xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Ninh Thuận đột phá thu hút đầu tư

CHÂU TỈNH

Với nhiều chính sách đột phá về thu hút đầu tư, lãnh đạo Ninh Thuận cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của TP HCM, đầu tư vào tỉnh

Hôm nay, 28-4, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội nghị quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Tạo đột phá trong quy hoạch

Năm 1992, Ninh Thuận (cùng với Bình Thuận) tách ra khỏi tỉnh Thuận Hải với nhiều khó khăn, thách thức. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, điều kiện khí hậu khắc nghiệt khiến việc thu hút đầu tư rất khó khăn.

Thời điểm trên, Ninh Thuận là tỉnh thuần nông nhưng khí hậu khô hạn là một trở lực lớn. Xác định nhiệm vụ tiên quyết để phát triển kinh tế - xã hội là phải trị hạn, Ninh Thuận huy động cả hệ thống chính trị để đưa nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Từ một tỉnh khô cằn, hạ tầng thủy lợi Ninh Thuận được đầu tư theo hướng liên thông, đa mục tiêu. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành 22 hồ chứa dung tích trên 520 triệu m3. Dự kiến đến năm 2025, hệ thống thủy lợi kết nối liên thông toàn tỉnh, cơ bản giải quyết vấn đề hạn hán thường niên.

Dòng nước mát được khơi thông, phủ xanh nhiều vùng hoang hóa và mở ra cơ hội phát triển cho Ninh Thuận. Trong cột mốc đánh dấu 30 năm tái lập tỉnh (năm 2022), GRDP Ninh Thuận tăng gấp 69,6 lần so với năm 1992, tốc độ tăng trưởng bình quân 8,14%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của cả nước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng hơn 440 lần. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, tỉ trọng công nghiệp và xây dựng tăng hơn 20%.

Các con số trên khẳng định Ninh Thuận đang từng bước chuyển mình ngoạn mục, góp mặt vào nhóm những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhất cả nước. Và một trong những giải pháp thúc đẩy sự chuyển mình của Ninh Thuận đó chính là đầu tư phát triển hạ tầng, quy hoạch cùng nhiều chính sách đột phá trong thu hút đầu tư.

Năm 2009, với khát vọng tạo đột phá trong chiến lược, quy hoạch để đón nhận những yếu tố mới, giá trị mới, cơ hội mới, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài là Tập đoàn Monitor (Mỹ) và Arup (Anh) lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quy hoạch được nghiên cứu theo phương pháp tiếp cận mới, từ năng lực cạnh tranh theo mô hình kim cương đề ra tầm nhìn chiến lược. Bản quy hoạch đề xuất định hướng phát triển dựa trên 3 khâu đột phá: đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ quy hoạch này, Ninh Thuận xác định 6 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng tái tạo, du lịch, nông - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp, xây dựng - kinh doanh bất động sản, giáo dục - đào tạo. Qua 10 năm triển khai thực hiện, đã khẳng định các định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội theo quy hoạch là đúng đắn, giúp tỉnh khai thác được tiềm năng, lợi thế, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng với phương pháp luận và phương pháp tiếp cận kế thừa các phương pháp luận, cách tiếp cận nghiên cứu trước đây theo mô hình kim cương nhưng có tích hợp các nguồn lực và bổ sung các lý luận mới. Điều này bảo đảm quy hoạch tỉnh Ninh Thuận vừa đáp ứng nhu cầu phát triển và phù hợp với các xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.

Các doanh nhân TP HCM tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Ninh ThuậnẢnh: HỢP PHỐ

Các doanh nhân TP HCM tham quan, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Ninh ThuậnẢnh: HỢP PHỐ

Hoàn thiện hạ tầng để thu hút đầu tư

Sự kiện cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông tuyến ngày 26-4 giúp việc kết nối Ninh Thuận với các cực tăng trưởng là TP HCM, Khánh Hòa gần hơn bao giờ hết.

Ninh Thuận nằm giao với 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên. Đây là vị trí giữ vai trò cầu nối trong mối liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các địa phương vùng Nam Trung Bộ. Ngoài ra, Ninh Thuận đang tập trung phát triển vận tải cảng biển, logistics, sân bay, hướng đến liên kết phát triển với các tỉnh phía Nam, Nam Tây Nguyên, các tỉnh trong vùng Nam Trung Bộ trong thời gian tới.

Hạ tầng dần hoàn thiện giúp Ninh Thuận có cơ sở triển khai các chính sách đột phá trong thu hút đầu tư. Theo ông Lê Huyền, địa phương áp dụng chính sách đầu tư theo hướng bảo đảm quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện và đơn giản nhất. "Ninh Thuận áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung quy định của nhà nước đối với thuê đất, cấp đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế xuất nhập khẩu. Toàn bộ các huyện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng khung chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất" - ông Lê Huyền nhấn mạnh.

