Không bất ngờ vì trước đó với lý do vì lịch thi đấu dày đặc nên ĐATH đã xin không tham dự AFC Champions League 2 (tên gọi cũ là AFC Cup). Đây chỉ là cái cớ, nguyên nhân chính là do không đủ kinh phí để vận hành trên mọi đấu trường từ trong nước (V-League, Cúp quốc gia, Siêu cúp quốc gia) cho đến quốc tế (AFC Champions League 2 và Giải Vô địch các CLB Đông Nam Á).
Ký tên đòi nợ
Có đến 18 cầu thủ CLB ĐATH có cả ngoại binh đã đồng loạt ký tên gửi đơn khiếu nại đến VFF, UBND tỉnh Thanh Hóa và CLB Bóng đá ĐATH. Nội dung đơn khiếu nại nêu rõ: Trong suốt hai mùa giải 2023, 2023-2024, cho đến nay dù tập thể cầu thủ và ban huấn luyện luôn đối mặt với việc bị chậm lương, chậm thưởng, chậm phí hợp đồng nhưng họ vẫn tập luyện và thi đấu với tinh thần chuyên nghiệp cao nhất với thành tích cụ thể là: giành 2 Cúp vô địch quốc gia và 1 Siêu cúp quốc gia. "Chúng tôi quyết định tạm dừng tập luyện, kính mong các cấp lãnh đạo, sở ban ngành có thẩm quyền sớm vào cuộc giải quyết cho chúng tôi" - đơn có đoạn viết.
Được biết, CLB ĐATH không chỉ nợ lương, thưởng, lót tay mà trong đơn còn nêu là còn nợ luôn cả tiền tỉnh cùng các doanh nghiệp trong tỉnh đã thưởng cho đội bóng trong quá trình đoạt Cúp quốc gia 2023 và 2023-2024.
Không phải là lần đầu
Câu chuyện "nợ lương, thưởng cầu thủ" của CLB ĐATH không phải là lần đầu của bóng đá Việt Nam (BĐVN). Trước đó, CLB Than Quảng Ninh đã buộc phải giải thể vào tháng 8-2021 sau khi nhiều cầu thủ đồng loạt gửi đơn kêu cứu vì bị nợ lương, thưởng, lót tay suốt 2 năm trước đó.
Trước Than Quảng Ninh, khi V-League 2012 kết thúc, CLB Navibank Sài Gòn cũng tuyên bố ngừng hoạt động với lý do hết kinh phí. Sau đó đến lượt Sài Gòn Xuân Thành tuyên bố bỏ giải và giải tán khi V-League 2013 chỉ còn 2 lượt đấu. Vào cuối mùa V-League 2013, đội Kiên Giang cũng tuyên bố giải thể cũng với lý do thiếu kinh phí.
Mùa V-League 2014, sau khi giành quyền lên dự V-League, nhà tài trợ CLB Hùng Vương An Giang không thực hiện đúng và đủ những cam kết về tài chính, dẫn đến tình trạng các cầu thủ bị nợ lương, thưởng để rồi cuối mùa đội phải xuống hạng, sau V-League 2014, CLB Hùng Vương An Giang cũng tuyên bố giải thể. Gần đây thì CLB Ninh Bình, Sài Gòn FC cũng lần lượt giải tán.
Trong 3 năm qua, đã có 6 đội bỏ suất Giải Hạng nhất vì khó khăn tài chính gồm các CLB Tây Ninh, Gia Định (2021); An Giang (2022); Cần Thơ, Sài Gòn FC (2023) và Bình Thuận (2024). Trước mùa giải 2024-2025, VFF và VPF đã phải lùi lại lịch bốc thăm xếp lịch đấu Giải Hạng nhất, Cúp quốc gia với lý do có ít nhất 4 CLB Hạng nhất đang gặp khó khăn về kinh phí. Đó là chưa tính đến Khánh Hòa, CLB rớt hạng mùa rồi, vẫn chưa có động thái nào để chuẩn bị cho mùa giải mới. Ở mùa bóng trước khi đang thi đấu ở V-League, CLB Khánh Hòa cũng nợ lương, thưởng… khiến cho không ít lần các cầu thủ đình công.
