Trong khi đó, theo Reuters, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cảnh báo Iran và các lực lượng ủy nhiệm "không được có hành động chống lại Mỹ hoặc các hành động tiếp theo chống lại Israel".
Bà Thomas - Greenfield cho rằng Tehran phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình. Đáp lại, Đại sứ Iran tại LHQ Amir Saied Iravani nhấn mạnh cuộc tấn công là "phản ứng tương xứng" đối với các hành động "gây hấn" của Israel trong 2 tháng qua.
Cũng tại cuộc họp, Đại sứ Pháp tại LHQ Nicolas de Riviere cho biết Pháp muốn Hội đồng Bảo an thể hiện sự đoàn kết và cùng lên tiếng để hạ nhiệt tình hình. Riêng ông Phó Thông, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ, kêu gọi Hội đồng Bảo an cần hành động khẩn cấp, đưa ra những yêu cầu rõ ràng và dứt khoát để chấm dứt vòng xoáy bạo lực liên quan xung đột giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Lebanon.
Trong lúc này, Mỹ và các đồng minh phương Tây tìm cách hạn chế phản ứng của Israel đối với cuộc tấn công tên lửa của Iran với hy vọng ngăn xung đột khu vực vượt tầm kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 2-10 đã trao đổi với các nhà lãnh đạo khác của nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) về bước đi trừng phạt Iran liên quan vụ tấn công tên lửa và tham vấn cho Israel về động thái phản ứng.
Israel đang cân nhắc một số lựa chọn đáp trả, trong đó có tấn công bệ phóng tên lửa hoặc cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Một số quan chức Israel thậm chí kêu gọi không kích cơ sở hạt nhân Iran.
Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, Tổng thống Joe Biden tuyên bố không ủng hộ Israel tấn công địa điểm hạt nhân của Iran. Thay vào đó, Mỹ và các đồng minh phương Tây kêu gọi Israel tập trung vào các mục tiêu quân sự với hy vọng hành động trả đũa này không khiến Iran leo thang hơn nữa.
Bà Dana Stroul, chuyên gia của Viện Chính sách Cận Đông Washington (Mỹ) nhận định với tờ Financial Times rằng chính quyền Tổng thống Biden muốn thấy căng thẳng hạ nhiệt và nỗ lực ngăn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện tại khu vực.
Trong khi đó, ông Jonathan Panikoff, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ), nhận định Iran có thể xem hành động tấn công nhằm vào chương trình hạt nhân là tấn công trực tiếp vào sự ổn định của nước này, từ đó có thể đưa ra phản ứng khiến tất cả bên liên quan leo thang hơn nữa.
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng nhanh chóng ở Trung Đông, ngày càng có nhiều quốc gia tìm cách sơ tán công dân ra khỏi khu vực này. Ngày 2-10, giới chức Philippines, Indonesia và Úc cho biết đang nỗ lực đưa công dân nước mình khỏi Lebanon khi sân bay Beirut vẫn còn mở cửa.
Cùng ngày, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ra lệnh triển khai máy bay quân sự để sơ tán người dân tại Israel và các khu vực khác ở Trung Đông. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng kêu gọi công dân rời Israel và Lebanon lập tức bằng mọi phương tiện có sẵn. Tây Ban Nha có kế hoạch điều 2 máy bay quân sự để sơ tán khoảng 350 công dân khỏi Lebanon. Riêng Đức thúc giục công dân rời khỏi Iran sau khi tiến hành sơ tán nhân viên ngoại giao, công dân khỏi Lebanon.
Bình luận (0)