Sự đổi mới mang tính đột phá, thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, trong đó hai nội dung được người dân, doanh nghiệp trông đợi là tháo gỡ, khơi thông điểm nghẽn thể chế và tinh gọn bộ máy Nhà nước bảo đảm hoạt động hiệu năng, hiệu quả, hiệu lực.
Về vấn đề thể chế, dưới đây là một nội dung chỉ đạo mạnh mẽ, rất sát thực tiễn: Xác định rõ trách nhiệm giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền (...) theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Trên thực tế, lâu nay diễn ra tình trạng địa phương "miệt mài" gửi văn bản xin ý kiến Trung ương trong khi các bộ, ngành, Chính phủ không thể trả lời xuể hoặc chậm trả lời, dẫn tới công việc bị ùn ứ, bê trễ. Địa phương không dám quyết vì quy định pháp luật không rõ, còn các bộ, ngành cho rằng những vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh, thành nên không trả lời. Hội nghị Trung ương 10 hồi tháng 9-2024 đã quán triệt chủ trương phân cấp, phân quyền sâu hơn, mạnh hơn. Trung ương giữ vai trò kiến tạo và giám sát, pháp luật đã có và "đã rõ, đã chín" thì "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Còn đối với tình trạng các bộ, ngành được địa phương hỏi ý kiến mà "ngâm giấm", Thủ tướng Phạm Minh Chính quyết liệt chỉ đạo khi phát biểu khai mạc phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9, sáng 23-9: "Các thành viên Chính phủ nếu quá thời hạn không có phản hồi thì coi như là đồng ý".
"Nếu ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên. Các bộ, ngành khi trả lời phải cụ thể, không chung chung, không được né tránh, đùn đẩy trách nhiệm" - Thủ tướng yêu cầu.
Phân cấp, phân quyền sâu giúp khơi thông nguồn lực, làm sức bật cho sự phát triển, nhất là các địa phương được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù. Chủ trương đã rõ, từ nay trở về sau, địa phương không còn cơ hội đổ thừa về sự đình trệ của các dự án, công trình, công tác cán bộ... vì lý do chưa được Trung ương "cho ý kiến".
Quan trọng hơn cả là quyền tự chủ, tự quyết theo quy định pháp luật và tự chịu trách nhiệm còn giúp chứng minh được trình độ, thực lực và tinh thần cống hiến của cán bộ, giúp Trung ương qua đó "sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín" - như Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo trong bài phát biểu bế mạc nêu trên.
Về việc tinh gọn bộ máy Nhà nước, trong các chỉ đạo của Tổng Bí thư có nội dung đáng chú ý: "... Phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước", và "nghiên cứu cơ chế tạo việc làm cho người lao động tại khu vực Nhà nước chuyển sang làm việc tại các khu vực ngoài Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lao động cho mọi công dân trong độ tuổi lao động".
Rõ ràng là quá trình tinh giản, sáp nhập sẽ khiến một bộ phận không nhỏ cán bộ công chức, viên chức rời khỏi bộ máy Nhà nước. Trung ương vừa nêu cao tinh thần "hy sinh quyền lợi cá nhân" vừa có phương án hỗ trợ thiết thực. Như vậy, những trường hợp phải nghỉ việc (nghỉ hưu và thôi việc) hoặc thôi chức vụ lãnh đạo, quản lý (do sáp nhập, giải thể đơn vị) cần thông suốt chủ trương này.
Trên thực tế, các khu vực ngoài Nhà nước cũng có đầy cơ hội việc làm, thu nhập tốt. Cho nên, chỉ có những người năng lực hạn chế mà tham quyền cố vị, dựa hơi hoặc ỷ lại "con ông cháu cha" mới chạy tìm một chỗ trong cơ quan Nhà nước và cố bám víu vị trí đó. Nghị quyết 18-NQ/TW thổi bay những công chức, viên chức "tầm gửi", "ký sinh". Ai yếu kém sẽ bị nhận diện ngay, phải đứng sang một bên cho người khác làm; hoặc nếu còn "lăn tăn", chưa phục thì hãy chứng minh tài cán của mình ở khu vực ngoài công lập. Những người còn lại trong bộ máy Nhà nước sẽ là những nhân sự thực tài, thực tâm, thực sự vì nước vì dân, chung tay đưa đất nước phát triển, dân tộc vươn mình.
Bình luận (0)