Hạ tầng dần hoàn thiện, chính sách đầu tư cởi mở giúp Ninh Thuận từng bước thu hút các nhà đầu tư, trong đó có thị trường quan trọng là TP HCM. Trong giai đoạn 2014-2023, tỉnh cực Nam Trung Bộ này đã thu hút 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP HCM với tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng. Đến nay, Ninh Thuận có 45 dự án đầu tư của doanh nghiệp TP HCM, với tổng vốn 60.000 tỉ đồng. Các nhà đầu tư rót vốn khá toàn diện trên các lĩnh vực, như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ...

Trước đó, tại buổi làm việc với lãnh đạo và các nhà đầu tư TP HCM vào tháng 4-2023, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho hay địa phương còn rất nhiều dư địa phát triển và mong muốn có sự quan tâm, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp TP HCM. "Trước đây, chúng tôi không có cảng biển, đường cao tốc khiến việc thu hút lĩnh vực này rất khó. Nay các tuyến giao thông kết nối đang được hình thành từ cảng Cà Ná, các tuyến cao tốc đi ngang, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư sẽ về đây nhiều hơn" - ông Trần Quốc Nam bày tỏ. 

Biến thách thức thành cơ hội phát triển

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho rằng tỉnh Ninh Thuận có đầy đủ yếu tố để phát triển mạnh mẽ du lịch trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đưa du lịch phát triển bền vững, tỉnh Ninh Thuận cần phát huy tiềm năng, lợi thế để tạo ra giá trị khác biệt. "Nhằm thu hút hơn nữa nguồn khách đến từ TP HCM, tỉnh Ninh Thuận cần làm phong phú các loại hình du lịch, đa dạng hơn các dịch vụ để khách đến nhiều và lưu trú dài hạn" - bà Hoa đề xuất.

Còn theo ông Nguyễn Hải Vinh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng tái tạo BIM (Tập đoàn BIM), Ninh Thuận không sẵn có các điều kiện và nguồn lực cơ bản để phát triển kinh tế theo phương thức truyền thống. Song, tỉnh đã tạo dựng khác biệt từ các thế mạnh riêng có, biến thách thức thành cơ hội phát triển như năng lượng tái tạo, kinh tế biển... Theo ông Vinh, hưởng ứng chủ trương phát triển kinh tế xanh - kinh tế tuần hoàn, BIM đã đầu tư phát triển năng lượng sạch gồm điện mặt trời và điện gió, nhằm tối ưu khai thác tiềm năng thiên nhiên của Ninh Thuận, vừa bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa gia tăng giá trị cho nền kinh tế.


Ông Lê Cao Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa trái) - cùng đại diện  Agribank trao học bổng cho con ngư dân nghèo, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Ông Lê Cao Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (bìa trái) - cùng đại diện Agribank trao học bổng cho con ngư dân nghèo, học sinh dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trao 10.000 lá cờ và 100 suất học bổng

Chiều 27-4, tại cảng cá Đông Hải, tỉnh Ninh Thuận, Ban Biên tập Báo Người Lao Động phối hợp cùng UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức trao trực tiếp cờ Tổ quốc và túi thuốc cho 15 ngư dân tiêu biểu, trong số 10.000 lá cờ Tổ quốc từ chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc" để giúp ngư dân tỉnh Ninh Thuận vươn khơi bám biển.

Đến nay, Báo Người Lao Động đã trao và ký kết trao tặng 2.097.520 lá cờ Tổ quốc. Trong đó, hợp phần "Triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển" trao và ký kết trao 1.513.020 lá cờ cho ngư dân 28 tỉnh, thành phố có biển; hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương" trao và ký kết trao 368.850 lá cờ cho đồng bào, chiến sĩ ở 25 tỉnh có biên giới trên bộ; hợp phần "Đường cờ Tổ quốc" trao và ký kết trao 525.300 lá cờ để xây dựng đường cờ Tổ quốc tại 44 tỉnh, thành. Trong đó, riêng tỉnh Ninh Thuận đã trao và ký kết trao 54.000 lá cờ Tổ quốc.

Nhân dịp này, Báo Người Lao Động cùng với đơn vị đồng hành là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trao tượng trưng 15 suất học bổng trong số 100 suất học bổng (mỗi suất 2 triệu đồng) từ chương trình "Học bổng hỗ trợ học sinh - sinh viên dân tộc thiểu số, học sinh nghèo" cho con ngư dân nghèo, học sinh dân tộc thiểu số vượt khó học giỏi của tỉnh Ninh Thuận.

K.Nam


 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo