"Các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương sẽ tập trung mọi nguồn lực chăm lo, hỗ trợ người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện để mọi người được đón Tết Ất Tỵ 2025 ấm no, đủ đầy". Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về kế hoạch chăm lo Tết Nguyên đán năm nay.
* Phóng viên: Điểm nhấn trong hoạt động chăm lo Tết cho người lao động của các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương năm 2025 là gì, thưa bà?
- Bà NGUYỄN KIM LOAN: Với mục tiêu mang Tết đến gần hơn với mọi NLĐ, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa với chủ đề "Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng". Đối tượng ưu tiên chăm lo là đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm, bị nợ tiền lương, tiền thưởng…
Trong đó, một số chương trình nổi bật có thể kể đến là: "Chợ Tết Công đoàn năm 2025" nhằm cung cấp các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, chất lượng với giá ưu đãi; tặng phiếu mua hàng, tặng sản phẩm với giá 0 đồng hoặc giảm giá; tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao, tặng quà, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí...
Song song đó, LĐLĐ tỉnh sẽ hỗ trợ vé tàu, xe và vé máy bay cho đoàn viên, NLĐ khó khăn, nhiều năm chưa được về quê đón Tết. Trong đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 450 vé tàu khứ hồi và 103 vé máy bay; LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 1.000 vé tàu 1 chiều và khoảng gần 2.000 vé xe.
LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành tổ chức thăm, tặng quà, chúc Tết đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, tổ chức chương trình "Tết yêu thương" dành cho trẻ là con CN đã mất do dịch COVID-19.
Các cấp Công đoàn còn tăng cường đối thoại, thương lượng với người sử dụng lao động về phương án, kế hoạch sản xuất - kinh doanh, trả lương, thưởng; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết. Bên cạnh đó, triển khai các biện pháp phát hiện, phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể có thể phát sinh trong dịp Tết và tham gia xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự tại địa phương, doanh nghiệp (DN).
* Với những công nhân (CN) ở lại Bình Dương đón Tết, các cấp Công đoàn tỉnh đã có sự chuẩn bị gì để động viên họ?
- Qua thống kê sơ bộ của LĐLĐ tỉnh, số CN xa quê ở lại Bình Dương dịp Tết năm nay khoảng gần 500.000 người - tăng hơn so với Tết năm 2024. Lý do là trong năm nay, nhiều DN thiếu đơn hàng, giảm giờ làm nên NLĐ được nghỉ nhiều và có thời gian về thăm quê, vì vậy dịp Tết này, đa số chọn ở lại Bình Dương để giảm bớt chi phí.
Trên cơ sở khảo sát, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã đề xuất UBND tỉnh quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ NLĐ khó khăn ở lại dịp Tết năm nay với số tiền khoảng 50 tỉ đồng, tương ứng mỗi suất quà tiền mặt là 1 triệu đồng. Việc này không chỉ nhằm thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đặc biệt là vào dịp Tết, để mỗi người đều có cái Tết sum vầy, mà còn là cách để giữ chân và thu hút NLĐ gắn bó với Bình Dương.
LĐLĐ tỉnh cũng yêu cầu các Công đoàn cơ sở chủ động thương lượng, đề xuất người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ chế độ tiền lương theo hợp đồng cho NLĐ. Ngoài ra, tổ chức các hoạt động tri ân, cảm ơn NLĐ trong 1 năm đã nỗ lực cùng DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh, qua những chính sách như thưởng Tết, tặng quà, hỗ trợ tiền tàu xe, tổ chức liên hoan, tất niên, bốc thăm trúng thưởng, lì xì cuối năm...
* Để bảo đảm các chính sách hỗ trợ đến được đúng đối tượng, LĐLĐ tỉnh đã xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát như thế nào?
- LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn cấp trên yêu cầu ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức bình xét đối tượng được hỗ trợ tại DN. Việc xét chọn này xuất phát từ đề nghị của các tổ Công đoàn, vì họ nắm rõ nhất hoàn cảnh từng NLĐ. Ai nằm trong các tiêu chí mà LĐLĐ tỉnh đưa ra thì đủ điều kiện hỗ trợ.
LĐLĐ tỉnh cũng đưa ra thứ tự 3 nhóm ưu tiên. Nhóm 1 là những CN có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đang mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nghề nghiệp hay tàn tật; thiếu việc làm, mất việc làm, bị nợ lương, thường xuyên không có việc làm; thu nhập thấp.
Nhóm 2 là người dân tộc thiểu số, nhiều năm chưa có điều kiện về quê đón Tết; làm việc tại DN, đơn vị, cơ quan gặp khó khăn về tài chính, sản xuất - kinh doanh; phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, mẹ đơn thân; NLĐ hoặc thân nhân là người khuyết tật, ốm đau dài ngày. Nhóm 3 là những NLĐ có hoàn cảnh khó khăn nhưng DN đã đóng kinh phí Công đoàn.
Với tiêu chí cụ thể, rõ ràng như trên, chúng tôi tin chắc rằng sự chăm lo của các cấp Công đoàn sẽ đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chăm lo cho đoàn viên, NLĐ dịp Tết năm nay tại tỉnh Bình Dương là khoảng 272 tỉ đồng, với khoảng 90.000-100.000 người được hỗ trợ phần quà trị giá 1 triệu đồng/ trường hợp. LĐLĐ tỉnh cũng sẽ tăng cường xã hội hóa các nguồn lực để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ thông qua việc vận động các tổ chức, cá nhân, DN đồng hành với Công đoàn thực hiện các hoạt động hỗ trợ.
Bình luận (0)