nên khốc liệt theo tiến trình mở cửa thị trường. Trong nước, hàng chục nhà máy, tổ hợp sản xuất mì ăn liền mọc lên. Các nhãn hàng từ nhà sản xuất nước ngoài cũng đưa vào thị trường những hương vị mới, cách làm mới. Trong khi đó, Colusa - Miliket là DN hạch toán phụ thuộc với nguồn vốn hạn chế hơn DN cùng ngành. Nhận thức rõ, Colusa - Miliket từng bước tái cơ cấu. Năm 2006, một nhà đầu tư lớn từ Nhật Bản ngỏ lời mua công ty, với 2 lựa chọn là mua đứt hoặc thuê gia công trong thời gian dài. "Colusa - Miliket là một trong số ít thương hiệu Việt còn lại thời điểm đó. Với tình yêu và niềm tự hào về một thương hiệu thuần Việt nên dù rất khó khăn, thậm chí đứng bên bờ vực, công ty quyết định không bán cũng không cho thuê mà quyết tâm giữ gìn, phát triển" - ông Tuấn kể thêm.
Ổn định dần sau cổ phần hóa, Colusa - Miliket xốc lại hoạt động sản xuất - kinh doanh. Không chọn đối đầu trực tiếp với các "ông lớn", thương hiệu mì gói có tuổi đời hơn 50 năm này chọn hướng đi riêng để tồn tại. Đó là xác định rõ sản phẩm phục vụ phân khúc khách hàng thu nhập thấp, khu vực nông thôn nên gia tăng tiếp thị, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng. Phần thưởng cho những nỗ lực này là liên tục nhiều năm liền, sản phẩm của Colusa - Miliket được người tiêu dùng bình chọn là Hàng Việt Nam chất lượng cao. Hai năm 2006 - 2007, thương hiệu nằm trong danh sách 100 Thương hiệu mạnh - 100 Thương hiệu dẫn đầu. Năm 2021 và 2023, Colusa - Miliket được bình chọn là thương hiệu Vàng TP HCM; sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2022.
"Có phóng viên hỏi tôi: "Chất "vàng" của Colusa - Miliket là gì?". Tôi đáp: Qua hơn nửa thế kỷ, người tiêu dùng vẫn nhớ mì "2 tôm". Nếu bán công ty thì bây giờ, hình ảnh 2 con tôm đó đi về đâu? Chất vàng là trải qua 50 năm bền bỉ, thương hiệu vẫn lưu giữ hình ảnh trong lòng người tiêu dùng, đi cùng ký ức đẹp của nhiều người. Giá trị vàng còn nằm ở ý nghĩa "lửa thử vàng, gian nan thử sức", có thăng trầm mới hun đúc và khẳng định sức sống đi cùng năm tháng" - ông Tuấn bộc bạch.

Cuộc “cách mạng trắng” khởi nguồn từ TP HCM - nền tảng ban đầu để Công ty CP Sữa Việt Nam phát triển hệ thống 15 trang trại chuẩn quốc tế trong và ngoài nước. Ảnh: LONG GIANG
Tìm lối đi riêng
Tọa lạc tại khu đất 2 mặt tiền ở ngã tư Điện Biên Phủ - Cách mạng Tháng Tám (quận 3, TP HCM), văn phòng Công ty TNHH SX Mỹ phẩm Lan Hảo mang nét cũ kỹ, nhuốm màu thời gian. Bên góc đường Nguyễn Thị Minh Khai, cửa hàng giới thiệu sản phẩm Thorakao là nơi lui tới quen thuộc của nhiều thế hệ khách hàng tại TP HCM. Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Lan Hảo (gọi tắt là Công ty Lan Hảo, thương hiệu Thorakao) tự hào là DN Việt bền vững về chất lượng, trước sau như một.