Nói đi cũng phải nói lại, kinh tế khó khăn là tình hình chung của thế giới bóng đá, ngay như giải vô địch quốc gia Malaysia nhiều CLB cũng nợ lương, thưởng cho cầu thủ. Các CLB Úc cũng đối mặt với khó khăn tài chính… thậm chí đội bóng giàu truyền thống của Pháp là Bordeaux cũng phải tuyên bố phá sản, từ bỏ bóng đá chuyên nghiệp để qua sân chơi nghiệp dư cũng chỉ vì thiếu hụt kinh phí.
Cùng tìm giải pháp
AFC đã cảnh báo các giải nội địa Malaysia sẽ bị rút giấy phép vì nợ lương cầu thủ quá nhiều (7 tháng), AFC sẽ rút giấy phép hoạt động của Công ty Tổ chức Bóng đá chuyên nghiệp Malaysia, tổ chức về mặt danh nghĩa và hoạt động giống như VPF của BĐVN.
AFC quyết liệt với LĐBĐ Malaysia (FAM) vì trong thời gian dài, tình trạng các CLB Malaysia nợ lương cầu thủ từ hệ thống giải vô địch quốc gia đến cấp thấp hơn diễn ra thường xuyên tại Malaysia. Với AFC, quyền lợi của cầu thủ hay người lao động phải được đặt lên hàng đầu. Chuyện FAM xem nhẹ tiêu chí quan trọng này và tiếp tục cấp phép cho các đội bóng không đủ năng lực tài chính kể trên - là điều không thể chấp nhận đối với AFC.
Để không để xảy ra tình huống xấu nhất: các CLB giải thể, bị AFC, FIFA kỷ luật do CLB nợ lương, thưởng cầu thủ… khi các CLB ở Úc không đủ kinh phí vận hành, LĐBĐ Úc và Ban Tổ chức giải vô địch quốc gia Úc đã giảm số tiền nộp cho Ban Tổ chức giải mỗi mùa bóng của từng CLB từ 530.000 USD xuống còn 330.000 USD. Đồng thời các bên liên quan ở giải vô địch Úc sẽ ngồi lại với nhau để nghiên cứu giảm thiểu tối đa những hoạt động không cần thiết để giúp CLB giảm kinh phí hoạt động với mục tiêu giúp các CLB tồn tại và tiếp tục tham gia thi đấu.
Tại Malaysia, FAM đã cùng các CLB tìm giải pháp giảm lương, giới hạn chuyển nhượng, mua sắm và thậm chí tính đường tạm thời không rớt hạng để các CLB giảm bớt đầu tư.
Với bóng đá Pháp, cụ thể trường hợp CLB Bordeaux. Năm 2021, khi sụt giảm doanh thu thương mại và mất doanh thu truyền hình vì COVID-19, CLB Bordeaux đã bị đưa vào diện quản lý đặc biệt. Năm tiếp theo, Cơ quan Giám sát tài chính các CLB chuyên nghiệp Pháp (DNCG) đề xuất giáng Bordeaux từ Ligue 2 xuống Hạng ba, hạng bán chuyên nghiệp, nhưng CLB kháng án thành công. Năm nay, DNCG tiếp tục đề xuất và CLB một lần nữa kháng án, nhưng rồi rút đơn.
Nói rõ quy trình này để chúng ta hiểu rõ hơn đối với những nền bóng đá chuyên nghiệp, họ giám sát rất chặt chẽ, đặc biệt luật cân bằng tài chính rất rõ ràng để bảo đảm tối đa quyền lợi của các cầu thủ.
Với những gì đã và đang xảy ra đã đến lúc VFF, VPF và các CLB cần sớm ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết sao cho các CLB vẫn có thể tồn tại và hoạt động trong hoàn cảnh kinh tế toàn cầu đang khó khăn.
BĐVN vẫn cần áp dụng cơ chế ngoại lệ, tạo điều kiện để một số đội bóng chưa đủ điều kiện - dựa trên các tiêu chuẩn của AFC - được tiếp tục thi đấu ở V-League, qua đó bảo đảm duy trì giải vô địch quốc gia, bảo đảm guồng máy hoạt động của cả một nền bóng đá.
Tuy vậy, cơ chế ngoại lệ này không thể kéo dài mãi, vì sẽ dẫn đến những hệ lụy khiến cho BĐVN tụt hậu rất xa so với bóng đá chuyên nghiệp trong khu vực và quốc tế.
Bình luận (0)