Trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, các di tích thuộc quần thể di tích cố đô Huế đón tiếp 98.867 lượt người đến tham quan, trong đó chỉ riêng ngày 2-9 đã có đến 66.000 lượt người. Số lượng khách đông hơn rất nhiều so với dịp lễ Quốc khánh năm 2023. Nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng khi nhiều di tích đã được phục dựng, tu bổ như điện Thái Hòa, điện Kiến Trung.
Phát huy giá trị
Lần đầu tiên, tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2004 được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức các chương trình chính ngay trong Đại nội, trong đó nhiều chương trình được tổ chức tại điện Kiến Trung. Nhiều du khách phải trầm trồ trước những tiết mục được thể hiện trên một sân khấu nguy nga, tráng lệ.
Theo tư liệu, nguyên tại vị trí công trình này có lầu Minh Viễn (1827) và Du Cửu lâu, hay còn gọi là lầu Du Cửu (1913). Năm 1916, vua Khải Định lên ngôi cho đổi tên lầu Du Cửu thành lầu Kiến Trung. Đến năm 1921, vua Khải Định cho xây mới điện Kiến Trung theo phong cách Á - Âu nhưng sau năm 1945 bị phá hủy hoàn toàn.
Năm 2019, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô (BTDTCĐ) Huế đã làm chủ đầu tư, xây dựng lại điện Kiến Trung với kinh phí 123 tỉ đồng. Sau gần 5 năm tu bổ, phục hồi và tôn tạo, vào dịp Tết Giáp Thìn 2024, ngôi điện này được khánh thành đưa vào hoạt động đón khách.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế, cho biết giai đoạn trước năm 2015, đơn vị đã thực hiện trùng tu một số công trình tiêu biểu như Ngọ Môn, Hiển Lâm Cát, Cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, lầu Tứ Phương, Điện Long An… Trong giai đoạn từ 2016-2025, có 92 danh mục dự án giao cho Trung tâm BTDTCĐ Huế làm chủ đầu tư, đến nay đơn vị này đã hoàn thành, đưa vào sử dụng hàng chục dự án.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai Dự án chỉnh trang khu vực I kinh thành Huế, theo đó đã di dời hơn 6.287 hộ dân ra khỏi thượng thành và các di tích khác. Trung tâm BTDTCĐ Huế dự kiến sẽ khởi công Dự án Bảo tồn, tu bổ, và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế - Hợp phần bảo tồn, tôn tạo di tích - Hạng mục mặt Tây kinh Thành vào giai đoạn 2024-2025.
Theo ông Trung, công tác trùng tu hệ thống kinh thành bao gồm hệ thống Hộ thành hào, hệ thống Thượng thành để góp phần chỉnh trang diện mạo hệ thống kinh thành Huế.
Sau đó tỉnh Thừa Thiên - Huế và Trung tâm BTDTCĐ Huế đã có một số định hướng tiếp tục đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật để khai thác, phát huy giá trị di sản như đầu tư các tuyến đường dạo quanh kinh thành Huế, bao gồm tuyến đường trên tuyến phòng lộ và tuyến đường trên Thượng thành với định hướng phát triển loại hình giao thông xanh; hình thành thêm các tuyến du lịch đặc sắc.
Cần nguồn lực lớn
Theo Trung tâm BTDTCĐ Huế, nguồn tài chính phục vụ cho hoạt động quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy quần thể di tích cố đô Huế bao gồm từ ngân sách nhà nước, bán vé tham quan và hoạt động dịch vụ tại di tích, tài trợ và đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Quỹ Bảo tồn Di sản Huế và các nguồn tài chính hợp pháp khác.
Thực tế nhu cầu sử dụng nguồn tài chính cho công tác này rất lớn, có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Hiện nay, nguồn vốn đầu tư chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu, chủ yếu tập trung vào các dự án trùng tu, tôn tạo di tích cấp thiết. Nhiều hạng mục công trình, đặc biệt là các di tích có quy mô nhỏ hơn hoặc nằm ở khu vực xa hơn vẫn chưa được đầu tư đúng mức.
Bên cạnh đó, việc phân bổ nguồn lực cho các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể như nghệ thuật truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán cũng gặp nhiều khó khăn do kinh phí hạn chế.
"Để hoàn trả lại nguyên bản quần thể di tích cố đô Huế nhằm phát huy tối đa giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể Di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận vào năm 1993, cần tập trung nguồn lực lớn hỗ trợ từ trung ương đến địa phương để đẩy mạnh quá trình trùng tu di tích, khai thác các tiềm năng khác bên cạnh giá trị bản thân của công trình" - ông Hoàng Việt Trung khẳng định.
Mặt khác, một số công trình đã hư hại, hoặc bị phá hủy hoàn toàn không còn thành phần kiến trúc, yếu tố gốc. Do đó việc phục hồi gặp nhiều khó khăn trong việc sưu tầm tư liệu, nhiều chi tiết kiến trúc về mặt mỹ thuật chưa thể phục hồi nguyên vẹn do chưa đủ cơ sở.
Trong công tác trùng tu di tích có sử dụng các vật liệu truyền thống như gỗ, sơn ta, vàng quỳ, ngói lợp bị ảnh hưởng bởi khí hậu đặc trưng miền Trung. Vì vậy, kỹ thuật trùng tu di tích luôn luôn đặt ra nhiệm vụ cho việc nghiên cứu, áp dụng các phương pháp kỹ thuật phù hợp vào thực tiễn để đạt hiệu quả tốt nhất.
Triển khai 32 dự án trong giai đoạn 2026-2030
Từ năm 2024 đến hết năm 2025, Trung tâm BTDTCĐ Huế có 9 dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích được triển khai như điện Cần Chánh, Thái Miếu, giai đoạn 3 lăng Thiệu Trị, phần còn lại của lăng Minh Mạng... Đơn vị này cũng đang tổ chức xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 với 32 dự án, bao gồm 13 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2021-2025 và 19 dự án khởi công mới.
Bình luận (0)