Ông Huỳnh Kỳ Trân, Chủ tịch HĐQT Công ty Lan Hảo, cho biết công ty là một trong những thương hiệu lâu đời bậc nhất tại Sài Gòn - TP HCM với gần 70 năm. Năm 1957, cơ sở sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo được thành lập, chuyên cung cấp những mặt hàng truyền thống như dầu gội đầu, xà phòng thơm, dầu dưỡng bóng tóc... nhưng chưa thực sự để lại dấu ấn. Năm 1961, sự ra đời của thương hiệu Thorakao đánh dấu thời kỳ bắt đầu phát triển rực rỡ của thương hiệu này trên thị trường mỹ phẩm Việt Nam. Năm 1969, sau 8 năm thành lập, công ty có 8 chi nhánh ở miền Nam Việt Nam; mở chi nhánh tại Campuchia; bắt đầu thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản. Đến cuối năm 2024, sau 67 năm hoạt động, công ty đã mở rộng nhà máy tại TP HCM lên quy mô 50.000 m2. Sản phẩm Thorakao được xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường trên thế giới như Singapore, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Thụy Sĩ, Mỹ, Ả Rập Saudi, Dubai, Ai Cập, Nga, châu Phi.
Nhớ lại giai đoạn đầu Việt Nam mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, ông Trân cho biết có nhiều DN trong nước vừa chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp vừa chịu sức ép nội bộ về việc bán hay giữ công ty. Tuy nhiên, trước nhiều lời đề nghị thương vụ "triệu USD" để mua đứt hoặc liên kết với Lan Hảo, ông Huỳnh Kỳ Trân vẫn kiên quyết lắc đầu! "Đầu những năm 1990, Thorakao đặc biệt khó khăn khi bị các thương hiệu mỹ phẩm ngoại đánh bật ra khỏi các kệ trưng bày. Bản thân tôi cũng ngỡ ngàng trước sự tấn công ồ ạt của các công ty đa quốc gia và tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng" - ông Trân kể.
Những năm sau này, cạnh tranh thị phần tại TP HCM và các đô thị lớn còn gay gắt hơn, cộng thêm làn sóng livestream bán mỹ phẩm không rõ nguồn gốc trên sàn thương mại điện tử. Thorakao chấp nhận mất nhóm khách hàng trẻ ở khu vực thành thị và chuyển dịch thị phần về vùng nông thôn và đối tượng khách hàng là người lao động có thu nhập thấp. DN ra đời từ trước giải phóng này nay cũng bắt đầu làm quen với quảng cáo trên kênh thương mại điện tử, có kế hoạch đẩy mạnh quảng cáo online để "không bị bỏ lại phía sau".

Dây chuyền sản xuất mì gói 2 tôm của Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa - Miliket. Ảnh: THANH NHÂN
Vươn ra thế giới
Trong lĩnh vực dược phẩm, thương hiệu OPC của Công ty CP Dược phẩm OPC nổi tiếng với những sản phẩm quen thuộc, gần như có mặt trong mọi gia đình miền Nam như dầu khuynh diệp, thuốc ho (dạng nước) dành cho người lớn và trẻ em, cao sao vàng... Trong giai đoạn dịch COVID-19, thương hiệu OPC một lần nữa được khẳng định nhờ sản phẩm viên xông tinh dầu giúp sát khuẩn, giải cảm.
Bà Phạm Thị Xuân Hương, Tổng Giám đốc công ty, cho biết OPC đã có 47 năm phát triển và là một trong những DN tốp đầu của ngành sản xuất đông dược tại Việt Nam. Từ năm 2006, công ty đã tiên phong nghiên cứu và xây dựng vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO và hiện sở hữu 6 vùng trồng dược liệu đạt chuẩn này. "Niềm tự hào lớn nhất là 90% sản phẩm OPC có nguồn gốc từ dược liệu thiên nhiên. Với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay, chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội quý báu để mở rộng thị trường và thị phần" - bà Hương nói.
Giống nhiều DN Việt sớm có mặt trên thị trường, thời kỳ đỉnh cao, OPC không chỉ chiếm giữ thị phần lớn trong nước mà còn xuất khẩu khá nhiều ra nước ngoài, nhất là thị trường Đông Âu. Khi khối Đông Âu sụp đổ, doanh số xuất khẩu giảm đáng kể, OPC từng bước tìm cơ hội bán hàng ở các thị trường khác như Trung Quốc, Thái Lan, Nigeria, Lào, Campuchia, Philippines, Nga...; thâm nhập thị trường Mỹ thông qua xuất khẩu trực tuyến qua sàn thương mại điện tử Amazon. Sản phẩm cao sao vàng của OPC đã có mặt trên kệ hàng Amazon.
