Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển ngày 14-10 công bố Giải Nobel Kinh tế 2024 thuộc về các chuyên gia Daron Acemoglu (người Mỹ gốc Thổ Nhĩ Kỳ), Simon Johnson và James A. Robinson (đều là người Mỹ gốc Anh). Theo trang Nobelprize.org, 3 nhà kinh tế này đã giúp thế giới hiểu được khác biệt về sự thịnh vượng giữa các quốc gia.
Khoảng 20% nước giàu nhất thế giới hiện giàu hơn khoảng 30 lần so với 20% nước nghèo nhất. Khoảng cách thu nhập giữa các nước giàu nhất và nghèo nhất vẫn dai dẳng. Các nước nghèo nhất đã giàu hơn nhưng vẫn không bắt kịp được những nước thịnh vượng nhất. Những người đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã tìm thấy bằng chứng mới thuyết phục để giải thích cho khoảng cách dai dẳng này: sự khác biệt trong các thể chế của một xã hội.
Công trình của họ cũng giúp giải thích tầm quan trọng của các thể chế xã hội đối với sự thịnh vượng của một quốc gia. Theo đó, các xã hội có nền pháp quyền kém và các thể chế bóc lột người dân sẽ không tạo ra được sự tăng trưởng hoặc thay đổi theo hướng tốt hơn.
Giải thưởng trên được trao một ngày sau khi báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy 26 quốc gia nghèo nhất thế giới, nơi sinh sống của 40% dân số nghèo nhất, đang mắc nợ nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2006. Kết quả này nhấn mạnh sự đảo ngược lớn trong cuộc chiến chống đói nghèo.
"Thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa các nước là một trong những thách thức lớn nhất hiện tại. Các nhà khoa học đoạt giải Nobel Kinh tế năm nay đã chứng minh được tầm quan trọng của các thể chế xã hội trong việc giải quyết vấn đề này" - ông Jakob Svensson, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Nobel Kinh tế, nhấn mạnh.
Hai ông Daron Acemoglu (sinh năm 1967), Simon Johnson (sinh năm 1963) hiện làm việc tại Học viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) trong khi ông James A. Robinson (sinh năm 1960) công tác tại Trường ĐH Chicago (Mỹ). Ba nhà kinh tế này sẽ chia nhau giải thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (gần 26,4 tỉ đồng).
Hai ông Acemoglu và Johnson gần đây đã hợp tác viết một cuốn sách khảo sát công nghệ qua các thời kỳ, trong đó chỉ ra rằng một số tiến bộ công nghệ có khả năng tạo ra việc làm và phân phối tài sản tốt hơn những tiến bộ khác. Trước đó, trong cuốn sách "Why Nations Fail" (tạm dịch "Tại sao các quốc gia thất bại") xuất bản năm 2012, hai ông Acemoglu và Robinson lập luận rằng một số quốc gia giàu hơn những quốc gia khác là do các thể chế chính trị và kinh tế của họ.
Cuốn sách bắt đầu bằng việc so sánh mức sống ở hai thị trấn cùng mang tên Nogales - một ở bang Arizona của Mỹ và một tại khu vực Sonora của Mexico. Trong khi một số nhà kinh tế học lập luận rằng những khác biệt về khí hậu, nông nghiệp và văn hóa có tác động lớn đến sự thịnh vượng của một nơi, hai tác giả cho rằng những người sống ở Nogales (Arizona) khỏe mạnh và giàu có hơn nhờ sức mạnh tương đối của các thể chế địa phương của họ.
Giải Nobel Kinh tế có tên gọi đầy đủ là Giải thưởng của Ngân hàng Trung ương Thụy Điển dành cho khoa học kinh tế để tưởng nhớ ông Alfred Nobel, người đã để lại di chúc thành lập Quỹ Nobel. Giải Nobel Kinh tế không nằm trong hệ thống 5 giải Nobel được lập theo di nguyện của nhà khoa học người Thụy Điển này vào năm 1895. Đây là giải thưởng do Ngân hàng Trung ương Thụy Điển sáng lập và tài trợ, bắt đầu từ năm 1968 nhân dịp 300 năm thành lập ngân hàng này.
Bình luận (0)