"4 tháng qua, tỉnh Lâm Đồng không thu hút được nhà đầu tư nào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 54 trên toàn quốc. Chưa bao giờ xảy ra tình trạng như thế này!" - ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, lo lắng.
Bảo đảm tiến độ dự án trọng điểm
Tháng 1-2024, ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh và ông Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng, lần lượt bị bắt vì những vi phạm liên quan dự án Khu Đô thị du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Đại Ninh. Thời điểm đó, ông Ngô Văn Ninh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận việc thiếu 2 chức danh Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành.
Giữa tháng 3, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, được điều động giữ chức quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng. Tuy nhiên, địa phương này đến nay vẫn khuyết vị trí Chủ tịch UBND lẫn Chủ tịch HĐND.
Sau biến động lớn, quý I/2024, tỉnh Lâm Đồng ghi nhận 7 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt kết quả tốt song có đến 11 chỉ tiêu còn hạn chế lớn. Ông Phạm S thừa nhận phát triển kinh tế ở địa phương không đáp ứng được yêu cầu, điển hình là thu ngân sách, thu hút đầu tư và tăng trưởng đều thấp.
Trước tình hình đó, Tỉnh ủy Lâm Đồng quyết liệt yêu cầu UBND tỉnh khẩn trương làm việc với thủ trưởng các sở, ngành để đánh giá thực trạng và xác định nguyên nhân; có giải pháp, biện pháp chỉ đạo đạt và vượt tiến độ các chỉ tiêu trong 6 tháng đầu năm 2024. Trong đó, chỉ đạo các đơn vị được giao vốn đầu tư công đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân; lập danh sách, cập nhật tiến độ giải ngân hằng tuần của từng đơn vị.
Liên quan triển khai 2 tuyến đường cao tốc Liên Khương - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Tân Phú; xử lý vướng mắc, vi phạm kéo dài của dự án sân golf Đồi Cù, sân golf Đạ Ròn, King Palace..., Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã yêu cầu các đơn vị báo cáo và có phương án xử lý dứt điểm.
Với Quảng Ngãi, sau khi Chủ tịch UBND tỉnh - ông Đặng Văn Minh - bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Ông Trần Hoàng Tuấn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi, được phân công điều hành UBND tỉnh - cho hay năm 2024, Chính phủ giao Quảng Ngãi thu tiền sử dụng đất nộp vào ngân sách 2.600 tỉ đồng, trong đó cấp tỉnh 2.000 tỉ đồng. Nhưng theo tính toán, dự kiến tỉnh chỉ thu được khoảng 500 tỉ đồng. "Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những dự án trọng điểm, cấp bách phục vụ an sinh xã hội. Đồng thời, nỗ lực sớm hoàn thành những dự án đang triển khai, tạo nguồn thu ngân sách, bù đắp phần hụt thu" - ông Tuấn khẳng định.
Tại cuộc họp với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Quảng Ngãi mới đây, bà Bùi Thị Quỳnh Vân, Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung, nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, triển khai đúng tiến độ những dự án trọng điểm. "Vướng giải phóng mặt bằng ở đâu, dự án nào thì phải tập trung giải quyết, tháo gỡ" - bà Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh.
Mạnh dạn chịu trách nhiệm
Tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều dự án đang dừng hoạt động vì chưa có hướng xử lý, như dự án xây dựng - chuyển giao (BT) Trường Cao đẳng nghề Nha Trang, Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa, Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa... Vướng mắc tập trung chủ yếu ở việc xác định giá đất để hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Dự kiến trong tuần sau, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh báo cáo danh sách dự án chậm tiến độ được phép tiếp tục thực hiện và kế hoạch đối thoại với nhà đầu tư. Tỉnh cũng thành lập 1 tổ công tác giải quyết các vướng mắc theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và thông báo của Thanh tra Chính phủ. Bên cạnh đó, 1 tổ công tác khác sẽ thực hiện chính sách pháp luật đối với các dự án BT sử dụng quỹ đất sân bay Nha Trang (cũ).
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, trong hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) vào cuối tháng 12-2023, đã chỉ đạo các sở, ban, ngành lắng nghe, tiếp nhận và xem xét giải quyết kịp thời kiến nghị của nhà đầu tư; xử lý nghiêm cán bộ và người đứng đầu cơ quan, đơn vị có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho DN... Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: "Để giải quyết vấn đề, cần nêu rõ trách nhiệm cụ thể của từng thành viên, trách nhiệm vì mục đích chung, không vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và hợp thức hóa sai phạm. Có như vậy mới góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội".
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ yêu cầu Sở Nội vụ nghiên cứu Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. "Cán bộ nhà nước phải đồng tâm hiệp lực thể hiện trách nhiệm với người dân, DN. Xử lý như thế nào khi các dự án phải xác định lại giá đất, điều chỉnh lại quy hoạch, điều chỉnh lại giấy chứng nhận đầu tư? Nếu thống nhất thì chúng ta có thể đồng ký tên, cam kết làm vì lợi ích của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội. Cần phải mạnh dạn!" - ông Nguyễn Tấn Tuân đặt vấn đề.
Ở tỉnh Quảng Nam, một bộ phận cán bộ, lãnh đạo mang tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, dẫn đến việc giải quyết, thực thi công vụ bị đình trệ. Nội dung này được thể hiện rõ trong nhiều báo cáo của các cơ quan có thẩm quyền và được đưa ra thảo luận tại các kỳ họp HĐND tỉnh.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy Quảng Nam diễn ra ngày 8 và 9-4, Tỉnh ủy chỉ ra 11 hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó có tình trạng cán bộ thiếu quyết liệt, ngại tham mưu, chưa làm đúng, làm đủ theo chức trách nhiệm vụ được giao. Ngày 12-4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam đã tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn các giải pháp tháo gỡ.
Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cho biết thời gian qua, tình hình sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Một phần nguyên nhân do các cơ quan chức năng của tỉnh chưa kịp thời tháo gỡ. Theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, lúc DN ăn nên làm ra đã đóng góp vào ngân sách, giải quyết việc làm, giúp tỉnh có nguồn lực để giải quyết rất nhiều vấn đề thì lúc DN gặp khó, tỉnh cần có trách nhiệm đồng hành, tháo gỡ. "Tinh thần chung là cần sự vào cuộc mạnh mẽ, tránh đùn đẩy, né tránh, tránh tư tưởng giữ vùng an toàn, tạo ra rào cản không đáng có cho DN" - ông Lương Nguyễn Minh Triết lưu ý.
Ổn định tư tưởng cán bộ, người dân
Đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới đây đã họp, cho ý kiến nhiều vấn đề quan trọng. Trong đó, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Tỉnh ủy quan tâm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, có giải pháp ổn định tình hình, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân; tạo lòng tin với cộng đồng DN, nhà đầu tư. Đồng thời, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoạt động sản xuất - kinh doanh phát triển, nhất là khó khăn về vốn, nguồn nhân lực, thủ tục hành chính.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Dương Văn An thông tin để năm 2024 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt như kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, DN và người dân. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, không để các hoạt động bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Đặc biệt, cần tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên, nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân...
Bình luận (0)