"Thế mạnh của Việt Nam là dược liệu. Chúng tôi tận dụng thế mạnh đó và ứng dụng công nghệ để giới thiệu thêm nhiều sản phẩm từ dược liệu mang tầm quốc tế ra thị trường. Đồng thời, mang lại giá trị cho cộng đồng, kinh tế địa phương, tạo nên chuỗi giá trị chặt chẽ cho nông sản Việt" - bà Hương nói.
Giới thiệu thêm, bà Hương cho biết để đáp ứng nhu cầu thị trường trong thời đại mới, công ty đã cho ra đời hàng loạt sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thực phẩm bổ sung theo tiêu chuẩn của ngành dược ra đời như Sâm Ngọc Linh yến sào OPC, trà Ruton, Tổ yến chưng sâm đông trùng... Các sản phẩm này được thị trường đón nhận một cách tích cực.

Nhà máy sản xuất dược phẩm của Công ty CP Dược phẩm OPC. Ảnh: THANH NHÂN
Đổi mới để tồn tại
Ông chủ Thorakao Huỳnh Kỳ Trân tiết lộ trước dịch COVID-19, doanh thu từ mảng xuất khẩu chiếm đến 80% tổng doanh thu công ty. Trung bình mỗi tháng, công ty xuất khẩu 3 container hàng sang Dubai để bán sang Ả Rập Saudi. Dịch COVID-19 làm giảm nhịp xuất khẩu trầm trọng, công ty phải từng bước xây dựng lại. "Còn với nhóm khách hàng trẻ trong nước, họ chưa hiểu về sản phẩm thì mình phải nói để họ hiểu, họ chưa dùng thì mình phải nói để họ tin dùng" - ông Trân nhấn mạnh.
Với Colusa - Miliket, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Anh Tuấn cho hay bước vào giai đoạn chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, DN đã đẩy mạnh "xanh hóa" các dây chuyền, xây dựng hệ thống quản lý năng lượng, quản lý môi trường, ứng dụng công nghệ mới Plasma vào quy trình sản xuất, quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm. "Phương châm của công ty là đổi mới để tồn tại, tái cơ cấu để thích nghi và sáng tạo để phát triển bền vững. Thay đổi là quy luật, thay đổi có thể dẫn đến những điều không như ý muốn nhưng DN phải thích nghi. Dù không thể thay đổi thực tế khách quan nhưng chúng tôi thay đổi được chính mình để có thể hòa nhập, gắn kết, tiếp tục phát triển bền vững" - lãnh đạo Colusa - Miliket khẳng định.
Truyền lửa cho thế hệ trẻ
Vinamilk giữ vị trí số 1 ngành sữa Việt Nam. Năm 2024, Vinamilk tiếp tục chứng minh vị trí của mình khi là DN sữa duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 150 DN hàng đầu của danh sách Fortune 500 Southeast Asia 2024 do Tạp chí Fortune (Mỹ) công bố lần đầu tiên. Trên thế giới, Vinamilk là 1 trong 10 thương hiệu toàn cầu sở hữu chứng nhận chất lượng an toàn và tinh khiết như Clean Label Project, Purity Awards, First 1.000 Day Promises.
"Là một trong những DN lớn, Vinamilk tiên phong với tinh thần đổi mới, sáng tạo, truyền cảm hứng về sự quyết liệt "làm mới chính mình", chuyển mình mạnh mẽ cùng TP HCM và đất nước ở cột mốc tiến vào kỷ nguyên mới. Chúng tôi truyền ngọn lửa đó cho thế hệ trẻ của Vinamilk hiện nay, để đưa thương hiệu ngày càng rực sáng hơn nữa, cả trong nước và trên thế giới" - "thuyền trưởng" Mai Kiều Liên tự hào.
Bình luận (0)