Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân, xã Thanh Trạch, không giấu được nỗi lo lắng, cho biết trước năm 2020, đã có 6 hộ gia đình đầu tư hàng tỉ đồng để làm hồ nuôi tôm trên cát với hy vọng làm giàu, bởi khi đó bãi biển chưa có dấu hiệu sạt lở. Tuy nhiên, khoảng 4 năm trở lại đây, dòng chảy bất ngờ thay đổi, gây nên hiện tượng xâm thực bờ biển rất nghiêm trọng.
Theo ghi nhận, biển liên tục lấn sâu vào bờ, cuốn trôi những hàng cây phi lao chắn sóng đã trồng được 7-8 năm tuổi. Các hộ nuôi tôm đã cố gắng dùng bao cát đắp thành đê bao chắn sóng để bảo vệ hồ nuôi, nhưng không thể chống chọi những đợt sóng lớn vào mùa mưa lũ và biển động. Những dãy nhà xây dựng để trông coi hồ tôm cũng như nơi chứa dụng cụ, máy móc và thức ăn cho tôm nay trở nên hoang phế bị sóng đánh tan tác.
Theo các chủ hồ tôm ở thôn Thanh Xuân, mô hình kinh tế của bà con ở đây là đào ao, phủ bạt trên cát, rồi bơm nước biển vào để nuôi tôm. Mỗi hồ đầu tư khoảng 2 tỉ đồng nhưng chưa kịp thu hồi vốn thì đã phải ngừng hoạt động vì biển "ngoạm" sâu vào bờ từng ngày, lấn cả vào hồ nuôi, khiến người dân rơi vào cảnh mất trắng.
Tình trạng sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất mà còn đe dọa sự an toàn của hàng trăm hộ dân sống ven biển. Khi rừng phi lao phòng hộ bị cuốn trôi khiến người dân càng thêm bất an. "Nếu không sớm có biện pháp xử lý, tình trạng xâm thực và sạt lở có thể uy hiếp cả tuyến đường liên thôn, khu nghĩa trang, khu đền thờ cá Ông và khu dân cư của xã Thanh Trạch" - ông Nguyễn Văn Tình, ở thôn Thanh Xuân, lo lắng.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch, cho biết xã có hơn 2 km bờ biển chạy qua 3 thôn: Thanh Xuân, Thanh Hải và Thanh Gianh. Tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiêm trọng, đặc biệt tại thôn Thanh Xuân, nơi có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu đang bị ảnh hưởng trực tiếp. Trong 3 năm qua, biển đã xâm thực sâu hơn 150 m vào đất liền, với chiều dài đoạn sạt lở hơn 1 km.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Trần Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, khẳng định tình trạng sạt lở bờ biển ở xã Thanh Trạch là rất đáng báo động, chủ yếu do tác động của biến đổi khí hậu. Trước mắt, sở đã tham mưu cho UBND tỉnh khuyến cáo người dân ngừng sản xuất, nuôi thủy sản tại khu vực nguy hiểm để tránh thiệt hại tài sản; đồng thời tổ chức trồng lại cây phi lao nhằm khôi phục rừng phòng hộ, góp phần giảm tốc độ sạt lở. Người dân cũng được hướng dẫn di dời đến nơi an toàn mỗi khi có gió bão theo khuyến cáo từ cơ quan chức năng.
Theo ông Nam, để ngăn chặn tình trạng biển xâm thực ở xã Thanh Trạch thì về lâu dài cần xây dựng hệ thống đê kè chống sạt lở, nhưng điều này đòi hỏi nguồn vốn lớn. Do ngân sách địa phương còn hạn chế nên UBND tỉnh Quảng Bình đã đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để xây dựng kè biển, nhằm bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.
Bình luận (0)